Người Singapore lo lao động nước ngoài “cướp mất” việc làm thời Covid-19

Thứ 3, 22.09.2020 | 08:23:55
512 lượt xem

Đảo quốc Singapore vốn mở rộng cửa với lao động nước ngoài. Nhưng do tác động của dịch Covid-19, chính phủ Singapore đang ưu tiên lao động địa phương.

Mức mất việc làm kỷ lục đang thử thách sự cởi mở của Singapore đối với nguồn lao động nước ngoài, làm tăng thêm mức độ bất an của người dân địa phương đối với các lao động nước ngoài sang đây tìm việc làm. Sự bất an đó đã có từ trước khi đại dịch Covid-19 đẩy “thành bang” Singapore vào tình trạng suy thoái sâu nhất từ trước tới nay.

Chủ nghĩa dân tộc Singapore thể hiện ở 1 tấm biển với dòng chữ “Singapore dành cho người Singapore” trong 1 cuộc tập hợp của người dân nước này. Ảnh: Facebook.

Chủ nghĩa dân tộc Singapore thể hiện ở 1 tấm biển với dòng chữ “Singapore dành cho người Singapore” trong 1 cuộc tập hợp của người dân nước này. Ảnh: Facebook.

Thất nghiệp tăng vọt

Dưới áp lực phải hồi sinh nền kinh tế và tạo ra việc làm, giới hoạch định chính sách Singapore đang thận trọng phản ứng bằng các giải pháp thúc đẩy tuyển dụng người địa phương trong khi vẫn mở rộng cửa với các công nhân nước ngoài có trình độ tay nghề cao cần thiết cho việc cạnh tranh với các nền công nghiệp tiên tiến khác.

Tổng mức việc làm ở quốc gia-thành phố này đã giảm 129.000 vị trí trong nửa đầu năm 2020, trong khi tỷ lệ thất nghiệp tổng thể đã tăng lên mức 2,8% vào tháng 6/2020. Cắt giảm vị trí việc làm tăng nhanh lên mức 11.350 trong nửa đầu năm 2020. Hãng Singapore Airlines gần đây công bố kế hoạch cắt giảm tới 4.300vị trí công việc, tức khoảng 20% nhân sự của doanh nghiệp này.

Đầu tháng 9/2002, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nhấn mạnh trước quốc hội nước này rằng chính phủ của ông dù “luôn sát cánh với nhân dân Singapore” nhưng cũng phải chống lại áp lực “hướng nội” trong bối cảnh chính sách bảo vệ việc làm cho người Singapore được điều chỉnh sau khủng hoảng kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra.

Đảng Hành động Nhân dân (PAP) cầm quyền tại Singapore vừa tái đắc cử hồi tháng 7 vừa qua với lời hứa ưu tiên tạo việc làm. Nay họ đứng trước áp lực phải giải quyết vấn đề này mà không tạo thêm gánh nặng cho các nhà tuyển dụng hay cắt giảm lao động và đầu tư nước ngoài cần thiết cho việc củng cố đà phục hồi kinh tế dài hạn của đảo quốc.

Lo mất miếng cơm manh áo

Thủ tướng Lý nói: “Nhiều người Singapore đang lo âu và chịu áp lực trong vấn đề công ăn việc làm. Có thể cảm nhận được suy nghĩ của họ là người nước ngoài đang cạnh tranh việc làm với họ... Chúng ta phải thận trọng để không tạo ra ấn tượng sai trái là chúng ta đang đóng cửa dần, không còn hoan nghênh các lao động nước ngoài. Dư luận như thế sẽ gây hại nhiều cho chúng ta”.

Thành công của Singapore với tư cách là trung tâm thương mại toàn cầu xoay quanh sự cởi mở của nước này đối với dòng chảy vốn và lao động nước ngoài. Nhưng mô hình thành công này đang vấp phải trở lực chưa từng có tiền lệ trong kỷ nguyên Covid-19. Đại dịch này đã rọi chiếu vào các công nhân nhập cư lương thấp thường được Singapore thuê làm trong lĩnh vực xây dựng – những đối tượng này chiếm khoảng 95% trong tổng số 57.500 ca nhiễm Covid-19 được ghi nhận tại quốc gia Đông Nam Á này.

Các vấn đề liên quan đến mức độ nhập cư gia tăng và lao động nước ngoài trình độ cao đã tạo ra các cuộc tranh luận và thái độ bài trừ, nhất là đối với các đối tượng nhập cư tay nghề cao đến từ Ấn Độ. Một số nhà phê bình và cư dân mạng tại Singapore cho rằng các lao động Ấn Độ này đang chiếm tỷ lệ quá cao trong các ngành nghề được trả lương cao như là công nghệ thông tin và ngân hàng.

Laavanya Kathiravelu, một nhà xã hội học tại Đại học Công nghệ Nam Dương của Singapore, nhận xét: “Thái độ đối với các người nhập cư trung lưu thì cũng giống tâm lý ở các nơi khác trên thế giới trong bối cảnh có đại dịchCovid-19. Thái độ đó đặc trưng ở sự bài ngoại tăng cao trong nhiều trường hợp, xem người nhập cư như các đối thủ tranh giành với người địa phương các việc làm và nguồn lực khan hiếm”.

Các đảng đối lập đã gây sức ép lên đảng cầm quyền PAP về các vấn đề nhập cư và lao động nước ngoài. Tại một phiên họp của Quốc hội Singapore, thủ lĩnh phe đối lập Pritam Singh còn kêu gọi xây dựng luật trừng phạt các công ty có chính sách tuyển dụng phân biệt đối xử với lao động người Singapore.

Hồi tháng 8, chính phủ tuyên bố sẽ nâng mức lương tối thiểu hàng tháng cho lao động nước ngoài từ 3.900 đôla Singapore lên 4.500 đôla Singapore; riêng trong khu vực tài chính, mức tối thiểu mới là 5.000 đôla Singapore (tương đương 3.680 USD) – động thái này là nhằm hạn chế việc tuyển dụng người nước ngoài.

Công nhân nhập cư tại một công trường xây dựng ở Singapore. Ảnh: Twitter.

Công nhân nhập cư tại một công trường xây dựng ở Singapore. Ảnh: Twitter.

Singapore vẫn phải duy trì lao động nước ngoài

Một số nhà quan sát hoan nghênh động thái ưu tiên tuyển dụng nhân sự địa phương như trên nhưng cũng có các nhà phân tích cho rằng ngưỡng lương tối thiểu như vậy sẽ tạo thêm gánh nặng kinh phí cho các công ty trong trường hợp có quá ít ứng viên người Singapore đáp ứng được yêu cầu của công việc.

Yu Liuqing, một nhà phân tích của Economist Intelligence Unit, nhận định: “Điều nói trên sẽ làm phức tạp thêm môi trường kinh doanh và làm tăng phí vận hành... Động thái đó thực sự sẽ khuyến khích các nhà tuyển dụng thuê lao động trong nước thay vì các chuyên gia nước ngoài, nhất là khi chính phủ có chính sách ưu đãi tài chính cho điều này”.

Theo sáng kiến khuyến khích tăng trưởng việc làm được công bố vào đầu tháng 9, các doanh nghiệp tuyển người địa phương trong 6 tháng tới sẽ được nhận khoản bù trừ lên tới 50% mức lương của những người từ 40 tuổi trở lên và tới 25% cho những lao động trẻ hơn trong 12 tháng tiếp theo.

Nhưng Yu cho rằng lực lượng lao động của bản thân Singapore có thể không đủ đáp ứng nhu cầu trình độ cao trong khi mức lương tối thiểu cao như trên lại cản trở việc tuyển dụng ứng viên quốc tế, từ đó khiến cho mô hình kinh tế đầu mối của Singapore bị ảnh hưởng.

Cơ hội tạo việc làm

Mặc dù chi phí hoạt động ở Singapore cao hơn, hãng công nghệ Tencent Holdings của Trung Quốc mới đây vẫn mở một văn phòng mới ở Singapore.

Các hãng công nghệ Trung Quốc như Alibaba và ByteDance được cho là đang mở rộng hoạt động ở Singapore giữa lúc căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc.

Giới quan sát dự đoán các kế hoạch đầu tư trị giá hàng tỷ USD có thể tuyển thêm hàng trăm nhân viên ở Singapore, từ đó giúp ngăn ngừa tình trạng cắt giảm lao động do Covid-19.

Nhóm không phải dân Singapore, bao gồm các công nhân nước ngoài, chiếm tới 1,68 triệu người trong số 5,7 triệu người đang sinh sống ở Singapore, theo các số liệu thống kê chính thức được công bố vào tháng 6/2019.

Mức độ tuyển dụng nước ngoài giảm 5,7% so với mức giảm 2,7% của tuyển dụng địa phương trong nửa đầu năm 2020, theo các dữ liệu của Bộ Nhân lực Singapore. Tổng việc làm giảm đi 3,7% trong cùng thời kỳ này – mức giảm lớn nhất ghi nhận được trong nửa năm.

Số liệu thị trường lao động gần đây cho thấy các công nhân thu nhập thấp chiếm 49,2% trong số cắt giảm ở quý 2 năm 2020, khi Singapore tiến hành phong tỏa xã hội một phần (từ tháng 4-6) để ngăn ngừa sự lây lan của Covid-19.

Vào giữa tháng 6, Singapore nới lỏng hạn chế xã hội, cho phép tụ tập quy mô nhỏ và mở lại các nhà hàng và cửa hàng.

Nhưng tiêu dùng cá nhân giảm tới 11,8% và biện pháp hạn chế ở biên giới vẫn được áp dụng nên các ngành du lịch, khách sạn, và giải trí vẫn bị hứng chịu thiệt hại nặng nề. Hãng Resorts World Sentosa của Singapore với hơn 7.000 nhân viên toàn thời gian vào năm 2019 mới đây đã công bố sẽ cắt giảm nhân sự (có thể ở mức hàng ngàn) trong quý 4.

Peta Latimer, CEO của hãng tư vấn nhân lực Mercer Singapore, cho biết đại dịch Covid-19 là một động lực để các tổ chức thúc đẩy các nỗ lực ứng dụng công nghệ và đổi mới mô hình doanh nghiệp.

Latimer nói: “Các doanh nghiệp Singapore nên xoay trục nhanh chóng bằng việc tích cực quản lý các dòng doanh thu hiện tại và mới, tái định hướng mô hình vận hành, và thúc đẩy các sáng kiến chuyển đổi số... Các công ty và nhân viên càng nhanh trong chuẩn bị đáp ứng các mảng nhu cầu mới thì càng có cơ hội tạo ra được nhiều công việc mới”.

Việc cắt giảm lao động ở Singapore được dự báo vẫn sẽ còn tiếp tục kéo dài đến đầu năm 2021. Sự suy thoái kinh tế của Singapore được đánh giá là sẽ kéo dài hơn cả cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998 và khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009./.


Trung Hiếu/VOV.VN lược dịch

https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/nguoi-singapore-lo-lao-dong-nuoc-ngoai-cuop-mat-viec-lam-thoi-covid-19-780294.vov

  • Từ khóa