Lan tỏa phong trào học tập suốt đời trong thời đại số

Thứ 4, 21.10.2020 | 15:17:44
314 lượt xem

Thời gian qua, sự phát triển của công nghệ thông tin đã mở ra nhiều phương pháp tiếp cận mới trong học tập để thúc đẩy văn hóa học tập suốt đời trong mỗi người dân, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng trên địa bàn tỉnh.

Bà Nguyễn Minh Châu, Phó Giám đốc Sở  Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết: Chúng ta đang sống trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, thời đại mà sự phát triển kiến thức, tri thức tăng tốc vượt bậc. Trong đó, giáo dục không chỉ là học tập trên lớp, trong trường học, mà là mọi nơi, mọi lúc. Với phương châm “lấy kiến thức tối đa trong một khoảng thời gian tối thiểu”, những năm qua, ngành GD&ĐT tỉnh đã chỉ đạo các nhà trường đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động dạy học như: sử dụng phần mềm SMAS để quản lý học sinh và trao đổi thông tin sổ liên lạc điện tử với cha mẹ học sinh; hệ thống quản lý phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, trường học kết nối để giáo viên, học sinh học tập bồi dưỡng; tổ chức quản lý thư viện điện tử… Cùng với học tại trường, giáo viên còn hướng dẫn học sinh học ở nhà thông qua các hình thức giao bài tập qua zalo, facebook, học trực tuyến qua phần mềm zoom…

Hội Khuyến học tỉnh khen thưởng hội khuyến học các huyện về thành tích trong thực hiện đẩy mạnh phong trào mô hình học tập giai đoạn 2016 – 2020

Để triển khai hiệu quả, hằng năm, Sở GD&ĐT đều khuyến khích các đơn vị trường học tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy và quản lý lớp học. Đồng thời phối hợp với các ngành chức năng tập huấn sử dụng công nghệ thông tin, số hóa cho cán bộ quản lý, giáo viên. Theo đó, từ đầu năm học 2020 – 2021, ngành giáo dục tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Giải pháp công nghệ thông tin giáo dục (trực thuộc Cục Công nghệ thông tin – Bộ GD&ĐT) triển khai tập huấn sử dụng cơ sở dữ liệu ngành theo đặc thù; phối hợp với Viễn thông Lạng Sơn, Chi nhánh Viettel Lạng Sơn triển khai chương trình hợp tác sử dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong trường học. Kết quả, năm học này có 420 đơn vị sử dụng phần mềm quản lý nhà trường và sử dụng tin nhắn điều hành; 291 đơn vị sử dụng sổ liên lạc điện tử.

Cùng đó, ngành GD&ĐT đã thực hiện số hóa trong công tác phổ cập giáo dục, đến nay, 100% thông tin điều tra phổ cập giáo dục, xóa mù chữ được nhập số liệu, tải dữ liệu lên phần mềm để theo dõi và kiểm tra. Ngoài ra, nhiều trường học đã thực hiện số hóa, tra cứu sách thư viện thông qua Internet để học sinh dễ dàng tìm đọc. Em Hoàng Văn Nguyên, học sinh lớp 6A, Trường THCS Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn cho biết: Nhờ phòng học Tin học có kết nối Internet, cùng với sự hướng dẫn của giáo viên, chúng em đã tiếp cận được những thông tin bổ ích từ các trang học tập trực tuyến. “Ngoài học trong sách, ở nhà, em còn thường xuyên lên mạng tìm đọc những tài liệu tham khảo để bổ sung kiến thức cho các môn học”.

Không chỉ ngành giáo dục, để thúc đẩy học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng phải kể đến sự đóng góp tích cực của các cấp hội khuyến học trên địa bàn tỉnh. Bà Lê Kim Hòa, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh cho biết: Hội khuyến học các cấp trên địa bàn tỉnh đã phát triển đến 100% các xã, thị trấn, thôn, bản. Với tổ chức hội rộng khắp đã góp phần phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, hội khuyến học cacác cấp thường xuyên tuyên truyền, khuyến khích các đơn vị khai thác và sử dụng thông tin trên mạng Internet, sử dụng sách điện tử, thư viện điện tử; khuyến khích giáo viên, học sinh tham gia các câu lạc bộ đọc sách online; tuyên truyền, vận động người dân đến đọc sách tại các thư viện cộng đồng… khai thác và sử dụng thông tin trên mạng Internet một cách hữu ích.

Nhờ những thành tựu của mạng Internet, phong trào học tập suốt đời đã thật sự lan tỏa, mỗi nhà, mỗi dòng họ, mỗi cộng đồng và toàn xã hội có cái nhìn toàn diện hơn, thấu đáo hơn về học tập thường xuyên, học tập suốt đời. Thống kê đến nay, trên địa bàn tỉnh có 219 dòng họ đạt dòng họ học tập, tỷ lệ 82% (tăng 115 dòng họ so với năm 2016) và 98,1% đơn vị đạt đơn vị học tập. Hằng năm có 90% thôn, bản, tổ dân phố đăng ký phấn đấu xây dựng cộng đồng học tập, 100% xã đăng ký đạt cộng đồng học tập cấp xã. Năm 2020, Lạng Sơn có 964 đơn vị đăng ký đạt đơn vị học tập (tăng 336 đơn vị so với năm 2016).

Cùng với đó, chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ trên địa bàn được nâng lên. Tính đến cuối năm 2019, toàn tỉnh đạt chuẩn phổ cập xóa mù chữ mức độ 2. Từ năm học 2019 – 2020 đến nay, 100% xã, phường, thị trấn và 11 huyện, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi với tỉ lệ huy động trẻ ra lớp đạt 99,9%; toàn tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2. Cùng đó, chất lượng giáo dục trong các nhà trường được nâng lên, từ năm học 2016 – 2017 đến nay, hằng năm, tỉ lệ học sinh tiểu học hoàn thành chương trình lớp học luôn đạt trên 99%; tỉ lệ học sinh cấp THCS đạt học lực khá và giỏi năm học 2019 – 2020 đạt 65,1% (tăng 1,17% so với năm học 2016 – 2017).

Nhờ những thành tựu của mạng Internet, phong trào học tập suốt đời đã thật sự lan tỏa, mỗi nhà, mỗi dòng họ, mỗi cộng đồng và toàn xã hội có cái nhìn toàn diện hơn, thấu đáo hơn về học tập thường xuyên, học tập suốt đời. Thống kê đến nay, trên địa bàn tỉnh có 219 dòng họ đạt dòng họ học tập, tỷ lệ 82% (tăng 115 dòng họ so với năm 2016) và 98,1% đơn vị đạt đơn vị học tập. Hằng năm có 90% thôn, bản, tổ dân phố đăng ký phấn đấu xây dựng cộng đồng học tập, 100% xã đăng ký đạt cộng đồng học tập cấp xã.


THẢO NGUYÊN/baolangson

http://baolangson.vn/giao-duc/319029-lan-toa-phong-trao-hoc-tap-suot-doi-trong-thoi-dai-so.html

  • Từ khóa