Những tấm bìa đỏ vô giá trị ở Lào Cai: Hệ lụy nặng nề bao giờ mới chấm dứt?

Thứ 3, 29.09.2020 | 13:57:19
404 lượt xem

Như VOV đã phản ánh, ngoài gần 60 tấm bìa đỏ sai phạm được xác minh từ năm 2014, liên quan trách nhiệm của hàng chục cán bộ của huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai hiện nay vẫn còn nhiều trường hợp tương tự khác.

“Qua tra cứu sổ theo dõi thu nộp tiền sử dụng đất thì không có tên gia đình anh chị. Khả năng thời điểm đó bên Phòng Tài nguyên và Môi trường hoặc Văn phòng Đăng kí đất đai chưa chuyển hồ sơ sang nên trên sổ lưu trữ không có…”.

Không rõ lần thứ bao nhiêu, nhưng câu trả lời này quá đỗi quen thuộc với ông Lương Công Tĩnh, kiểm thu viên thuế - Chi cục Thuế huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai từ nhiều năm nay mỗi khi có công dân mang bìa đỏ đến nhờ tra cứu.

Ông Tĩnh chia sẻ: “Trước khi Huyện ủy thanh tra Chi bộ Phòng Tài nguyên Môi trường thì không ai hỏi, nhưng sau năm 2014 đến bây giờ chúng tôi rất vất vả vì bà con thường xuyên tới tra cứu, có ngày 3 – 4 trường hợp, có ngày thì rất đông người”.

Rất nhiều người dân Bảo Yên tìm đến cơ quan thuế để tra cứu liên quan đến đất.

Sở dĩ như ông Tĩnh nói, cũng vì chính từ thời điểm đó tại Bảo Yên, các trường hợp mang bìa đỏ đi xin cấp phép xây dựng, mua bán chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế, thế chấp… thì các cơ quan đều hỏi hồ sơ đất đã thực hiện nghĩa vụ tài chính chưa? Tức đồng nghĩa với việc có hồ sơ gốc hoàn chỉnh, khẳng định bìa đỏ có giá trị hay không.

Tại một số cuộc họp của UBND tỉnh Lào Cai vào năm 2016 đã chỉ đạo các địa phương, trong quá trình thực hiện đăng kí biến động đất đai phải đối soát với hồ sơ gốc. Theo đó, huyện Bảo Yên nằm trong diện “đặc biệt”, yêu cầu “bắt buộc” đối soát.

Từ những chỉ đạo trên có thể thấy, lỗ hổng trong cấp quyền sử dụng đất ở huyện Bảo Yên rất nghiêm trọng. Qua tìm hiểu thực tế, những tấm bìa đỏ vô giá trị xuất hiện ở khắp mọi nơi, từ trung tâm thị trấn đến các xã của địa phương này, để lại hậu quả ngày một nặng nề và dai dẳng.

Tại tổ 2a, thị trấn Phố Ràng, 11 thửa đất của 9 anh em nhà bà Lã Thị Dung được bố mẹ phân chia. Bà Dung đã nhờ người bạn học cùng thời cấp 3, là cán bộ địa chính thị trấn làm hộ bìa, có gửi đủ tiền thuế. Bìa nhận về đỏ chót, đóng dấu trên chữ kí của Chủ tịch UBND huyện năm 2004, nhưng đến giờ không thể sử dụng, vì chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước.

“Chúng tôi là người dân không thể biết thật giả, chỉ biết là có bìa đỏ, Chủ tịch huyện đã kí vào đó. Tất nhiên chúng tôi phải đóng thuế rồi thì nhà nước mới cấp, nhưng bây giờ lại không có giá trị gì hết” - bà Dung bức xúc.

Bà Lã Thị Dung buộc phải hủy tấm bìa đỏ vô giá trị để đóng thuế làm mới từ đầu.

Không thể chờ đợi thêm được phương án khắc phục còn nan giải từ chính quyền, mới đây, gia đình có việc cần cầm cố đất lấy vốn, bà Dung buộc phải làm thủ tục xin hủy bìa cũ, đăng kí làm lại bìa mới, đương nhiên phải mất thêm hơn 100 triệu đồng tiền thuế theo giá hiện hành.

Tìm hiểu sâu hơn, phóng viên VOV được biết, các thửa đất của anh em nhà bà Dung nằm trong số 84 hộ ở thị trấn Phố Ràng được cấp bìa cùng đợt năm 2004 theo Quyết định số 896 của UBND huyện Bảo Yên. Theo đó, tổng diện tích được cấp vào trên 150 nghìn mét vuông, trong đó trên 16 nghìn mét vuông đất ở, còn lại là đất nông lâm nghiệp. Tất cả đều chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính. Chưa kể, trong số đó có không ít bìa ghi diện tích đất ở vượt hạn mức quy định đối với đất ở đô thị; có bìa sai họ tên, lẫn lộn vị trí thửa đất…

Ngoài số bìa người dân chủ động nhờ cán bộ làm, còn ghi nhận hàng trăm trường hợp bìa đỏ vô giá trị do sai phạm trong các đợt cấp đổi, chuẩn hóa của chính quyền Bảo Yên một thời.

Như tại cụm xã Vĩnh Yên và Xuân Hòa - 2 địa phương được đo  đạc bản đồ chính quy, chuẩn hóa hồ sơ địa chính hồi năm 2007, tổng cộng có khoảng 400 bìa đỏ thuộc diện cho tặng, chuyển nhượng, chuyển đổi mục đích sai quy định phải thu hồi. Đến nay, trường hợp phát sinh vẫn chưa dừng lại.

Tại xã Yên Sơn, chỉ riêng như thôn Bát có khoảng 100 hộ được đo đạc để cấp đổi chuẩn hóa hồi năm 2002. Đến nay, còn 40 hộ vẫn chưa nhận được bìa, 60 hộ còn lại có bìa, nhưng khi tra cứu đều chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính.

Theo ông Hoàng Công Luận, Trưởng thôn Bát, thời điểm đó các gia đình trong thôn đều thuộc diện khó khăn, được miễn thuế sử dụng đất, nhưng đúng ra hồ sơ vẫn phải chuyển sang cơ quan thuế để phân loại đối tượng và xác nhận vào đó thì bìa đỏ mới đủ căn cứ pháp lý, chứ không đơn giản chỉ in bìa, trình kí, đóng dấu là xong. Bản thân ông Luận bây giờ muốn làm thủ tục thừa kế lại thửa đất từ các cụ thân sinh, sau đó phân cho các con, nhưng không thể làm được, giờ cụ ông đã mất, cụ bà cũng già yếu, kéo dài hơn nữa sẽ càng thêm rắc rối.

Ông Hoàng Công Luận - Trưởng thôn Bát (Yên Sơn - Bảo Yên) bất lực vì không thể làm thủ tục thừa kế đất.

“Trách nhiệm thuộc về cơ quan chuyên môn, đến kê khai rồi làm thủ tục cho chúng tôi, còn chúng tôi làm sao biết được các thủ tục cần phải làm. Đến giờ để lại hậu quả cho dân rất mệt mỏi, khổ sở. Như tôi chuẩn bị hồ sơ thừa kế hết rồi, đến khi ra Phòng Tài nguyên và Môi trường thì họ trả lời là bìa chưa có thuế, không làm được” - ông Luận ngậm ngùi.

Vậy rốt cuộc tại Bảo Yên đang có bao nhiêu trường hợp bìa đỏ không có giá trị pháp lý? Câu hỏi này phóng viên VOV đã gửi tới nhiều cán bộ có trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền ở địa phương nhưng không ai trả lời được!

Theo ông Trần Trung Kiên, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bảo Yên, số bìa đỏ không hợp lệ do sai phạm từ những giai đoạn trước đang trôi nổi ở Bảo Yên khả năng vẫn còn nhiều, nhưng vì không ít trường hợp không có hồ sơ gốc nên rất khó tổng rà soát.

“Chúng tôi đề xuất phương án giải quyết bằng cách phân thành các nhóm, trường hợp nào ứng với nhóm nào sẽ giải quyết theo nhóm đấy” - ông Kiên nói.

Tuy nhiên, với các trường hợp được miễn thuế sẽ thuận lợi hơn, còn với các trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước thì xác định áp giá ở thời điểm nào đang là vấn đề khó khăn.

Ông Trần Trung Kiên - Trưởng phòng TNMT huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai trao đổi với phóng viên VOV.

“Phải có kết luận xác định lỗi thuộc về người sử dụng đất hay lỗi do cơ quan nhà nước. Lỗi do cơ quan nhà nước thì sẽ tính tại thời điểm cấp bìa trước đây. Như vậy rất khó, vì cần có các cuộc thanh kiểm tra, đi đến kết luận của cơ quan chức năng; tiến hành theo từng trường hợp thì khó mà đi tìm ra toàn bộ...” - ông Kiên chia sẻ.

Trong khi việc giải quyết còn mắc trong “mớ bòng bong” thì hậu quả của những sai phạm trong cấp quyền sử dụng đất ở Bảo Yên đã kéo dài hàng chục năm nay và rất nghiêm trọng, hệ lụy của nó khó có thể đong đếm hết.

Theo thống kê của Chi cục Thuế huyện Bảo Yên, từ năm 2014 về trước, địa phương này chưa bao giờ hoàn thành chỉ tiêu thu thuế đất dù mức giao rất thấp. Còn trong hệ thống ngân hàng, trước thời điểm phát hiện sai phạm, người dân vẫn tới vay thế chấp bình thường bằng những tấm bìa vô giá trị. Rồi những trường hợp mua bán, trao tay; trường hợp bìa cấp khống trên đất nông nghiệp…

Thiệt thòi nhất là những gia đình bị mất quyền sở hữu chính đáng trên mảnh đất của mình, đến giờ cũng chỉ biết ngậm đắng nuốt cay, trong những giọt nước mắt mỏi mòn và niềm tin đã mất từ lâu! Đã đến lúc các cơ quan chức năng Lào Cai cần vào cuộc thanh tra, kiểm tra, nếu cán bộ sai phải xử lý thật nghiêm; đồng thời có giải pháp đảm bảo  quyền lợi cho các hộ dân đã bị mất tiền mà không được cấp bìa đỏ có giá trị pháp lý, tránh tình trạng cán bộ làm sai, hậu quả thì lại người dân gánh chịu./.


An Kiên/VOV-Tây Bắc

https://vov.vn/kinh-te/nhung-tam-bia-do-vo-gia-tri-o-lao-cai-he-luy-nang-ne-bao-gio-moi-cham-dut-781909.vov

  • Từ khóa