Điều tra phòng vệ thương mại các sản phẩm gỗ có xu hướng gia tăng

Thứ 7, 11.07.2020 | 15:11:51
541 lượt xem

Tính trong cả giai đoạn 2007 – 2017 mới chỉ có 3 vụ điều tra với mặt hàng gỗ, tuy nhiên từ năm 2018 đến nay đã có 4 vụ liên quan đến sản phẩm này.

Tính đến tháng 6/2020, Bộ Công Thương đã xử lý 176 vụ việc phòng vệ thương mại do nước ngoài áp dụng với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2020, Bộ Công Thương đang xử lý 13 vụ việc phòng vệ thương mại do nước ngoài khởi xướng điều tra với hàng hóa Việt Nam và 6 vụ việc có khả năng bị điều tra trong thời gian tới (lớn hơn số lượng vụ việc của cả năm 2019).

Trong khi đó, dù chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng số vụ việc phòng vệ thương mại (bị điều tra 7 vụ, chiếm tỷ lệ 4%) nhưng mức độ điều tra với các sản phẩm gỗ đang có xu hướng tăng. Tính trong cả giai đoạn 2007 – 2017 mới chỉ có 3 vụ việc với mặt hàng gỗ, tuy nhiên từ 2018 đến nay đã có 4 vụ với sản phẩm này.

Đáng chú ý, ngày 17/6 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đang áp dụng đối với sản phẩm gỗ ván ép của Trung Quốc được nhập khẩu từ Việt Nam. Đây là sản phẩm gỗ ván dán cứng, gỗ ván dán dùng trong trang trí và một số loại gỗ ván phủ veneer.

san pham go xuat khau doi dien voi nguy co dieu tra phong ve thuong mai hinh 1
Sản phẩm gỗ xuất khẩu đối diện với nguy cơ điều tra phòng vệ thương mại
Ảnh minh họa: KT

Trước thực trạng này, Bộ Công Thương khuyến nghị các doanh nghiệp sản xuất, chế biến và xuất khẩu gỗ cần tìm hiểu cơ chế, quy định, thủ tục điều tra của Mỹ; chủ động hoàn thiện hệ thống quản lý, số liệu để đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về thông tin, chứng minh nguồn gốc nguyên liệu.

Các doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược đa dạng hóa sản phẩm và đa phương hóa thị trường xuất khẩu để phân tán rủi ro, tránh tập trung xuất khẩu với khối lượng lớn vào một thị trường. Đồng thời, có chiến lược phát triển nguồn nguyên liệu trong nước nhằm nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, đồng thời đây cũng là giải pháp lâu dài để ứng phó với các cuộc điều tra “chống lẩn tránh” đang ngày càng gia tăng hiện nay.

Cũng theo Bộ Công Thương, tới đây, khi Hiệp định EVFTA chính thực có hiệu lực sẽ mở ra cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU, nhưng theo kèm đó là những thách thức mới về quy định xuất xứ, các tiêu chuẩn kỹ thuật cao. Mặt khác, có thể xuất hiện làn sóng dịch chuyển sản xuất, đơn hàng sang Việt Nam dẫn tới nguy cơ về gian lận xuất xứ và lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại, tăng nguy cơ bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại từ EU.

Nhằm tiếp tục đảm bảo môi trường cạnh tranh bình đẳng, tháo gỡ khó khăn đối với các rào cản xuất khẩu và nâng cao năng lực cho cộng đồng doanh nghiệp và các Hiệp hội trong lĩnh vực phòng vệ thương mại, ngày 19/5/2020, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký ban hành Quyết định số 1347/QĐ-BCT triển khai một số hoạt động nhằm hỗ trợ, nâng cao năng lực phòng vệ thương mại cho các ngành sản xuất trong nước trong bối cảnh Việt Nam tham gia các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới./.


Nguyễn Quỳnh/VOV.VN

https://vov.vn/kinh-te/dieu-tra-phong-ve-thuong-mai-cac-san-pham-go-co-xu-huong-gia-tang-1069559.vov

  • Từ khóa