SGK Tiếng Việt lớp 1 được chỉnh sửa, phụ huynh có bớt lo?

Thứ 7, 17.10.2020 | 09:43:44
697 lượt xem

Hội đồng thẩm định và tác giả SGK Tiếng Việt lớp 1 thuộc bộ Cánh Diều đã thống nhất chỉnh sửa những nội dung không phù hợp mà dư luận và báo chí đã phản ánh.

Trước những ý kiến phản biện mạnh mẽ của dư luận về SGK Tiếng Việt lớp 1 thuộc bộ Cánh Diều, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu Hội đồng quốc gia thẩm định SGK môn Tiếng Việt lớp 1 rà soát, báo cáo lại về các nội dung không phù hợp với học sinh lớp 1 như dư luận và báo chí nêu, đồng thời gửi báo cáo về Bộ trước ngày 17/10.

Bộ sách Cánh Diều.

Bộ sách Cánh Diều.

Đến tối 15/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo thông tin, Hội đồng thẩm định đã làm việc với tác giả và thống nhất chỉnh sửa SGK cho phù hợp hơn. Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu nhà xuất bản và tác giả xây dựng phương án chỉnh sửa, hiệu đính, gửi Hội đồng thẩm định để thẩm định, báo cáo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét phê duyệt nội dung chỉnh sửa trước ngày 15/11/2020.

Thời gian qua, SGK Tiếng Việt lớp 1 thuộc bộ sách Cánh Diều do GS Nguyễn Minh Thuyết chủ biên, Nhà xuất bản Đại học sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh phát hành, đã trở thành tâm điểm tranh luận, phản biện và cả bức xúc vì những nội dung được cho là không phù hợp với học sinh lớp 1.

Dư luận đã đặt câu hỏi về việc biên soạn, thẩm định bộ SGK này có chặt chẽ không? Tại sao có nhiều “hạt sạn” như vậy? Những chỉnh sửa SGK Tiếng Việt lớp 1 lần này liệu có giúp xoa dịu những bức xúc trong dư luận, đặc biệt là của các bậc phụ huynh hay không?

Không ít phụ huynh cho rằng, con mình liệu có đang phải là lứa “học sinh thử nghiệm” cho chương trình phổ thông mới. Thậm chí, có phụ huynh lo rằng “sửa rồi vẫn không phù hợp thì sẽ sửa đến bao giờ?” và quan trọng hơn cả là học sinh sẽ học được gì những bài học đầu tiên trên ghế nhà trường này?

Chị Thanh Nga (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ lo lắng: “Năm nay là năm đầu tiên áp dụng chương trình mới, và thực tế đã cho thấy còn rất nhiều vấn đề khiến phụ huynh chúng tôi băn khoăn. Phải chăng, con cái chúng tôi đang được đưa ra để làm thử nghiệm? Và nếu thử nghiệm thất bại thì sao? Điều đó sẽ ảnh hưởng thế nào đến các con về sau này? Và các bộ sách cứ sửa đi sửa mãi thì đến bao giờ các con mới có được một bộ SGK mới hoàn chỉnh, đảm bảo chất lượng và phù hợp?”.

Nhiều chi tiết trong SGK Tiếng Việt lớp 1 thuộc bộ sách Cánh Diều được cho là không phù hợp với học sinh.

Nhiều chi tiết trong SGK Tiếng Việt lớp 1 thuộc bộ sách Cánh Diều được cho là không phù hợp với học sinh.

Cũng có những phụ huynh hoanh nghênh sự đổi mới để con em mình được hưởng nền giáo dục hiện đại hơn, song thực tế triển khai chương trình và SGK lớp 1 mới đã khiến họ vơi đi phần nào kỳ vọng ban đầu.

“Cá nhân tôi rất hoan nghênh với việc cải cách, đổi mới SGK cũng như phương pháp dạy và học của các học sinh lớp 1. Tuy nhiên, việc đổi mới phải phù hợp với lứa tuổi còn như trang giấy trắng và những bài học đầu đời là những bài học vô cùng quan trọng. Những gì tôi kỳ vọng con mình học được ở những bài học đầu đời chỉ cần đơn giản, dễ hiểu nhưng có ý nghĩa, như “tiên học lễ, hậu học văn”, chứ không phải là những bài học sâu xa và cần phải giải thích cặn kẽ mới hiểu đúng nghĩa”- một phụ huynh ở Ba Đình, Hà Nội nói.

Năm học 2020-2021 là năm đầu tiên thực hiện chương trình phổ thông và SGK mới hoàn toàn, do vậy, việc thực hiện cái mới chắc chắn sẽ có nhiều khó khăn. Trong đó, việc cử tri, người dân quan tâm, có những đóng góp và ý kiến phản biện về SGK là điều tốt, để giúp ngành giáo dục có thể hoàn thiện tốt hơn SGK mới ở những lần tái bản tiếp theo.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phạm Tất Thắng.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phạm Tất Thắng.

Theo ông Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, thời gian qua đã có rất nhiều ý kiến của cử tri về sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 nặng, có nhiều nội dung chưa phù hợp. Phụ huynh học sinh, xã hội chưa hiểu rõ về phương pháp giáo dục mới, nhưng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng chưa phối hợp với giáo viên để hướng dẫn cho phụ huynh hiểu và đồng hành với giáo viên.

“Những ý kiến đóng góp của cử tri, của nhân dân là rất tâm huyết, đáng trân trọng. Tôi đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiêm túc tiếp thu, nghiên cứu các ý kiến đóng góp của cử tri và có những hướng dẫn các thầy các cô thực hiện tốt truyền tải chương trình mới”, ông Phạm Tất Thắng nói./.

Hội đồng thẩm định và tác giả thống nhất những điều chỉnh cụ thể là:

- Chỉnh sửa, bổ sung ngữ liệu để giáo viên có thể thay thế một số đoạn/bài đọc cho phù hợp hơn với học sinh lớp 1 như bài “Cua, cò và đàn cá” trang 115; bài “Hai con ngựa” trang 157, bài “Lừa, thỏ và cọp” trang 163…

- Thay thế một số từ ngữ khó hiểu, ít dùng như từ “nhá”, “nom”, “quà… quà”, “chén”… 

Hội đồng thẩm định cũng đề nghị tác giả khi chọn văn bản thay thế không sử dụng truyện ngụ ngôn hoặc các đoạn/bài “đa nghĩa”, nên lựa chọn đoạn/bài trong kho tàng Văn học Việt Nam. 


Thiên Bình/VOV.VN

https://vov.vn/xa-hoi/sgk-tieng-viet-lop-1-duoc-chinh-sua-phu-huynh-co-bot-lo-786467.vov

  • Từ khóa