Bí quyết thành công của Elon Musk: Học từ đối tác, rồi độc bước

Thứ 2, 21.09.2020 | 13:53:16
688 lượt xem

Elon Musk từ chỗ không biết gì về chế tạo ôtô đã trở thành "ông trùm" trong ngành sản xuất ôtô điện toàn cầu trong 16 năm.

Musk có khả năng học hỏi nhanh. Ông liên minh với công ty sở hữu những công nghệ Tesla còn thiếu, chiêu mộ đội ngũ nhân sự tài năng nhất của họ và bứt phá ra khỏi những ranh giới mà nhiều đối thủ ưa an toàn khác chùn bước. Hiện tại Musk và các đồng sự đã vạch ra những bước tiến mới trên hành trình đưa Tesla thành công ty "tự cung tự cấp", hạn chế sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp.

Giám đốc điều hành Tesla - Elon Musk - tại lễ trao giải Das Goldene Lenkrad (Vô-lăng vàng) ở Berlin năm 2019. Ảnh: Reuters.

Giám đốc điều hành Tesla - Elon Musk - tại lễ trao giải "Das Goldene Lenkrad" (Vô-lăng vàng) ở Berlin năm 2019. Ảnh: Reuters.

Suốt vài tháng qua, Musk nhiều lần úp mở về việc sẽ công bố cải tiến công nghệ quan trọng của Tesla về pin, cho phép ôtô điện của họ cạnh tranh với dòng xe chạy bằng xăng có giá thành rẻ hơn, vào sự kiện "Battery Day" (Ngày hội pin) diễn ra ngày 22/9.

Một nguồn tin nội bộ cho biết thiết kế, hóa chất và quy trình sản xuất pin mới chỉ là một phần nhỏ trong những cải tiến cho phép Tesla giảm phụ thuộc vào đối tác lâu năm như Panasonic.

"Elon Musk không muốn bất kỳ mắt xích nào trong dây chuyền kinh doanh của mình phải phụ thuộc vào người khác", một cựu giám đốc điều hành cấp cao tại Tesla chia sẻ. "Và cũng không rõ điều này là tốt hay xấu - đôi khi đó là tín hiệu tốt, đôi khi xấu. Ông ấy nghĩ mình có thể làm tốt hơn, nhanh hơn và tiết kiệm chi phí hơn người khác".

Tesla dự kiến vẫn duy trì mối quan hệ đối tác sản xuất pin với Panasonic của Nhật Bản, LG Chem của Hàn Quốc và Contemporary Amperex Technology (CATL) của Trung Quốc. Nhưng đồng thời, họ cũng dần kiểm soát việc sản xuất pin - thành phần cơ bản của bộ nguồn pin xe điện - tại các nhà máy tự động hóa cao, bao gồm một nhà máy được xây dựng gần Berlin, Đức và một nhà máy ở Fremont, California. Đây cũng là nơi Tesla đang có trong tay hàng chục chuyên gia đi đầu về lĩnh vực thiết kế và sản xuất pin.

Đại diện Panasonic cho hay: "Mối quan hệ của chúng tôi với Tesla không hề thay đổi. Dù trong quá khứ hay hiện tại, giữa chúng tôi là mối quan hệ rất bền vững. Panasonic không phải nhà cung cấp của Tesla; chúng tôi là đối tác của nhau. Và chắc chắn mối quan hệ đối tác ấy sẽ được duy trì để mang lại đổi mới, tiến bộ cho xã hội".

Về phía mình, Tesla từ chối bình luận.

Tự lực sản xuất

Những người đã quen với chiến lược của Tesla chia sẻ kể từ khi tiếp quản công ty non trẻ này năm 2004, Musk vẫn luôn đặt mục tiêu học hỏi qua các quan hệ đối tác, thương vụ sáp nhập và tuyển dụng nhân tài để nắm quyền kiểm soát những công nghệ quan trọng.

Họ cho biết mục đích của ông là xây dựng một công ty tích hợp công nghệ mạnh mẽ theo chiều dọc, hoặc một phiên bản kỹ thuật số của hệ thống sản xuất từ - quặng - sắt - thành - Model - A của Ford Motor cuối những năm 1920.

"Musk cho rằng ông ấy có thể cải thiện mọi thứ mà các nhà cung cấp đã làm - tất cả mọi thứ", Tom Wessner, Cựu Giám đốc điều hành chuỗi cung ứng Tesla và hiện là trưởng bộ phận tư vấn ngành của Imprint Advisors, cho biết.

Pin chiếm phần lớn chi phí cho một chiếc ôtô điện và là trọng tâm trong chiến lược thành công của Elon Musk. Mặc dù nhiều nhân viên phản đối việc phát triển pin độc quyền của Tesla, Musk vẫn "một lòng một dạ" hướng tới mục tiêu đó. "Người khác càng nói 'Không', ông ấy càng muốn làm", một cựu nhân viên Tesla khác cho biết.

Những thay đổi về thiết kế, hóa chất và quy trình sản xuất pin mà Tesla công bố tuần tới sẽ được áp dụng để giải quyết bài toán tại sao ôtô điện đắt hơn so với xe sử dụng động cơ đốt trong có phát thải carbon.

Hồi tháng 5, Tesla ấp ủ kế hoạch ra mắt loại pin chi phí thấp và có thể chạy được một triệu dặm. Tesla đang nỗ lực đảm bảo nguồn cung nguyên liệu quan trọng như niken, đồng thời phát triển các hóa chất không cần đến thành phần coban đắt đỏ cũng như tăng cường tự động hóa quy trình để đẩy mạnh sản xuất.

Đi thẳng lên Sao Hỏa

Panasonic hợp tác với Tesla trong dự án siêu nhà máy Nevada Gigafactory trị giá 5 tỷ USD, trong khi CATL và LG Chem cung cấp pin cho nhà máy Tesla ở Thượng Hải, nơi lắp ráp module và bộ nguồn pin cho mẫu sedan Model 3 của hãng này.

Theo hai vị cựu quản lý cấp cao của Tesla, mối quan hệ giữa Panasonic và Tesla suýt chút nữa đã bất thành. Musk yêu cầu thành lập một nhóm nghiên cứu quy trình sản xuất pin vào năm 2011 nhưng cuối cùng vẫn quyết định hợp tác với Panasonic vào năm 2013. Hiện tại Tesla thử nghiệm một dây chuyền sản xuất pin ở Fremont và xây dựng một cơ sở sản xuất tự động tại Gruenheide, Đức.

Mối quan hệ sóng gió với Panasonic chính là hình ảnh phản chiếu những liên minh khác của Tesla.

Trong thời gian phát triển với Daimler, Đức - vốn là nhà đầu tư từ những ngày đầu của Tesla - Musk đã bắt đầu quan tâm đến các cảm biến giúp duy trì ôtô trong phạm vi làn đường. Khi ấy, Model S của Tesla, được các kỹ sư đến từ Mercedes-Benz hỗ trợ tinh chỉnh, vẫn chưa có camera và các cảm biến, phần mềm hỗ trợ người lái phức tạp như mẫu Mercedes S-Class.

"Ông ấy biết được điều đó và đi thêm một bước nữa. Chúng tôi đã yêu cầu các kỹ sư của mình nhắm đến mặt trăng, nhưng ông ấy lại muốn đi thẳng lên Sao Hỏa", một kỹ sư cấp cao của Daimler cho biết.

Trong khi đó, mối giao kết với Toyota của Nhật Bản, một nhà đầu tư khác từ thưở "cơ hàn", đã dạy Musk nhiều bài học về quy trình quản lý chất lượng.

Cuối cùng, các quản lý cấp cao từ Daimler và Toyota đều gia nhập Tesla với những vai trò trọng yếu cùng vô số tài năng từ Google, Apple, Amazon, Microsoft và thậm chí các đối thủ như Ford, BMW và Audi cũng đầu quân cho Musk.

Học hỏi kiểu Musk

Tuy nhiên, một số mối quan hệ đã đi đến cái kết không mấy tốt đẹp.

Tesla hợp tác với nhà sản xuất cảm biến Mobileye của Israel năm 2014, một phần để tìm hiểu cách thiết kế hệ thống tự lái mà sau này phát triển thành phiên bản Autopilot của Tesla.

"Mobileye là động lực đằng sau phiên bản Autopilot ban đầu", một cựu giám đốc điều hành giấu tên của Mobileye tiết lộ.

Mobileye, hiện thuộc sở hữu của Intel, cũng nhận ra mối nguy khi chia sẻ công nghệ với một công ty khởi nghiệp phát triển nhanh như Tesla - một công ty từng đứng bên bờ vực phá sản cuối năm 2008 giờ đạt giá trị thị trường 420 tỷ USD. Hai công ty đã có cuộc "chia tay" ồn ào sau sự kiện một tài xế thiệt mạng khi chiếc Model S sử dụng hệ thống lái tự động gặp sự cố vào năm 2016.

Khi đó, Amnon Shashua, hiện là Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Mobileye, cho biết Autopilot của Tesla không giải quyết được tất cả các tình huống va chạm có thể xảy ra vì đây là hệ thống hỗ trợ người lái, không phải hệ thống không người lái. Ông khẳng định Tesla "bóp méo" cách áp dụng công nghệ của họ.

Công ty công nghệ của Mỹ - Nvidia - tiếp nối Mobileye trở thành nhà cung cấp cho Autopilot, nhưng cuối cùng cũng bị gạt ra. "Nvidia và Tesla có chung chiến lược phát triển các phương tiện được điều khiển bằng phần mềm với sự hỗ trợ của AI hiệu suất cao. Elon Musk tập trung vào mục tiêu tích hợp theo chiều dọc và muốn sản xuất chip của riêng mình", Danny Shapiro, Giám đốc của Nvidia cho hay.

Ngoài quan hệ đối tác, bốn năm trước, Musk cũng đẩy mạnh mua bán sáp nhập các công ty ít được biết đến - Grohmann, Perbix, Riviera, Compass, Hibar Systems - để nhanh chóng nâng cao khả năng chuyên môn của Tesla trong lĩnh vực tự động hóa. Maxwell và SilLion tiếp tục cải thiện năng lực của Tesla trong mảng công nghệ pin.

Mark Ellis, chuyên gia tư vấn của Munro & Associates, đã nghiên cứu cặn kẽ về Tesla và cho biết: "Musk học được rất nhiều từ những người đó. Ông ấy tận dụng thông tin có được rồi nỗ lực làm mọi thứ tốt hơn".


Hải Yến/vnexpress.net

https://vnexpress.net/bi-quyet-thanh-cong-cua-elon-musk-hoc-tu-doi-tac-roi-doc-buoc-4164778.html

  • Từ khóa