Điểm nhấn trong dự thảo các Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng

Chủ nhật, 27.09.2020 | 15:56:06
524 lượt xem

Nhiều ý kiến tâm huyết, trí tuệ, tập trung vào 9 nhóm nhóm vấn đề là các nội dung lớn, phức tạp, điểm nhấn của dự thảo các văn kiện trình Đại hội 13 của Đảng được đưa ra tại hội thảo.

Sáng 26/9, tại Hà Nội, Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức Hội thảo “Những nội dung mới và điểm nhấn trong dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng”. 

Hội thảo nhằm thu hút trí tuệ, ý kiến tâm huyết của các chuyên gia, nhà khoa học đối với vấn đề mới, khó, phức tạp là điểm nhấn được nêu trong dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng.

Toàn cảnh Hội thảo

Tại hội thảo, các tham luận khẳng định, dự thảo các văn kiện có một số điểm nhấn trong xác định tầm nhìn, mục tiêu phát triển với các dấu mốc quan trọng. Cụ thể, đến năm 2025 nước ta là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: là nước đang phát triển cơ bản có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước: trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Thạo – Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, Đại hội Đảng xác định những phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội, thông thường là trong một nhiệm kỳ 5 năm, một số Đại hội xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm; Đại hội có thông qua Cương lĩnh của Đảng thì xác định mục tiêu, định hướng trong thời gian dài hơn, 25-30 năm hoặc hơn nữa. 

Đại hội XIII của Đảng diễn ra khi toàn Đảng, toàn dân đang nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, nhanh chóng, khó dự báo, ảnh hưởng nhiều mặt đến nước ta. Bên cạnh đó, đất nước ta đang đứng trước nhiều thời cơ, thuận lợi và nhiều khó khăn, thách thức đan xen, nhiều vấn đề mới, quan trọng, phức tạp đang đặt ra, đòi hỏi Đại hội XIII phải có những quyết định đúng đắn, kịp thời, mạnh mẽ để giải quyết, giữ vững ổn định chính trị, kinh tế, phát triển đất nước nhanh, bền vững trong nhiệm kỳ 5 năm và chiến lược 10 năm. Đồng thời, Đại hội XIII cần có tầm nhìn xa hơn, đến giữa thế kỷ 21, năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước.

PGS.TS Nguyễn Văn Thạo cho rằng, việc xác định mục tiêu này là quan trọng, phải có tầm nhìn, căn cứ lý luận, căn cứ thực tiễn, nhìn trong nước nhưng cũng nhìn thế giới và có trình độ trí tuệ cao. Việc xác định mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2025-2030 và tầm nhìn 2045 phải bảo đảm tính kế thừa và phát triển liên tục và hoàn chỉnh trong tiến trình xây dựng chủ nghĩa xã hội. Phải làm sao thể hiện tâm huyết, trí tuệ và niềm tin, là “ý đảng, lòng dân" hòa quyện cùng với mong mỏi, khát vọng, ý chí vươn lên, một tương lai rực rỡ của đất nước, dân tộc ta.

Về vấn đề quốc phòng, an ninh và đối ngoại, các tham luận cho rằng, dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng kế thừa quan điểm chỉ đạo của của văn kiện Đại hội XII của Đảng. Trước những bối cảnh mới của thế giới, khu vực, trong nước, cần có những dự báo tình hình và đúc rút những vấn đề đặt ra đối với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc trong thời gian tới, làm cơ sở để Trung ương có những quyết sách phù hợp củng cố nền quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Chưa nhất thiết phải đẩy hội nhập quốc tế lên mức cao

Góp ý thêm về nội dung hội nhập quốc tế, Trưởng Ban đối ngoại Trung ương Hoàng Bình Quân cho biết đây là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta, là một bước chuyển tư duy mang tính “đột phá chiến lược”. Tư duy, nhận thức, quan điểm của Đảng ta về hội nhập quốc tế là một quá trình liên tục bổ sung qua các thời kỳ Đại hội. Đặc biệt, Đại hội XII đánh dấu bước phát triển nhận thức và lý luận về hội nhập quốc tế khi Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế”; lần đầu tiên khẳng định “Hội nhập quốc tế là sự nghiệp của toàn dân và hệ thống chính trị”. Dự thảo báo cáo chính trị Đại hội XIII đề xuất nâng tầm hội nhập quốc tế lên mức cao hơn, với việc bổ sung thêm nội dung “toàn diện, sâu rộng”.

Tuy nhiên, theo ông Hoàng Bình Quân, thế giới đã và đang chuyển động rất nhanh, khó lường đoán. Đại dịch Covid-19 dự báo sẽ mang lại một thế giới nhiều thay đổi. Nhiều yếu tố khách quan và chủ quan vốn là cơ sở thực tiễn và là điều kiện để triển khai hội nhập đang có những vận hội mới, chứa đựng nhiều khó khăn, thách thức hơn chúng ta tưởng, đòi hỏi phải xem xét sâu sắc, thận trọng chủ trương này.

“Có lẽ những năm tới, ít nhất là 3 năm hoặc 5 năm của nhiệm kỳ này, chúng ta chưa nhất thiết phải đẩy hội nhập quốc tế của Việt Nam lên mức cao mới là toàn diện và sâu rộng như trong dự thảo nêu. Lúc này, có lẽ không phải lúc đẩy nhanh, đẩy mạnh, đẩy toàn diện mà chúng ta phải có những bước đi hết sức thận trọng, rà soát lại những chiến lược, lĩnh vực hội nhập, lộ trình phù hợp với bối cảnh tiến trình toàn cầu hóa, đảm bảo tối cao lợi ích dân dân tộc, nhất là độc lập, tự chủ quốc phòng, an ninh”- ông Hoàng Bình Quân cho biết.

Tại hội thảo, các ý kiến tham luận tập trung vào nhóm vấn đề là các nội dung lớn, phức tạp, điểm nhấn của dự thảo các văn kiện như: Đánh giá tổng thể sự phát triển của đất nước sau 35 năm đổi mới trên các lĩnh vực, với các thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm quý báu; những vấn đề trọng tâm về phát triển kinh tế, việc đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nhanh, bền vững; về vai trò đột phá của khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo trong giai đoạn mới.../.


Kim Anh/VOV.VN

https://vov.vn/chinh-tri/diem-nhan-trong-du-thao-cac-van-kien-trinh-dai-hoi-xiii-cua-dang-781449.vov

  • Từ khóa