Thất nghiệp thời Covid-19, môi giới bất động sản chạy xe ôm, bán trà đá

Thứ 4, 12.08.2020 | 14:47:15
600 lượt xem

Đây là thời điểm mà nhiều môi giới bất động sản đều khó lòng sống được với nghề do thị trường đóng băng vì dịch Covid-19.

Việc môi giới bất động sản thất nghiệp, chuyển sang nghề khác có lẽ chưa bao giờ nhiều như hiện nay. Covid-19 hoành hành khiến thị trường đóng băng, dự án bung ra không khách nào ngó đến, môi giới bất động sản trở nên thừa thãi. Cầm cự mãi không được, nhiều môi giới đành chuyển sang chạy Grab, bán trà đá, hải sản hoặc kinh doanh online để kiếm thêm thu nhập.

Nguyễn Thị Tân, môi giới bất động sản cho một sàn bất động sản lớn tại Hà Nội chia sẻ, dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến giao dịch, trong 3 tháng đầu năm khi dịch bùng phát lần 1, giao dịch đã rất ảm đạm, thi thoảng mới có 1, 2 cái. Còn hơn 10 ngày trở lại đây, khi dịch bùng phát lần 2, khách mua nhà vắng bóng.

Theo môi giới này, ngoài việc nhắn tin, gọi điện thường xuyên để mời chào khách, chị cũng chiều khách hết lòng như đến tận nơi tư vấn- điều mà không bao giờ có ở thời hoàng kim, khi môi giới nhà đất nghe điện thoại thôi cũng không xuể. Thế nhưng, hẹn được khách đã khó, để khách gật đầu thời điểm này còn khó hơn. Hầu hết đều hẹn Tân qua dịch sẽ tính toán tiếp. Hiện nhóm của Tân đã “ra đi hơn một nửa”, số còn ở lại thì trong trạng thái “cầm chừng” để chờ dịch qua. "Nhưng nếu dịch còn kéo dài thì có lẽ khó cầm cự được. Vừa rồi tưởng dịch đã được dập, ai ngờ bùng phát lại dữ dội hơn. Trên thế giới cũng chưa có tín hiệu nào khả quan", Tân lo lắng nói.

that nghiep thoi covid-19, moi gioi bat dong san chay xe om, ban tra da hinh 1
Thị trường bất động sản trầm lắng khiến phần lớn đội ngũ môi giới thất nghiệp. (Ảnh minh họa: Sài Gòn giải phóng)

Lê Văn Học (30 tuổi), nhân viên môi giới bất động sản tại sàn giao dịch có tiếng ở Hà Nội cũng than thở, từ đầu năm đến nay Học chỉ bán được…2 căn chung cư.

Trước đây, trung bình 1 tháng học có thể bán được 2 - 3 căn, thu nhập vài chục triệu đồng tiền hoa hồng môi giới. Nhưng từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh khiến nhu cầu mua bán nhà hầu như không có, ảnh hưởng lớn tới nghề môi giới bất động sản.

Học kể, mặc dù chỉ bán được 2 căn chung cư, hoa hồng tầm 30 triệu đồng, nhưng chi phí cho quảng cáo mỗi tháng cũng gần 10 triệu đồng. Hàng không bán được, tiền quảng cáo quá lớn khiến Học phải suy nghĩ đến chuyện bỏ nghề.

“Em đang tham gia bán hàng cho một dự án nhà quận Hoàng Mai. Sau đợt dịch lần 1, nghĩ vẫn túc tắc tìm được khách nên em đầu tư chạy quảng cáo. Ai ngờ, tốn gần chục triệu đồng quảng cáo mỗi tháng, tìm được khách nhưng hẹn gặp tư vấn thì khách từ chối vì dịch Covid-19 bất ngờ bùng phát. Như vậy là mất cả chì lẫn chài”, Học thở dài.

Theo Học, tại sàn giao dịch bất động sản nơi Học làm việc cũng như nhiều sàn khác, đa số nhân viên môi giới đều đã nghỉ việc và phải chuyển nghề để duy trì cuộc sống, thậm chí về quê ăn bám gia đình. Một số ít ở lại Hà Nội duy trì hoạt động môi giới nhưng không mấy hiệu quả, còn lỗ tiền chạy quảng cáo, điện thoại tìm khách.

Trần Nguyệt Ánh, một môi giới bất động sản tại Hà Nội tâm sự, khi dịch Covid-19 bùng phát hồi đầu năm, Ánh quyết định về quê chờ hết dịch để lên đi làm lại. Nhưng dịch hết chưa được bao lâu lại bùng phát trở lại, nên Ánh quyết định bán hàng online để kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống.

“Dịch bệnh kéo dài nên nghề môi giới gặp khó khăn, tôi buộc phải chuyển sang bán hải sản online. Ban đầu chưa quen vất vả lắm, vừa tìm khách bán nhà vừa buôn hải sản kết hợp nên càng vất vả. Gần đây, tìm được mối gửi xe khách lên nên nhàn hơn. Chưa bỏ hẳn nghề môi giới bất động sản vì còn đam mê nhưng hiện tại, không biết lúc nào có cơ hội quay lại”, Ánh chia sẻ.

Cũng theo Ánh, nhiều môi giới cùng công ty với Ánh cũng chuyển nghề sang chạy Grab, mở quán trà đá hay shipper.

Nhiều môi giới đã không trụ nổi trên thị trường bất động sản từ thời điểm sau Tết nguyên đán. Phần lớn môi giới “nghỉ Tết dài hạn” do doanh nghiệp gặp khó khăn. Đến nay, khi dịch bệnh phát triển ngày càng phức tạp, họ lại lo tình trạng sẽ tiếp tục "nghỉ Tết" ngay từ bây giờ.

Những môi giới còn trụ lại trên thị trường thì bắt đầu “gồng mình” để bán hàng trong mùa dịch. Dù đã dùng đến các hình thức như sử dụng công nghệ để bán hàng online, hỗ trợ khách khách hàng xem sản phẩm trực tuyến, chiết khấu mạnh tay hơn…nhưng có lẽ chưa khả quan là mấy khi mà cả khách mua ở thực lẫn nhà đầu tư đều đang trong tâm lý lo ngại về dịch bệnh.

Trong khi đó, cũng do nhiều công ty môi giới bất động sản nhỏ vì khó khăn không thể trả lương cho nhân viên nên mối quan hệ công việc giữa công ty và nhân viên sale không bền chặt, không làm ăn được khiến môi giới phải rời đi.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, dịch Covid-19 bùng phát đã khiến thị trường bất động sản trở nên thê thảm nhất trong hàng chục năm gần đây. Đợt dịch bùng phát đầu năm, trong tổng số khoảng 1.000 doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực môi giới thì có tới 1/3 sàn giao dịch bất động sản phải đóng cửa. Bên cạnh đó, khoảng 500 sàn phải tạm dừng hoạt động một phần.

Còn tại báo cáo về nhà ở và thị trường bất động sản quý I/2020 của Bộ Xây dựng, do ảnh hưởng dịch bệnh, đến tháng 4, các doanh nghiệp bất động sản chỉ giữ lại khoảng 50% cán bộ, nhân viên để duy trì hoạt động, làm việc trực tiếp, còn lại làm việc trực tuyến tại nhà, một phần phải cho nghỉ.

Bên cạnh đó, có khoảng 80% sàn giao dịch bất động sản đóng cửa hoặc tạm ngừng hoạt động hoặc không phát sinh giao dịch, nhiều cá nhân môi giới bất động sản thất nghiệp.

Tính đến hết quý I, cả nước ước tính còn khoảng 200 sàn giao dịch bất động sản đang hoạt động cầm chừng. Hầu hết các sàn chỉ duy trì bộ phận gián tiếp điều hành làm việc luân phiên trong thời gian phòng tránh dịch. Các nhân viên môi giới đều tạm ngừng làm việc, chuyển sang công việc khác theo thời vụ.

Còn theo các chuyên gia bất động sản, thị trường bất động sản vừa trải qua đợt dịch bùng phát hồi đầu năm, chưa kịp hồi phục lại phải đối mặt với làn sóng bùng phát dịch thứ hai này, tuy cho có số liệu thống kê, nhưng chắc chắn sẽ gặp khó khăn hơn nữa bởi sự khó khăn của nền kinh tế nói chung và tâm lý của khách hàng không mấy quan tâm mua nhà vào thời điểm này./.


Theo VOV.VN

https://vov.vn/kinh-te/dia-oc/that-nghiep-thoi-covid19-moi-gioi-bat-dong-san-chay-xe-om-ban-tra-da-1082318.vov

  • Từ khóa