Trả lời bạn xem truyền hình ngày 27/10/2020

Thứ 3, 27.10.2020 | 00:00:00
821 lượt xem

Câu 1. Ông Lăng Văn Thân, trú tại xã Xuân Long, huyện Cao Lộc hỏi: tôi làm Thôn đội trưởng từ năm 2006 đến ngày 01/01/2020 thì nghỉ, vậy tôi có được hưởng chế độ gì không? và tôi làm cộng tác viên dân số từ ngày 01/6/1998 đến 01/01/2020 vậy tôi có được hưởng chế độ gì không?

Trả Lời:

Theo quy định tại Nghị định số 72/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Dân quân tự vệ về tổ chức xây dựng lực lượng và chế độ, chính sách đối với Dân quân tự vệ 

 Theo đó, phụ cấp chức vụ chỉ huy Dân quân tự vệ được chi trả theo tháng, mức hưởng như sau:

+ Thôn đội trưởng: 178.800 đồng và hưởng thêm 29.800 đồng khi kiểm nhiệm chức vụ tiểu đội trưởng, hoặc 35.760 đồng khi kiêm nhiệm chức vụ trung đội trưởng dân quân tại chỗ. Trường hợp thôn chỉ tổ chức tổ dân quân tại chỗ thì được hưởng thêm 29.800 đồng;

Thời gian được hưởng phụ cấp chức vụ tính từ ngày có quyết định bổ nhiệm và thực hiện cho đến ngày có quyết định thôi giữ chức vụ đó; trường hợp giữ chức vụ từ 15 ngày trở lên trong tháng thì được hưởng phụ cấp cả tháng, giữ chức vụ dưới 15 ngày trong tháng thì được hưởng 50% phụ cấp chức vụ của tháng đó.

Mức phụ cấp chức vụ chỉ huy Dân quân tự vệ kể trên sẽ được điều chỉnh trong trường hợp Chính phủ điều chỉnh mức lương cơ sở hoặc mức tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang.

Căn cứ theo quy định trên, việc ông đã nghỉ không tham gia làm Thôn đội trưởng từ ngày 01/01/2020 thì ông sẽ không còn được hưởng phụ cấp hằng tháng theo quy định. Hiện nay chưa có chế độ chính sách quy định cụ thể việc Thôn đội trưởng sau khi nghỉ việc được hưởng chế độ, phụ cấp khác.

Việc chi trả thù lao cho cộng tác viên dân số sẽ do ngân sách địa phương chi trả theo Quyết định số 1125/QĐ-TTg ngày 31/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016 – 2020. Trong đó, Thông tư 26/2018/TT-BTC của Bộ tài chính quy định về quản lý sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016 – 2020 quy định cụ thể như sau: Ngân sách địa phương sẽ chi hỗ trợ cán bộ y tế, dân số; thù lao cho cán bộ chuyên trách, cộng tác viên (trong đó bao gồm cán bộ y tế thôn bản, cô đỡ thôn bản, cộng tác viên dân số, nhân viên tiếp cận cộng đồng thực hiện nhiệm vụ phòng, chống HIV/AIDS)... do vậy việc ông đã nghỉ không tham gia cộng tác viên dân số từ 01/01/2020 sẽ không còn được hưởng chế độ, phụ cấp nữa.

Câu 2. Ông Lương Văn Chầu, trú tại xã Tân Đoàn, huyện Văn Quan hỏi: các biện pháp bảo vệ tố cáo được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời: 

Theo Luật Tố Cáo năm 2018, thì các biện pháp bảo vệ tố cáo được như sau:

Biện pháp bảo vệ bí mật thông tin

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền khi tiếp nhận, chuyển đơn tố cáo, giải quyết tố cáo căn cứ vào tình hình cụ thể quyết định áp dụng biện pháp sau đây:

1. Giữ bí mật họ tên, địa chỉ, bút tích và các thông tin cá nhân khác của người tố cáo trong quá trình khai thác, sử dụng thông tin, tài liệu do người tố cáo cung cấp;

2. Lược bỏ họ tên, địa chỉ, bút tích, các thông tin cá nhân khác của người tố cáo ra khỏi đơn tố cáo và các tài liệu, chứng cứ kèm theo để quản lý theo chế độ mật khi giao cơ quan, tổ chức, cá nhân xác minh nội dung tố cáo;

3. Bố trí thời gian, địa điểm, lựa chọn phương thức làm việc phù hợp để bảo vệ bí mật thông tin cho người tố cáo khi làm việc trực tiếp với người bị tố cáo, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan;

4. Áp dụng biện pháp khác theo quy định của pháp luật;

5. Đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan áp dụng biện pháp cần thiết để giữ bí mật thông tin của người tố cáo.

Biện pháp bảo vệ vị trí công tác, việc làm

1. Biện pháp bảo vệ vị trí công tác, việc làm của người được bảo vệ là cán bộ, công chức, viên chức bao gồm:

a) Tạm đình chỉ, hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ quyết định xử lý kỷ luật hoặc quyết định khác xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người được bảo vệ;

b) Khôi phục vị trí công tác, vị trí việc làm, các khoản thu nhập và lợi ích hợp pháp khác từ việc làm cho người được bảo vệ;

c) Xem xét bố trí công tác khác cho người được bảo vệ nếu có sự đồng ý của họ để tránh bị trù dập, phân biệt đối xử;

d) Xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật đối với người có hành vi trả thù, trù dập, đe dọa làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người được bảo vệ.

2. Biện pháp bảo vệ việc làm của người được bảo vệ là người làm việc theo hợp đồng lao động bao gồm:

a) Yêu cầu người sử dụng lao động chấm dứt hành vi vi phạm; khôi phục vị trí việc làm, các khoản thu nhập và lợi ích hợp pháp khác từ việc làm cho người được bảo vệ;

b) Xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

Biện pháp bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, tài sản, danh dự, nhân phẩm

1. Đưa người được bảo vệ đến nơi an toàn.

2. Bố trí lực lượng, phương tiện, công cụ để trực tiếp bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm cho người được bảo vệ tại nơi cần thiết.

3. Áp dụng biện pháp cần thiết để ngăn chặn, xử lý hành vi xâm hại hoặc đe dọa xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người được bảo vệ theo quy định của pháp luật.

4. Yêu cầu người có hành vi xâm hại hoặc đe dọa xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người được bảo vệ chấm dứt hành vi vi phạm.

5. Biện pháp khác theo quy định của pháp luật.

Câu 3. Ông Mai Văn Hồ, trú tại thị trấn Hữu Lũng, huyện Hữu Lũng hỏi: Những người nào được quyền yêu cầu bồi thường oan sai do người thi hành công vụ gây ra, nhà nước bồi thường người bị oan sai trong những trường hợp nào? 

Trả lời:

Người bị oan sai được quyền yêu cầu cơ quan Nhà nước bồi thường cho những tổn hại về tinh thần và vật chất mà mình phải chịu. Từ ngày 01/07/2018, việc giải quyết bồi thường oan sai được thực hiện theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017. Người thiệt hại được định nghĩa là cá nhân, tổ chức bị thiệt hại về vật chất, tinh thần do người thi hành công vụ gây ra.

Điều 5 Luật quy định người thiệt hại, người thừa kế của người bị thiệt hại trong trường hợp người bị thiệt hại chết, tổ chức thừa kế quyền, nghĩa vụ của tổ chức bị thiệt hại đã chấm dứt tồn tại, người đại diện theo pháp luật của người bị thiệt hại thuộc trường hợp phải có người đại diện theo pháp luật… có quyền yêu cầu bồi thường.

Thời hiệu yêu cầu bồi thường là ba năm kể từ ngày người có quyền yêu cầu bồi thường nhận được văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường

Nhà nước bồi thường trong trường hợp sau:

Theo điều 18, nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong các trường hợp:

 - Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp mà không có căn cứ.

 - Người bị bắt, bị tạm giữ mà có quyết định trả tự do, hủy bỏ quyết định tạm giữ, không phê chuẩn lệnh bắt, quyết định gia hạn tạm giữ vì người đó không thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

- Người bị tạm giam mà có bản án, quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định không có sự việc phạm tội, hành vi không cấu thành tội phạm hoặc đã hết thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm.

- Người đã chấp hành xong hoặc đang chấp hành hình phạt tù có thời hạn, tù chung thân, bị kết án tử hình, đã thi hành án tử hình mà có bản án, quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm.

- Người bị khởi tố, truy tố, xét xử, thi hành án không bị tạm giữ, tạm giam, thi hành hình phạt tù được xác định không phạm tội.

- Pháp nhân thương mại bị khởi tố, truy tố, xét xử, thi hành án oan./.

  • Từ khóa