Chim khổng lồ, chim trĩ, chim bồ câu giúp nông dân thu lợi lớn, phất lên nhanh

Thứ 3, 27.10.2020 | 16:42:34
882 lượt xem

Chuyện bỏ phố về quê nuôi chim, hay mạo hiểm đầu tư loài chim khổng lồ nhất thế giới đã không còn xa lạ với những "lão nông" khát khao làm giàu.

Chàng kỹ sư bỏ phố về quê quyết làm giàu bằng nghề nuôi chim trĩ

Tốt nghiệp Đại học, Mai Ngọc Thành (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) được Trung tâm trắc địa bản đồ biển tuyển vào làm việc tại Hà Nội với mức lương khá. Nhưng anh đã chọn cách về quê làm giàu bằng nghề nuôi chim trĩ trên chính mảnh đất quê hương.

"Để đưa ra quyết định ấy, lúc đầu không chỉ bản thân mình mà nhiều người thân trong gia đình, bạn bè và nhiều anh em thân thiết đã ra sức can ngăn. Tuy nhiên, bằng ý chí và quyết tâm nên mình đã quyết định "liều mạng" bỏ việc ở phố, về quê lập nghiệp mà không một chút hối tiếc", Thành nhớ lại thời khắc đưa ra quyết định bỏ công việc ngon lành ở phố thị để về quê nuôi chim trĩ.

Mô hình nuôi chim trĩ của anh Thành là mô hình phát triển kinh tế tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.

Mô hình nuôi chim trĩ của anh Thành là mô hình phát triển kinh tế tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.

Năm 2017, sau khi bỏ công việc ở thành phố về quê, Thành bắt tay ngay vào việc nuôi chim trĩ, dế. Vay mượn được hơn 300 triệu đồng cùng với số vốn ít ỏi tích góp được, Thành đã mượn mảnh đất của người chị gái và triển khai xây dựng một khu trang trại gần 250m2. Sau một thời gian trang trại đi vào hoạt động, thấy chim trĩ dễ nuôi, phù hợp với điều kiện khí hậu miền Trung nên ít nhiễm bệnh, mang lại lợi nhuận cao.

Tại Quảng Bình, thời điểm đó chưa có mô hình nào nuôi chim trĩ với số lượng lớn, người dân chỉ nuôi nhỏ lẻ nên Thành đã quyết định sẽ là người đi đầu xây dựng mô hình nuôi chim trĩ tại địa phương.

Thời gian đầu nuôi chim với số lượng lớn, do chưa nắm vững kỹ thuật, kinh nghiệm chưa có nên Thành cũng gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, nhờ kiên trì áp dụng các phương pháp khoa học, dần dần đàn chim trĩ cũng bắt đầu thích nghi với điều kiện sống và phát triển khỏe mạnh.

Thành cho hay, chim trĩ vốn là loài động vật hoang dã nên có sức đề kháng cao hơn so với nhiều vật nuôi khác, chim ít khi mắc bệnh, nếu có cũng khá dễ điều trị, nhưng cũng cần phải chăm sóc kỹ, tiêm vắc xin đầy đủ tránh bệnh tật về sau.

Thức ăn của chim trĩ giống như của gà, gồm các loại cám trộn với bắp, lúa, rau, chuối thái băm...

Chuồng nuôi chim được bao quanh bởi lưới thép, phía trên lợp mái để tránh chim bay ra ngoài, trong chuồng treo thêm cành cây ngang cho chim đậu, phía dưới trải đệm lót sinh học để chuồng trại luôn sạch sẽ và hạn chế dịch bệnh. Chim trĩ nuôi từ 3-4 tháng có thể xuất bán thương phẩm, từ 6-7 tháng có thể cho sinh sản.

Từ 20 con giống ban đầu, đến nay mỗi năm trang trại của Thành xuất ra thị trường hàng ngàn con chim trĩ giống và thương phẩm. Chim trĩ 1 ngày tuổi được bán với giá từ 35 đến 40 ngàn đồng/con, chim 1 tháng tuổi 100 ngàn đồng/con và chim thương phẩm từ 230-240 ngàn đồng/kg. Trứng chim bán giá 10 ngàn đồng/quả.

Ngoài ra, Thành còn nuôi thêm dế để làm thức ăn cho chim trĩ, đồng thời bán cho những người nuôi chim cảnh, cá cảnh với giá 90-120 ngàn đồng/kg. Nhờ vậy, bước đầu mỗi năm trang trại nuôi chim trĩ của Thành cũng cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

"Lão nông" làm giàu từ loài chim khổng lồ nhất thế giới

Sau gần 6 năm gắn bó nay ông Đào Đức Thủy (huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa) đã thành công và giàu lên từ mô hình tiên phong nuôi con đà điểu – loại chim khổng lồ nhất thế giới.

Trang trại chăn nuôi đà điểu của ông Thủy có diện tích trên 1 ha. Đây được coi là mô hình chăn nuôi khá mới lạ ở địa phương, bước đầu cho hiệu quả khả quan, mang lại nguồn thu nhập cao và ổn định. Trang trại đà điểu của ông cũng là địa chỉ rất nhiều người tìm đến để học hỏi mô hình làm giàu.

Ông Thủy đã thành công với mô hình chăn nuôi đà điểu.

Ông Thủy đã thành công với mô hình chăn nuôi đà điểu.

Ông Đào Đức Thủy cho biết , trước đây, gia đình ông thầu 1 ha đất để chăn nuôi gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh, giá cả bấp bênh, tiêu thụ chủ yếu dựa vào thương lái nên hiệu quả kinh tế không ổn định. Vốn là người ham học hỏi, ông quyết tâm tìm đến các trang trại chăn nuôi trong nước để học tập kinh nghiệm và tìm những con vật nuôi mới. Sau khi tìm hiểu, ông nhận thấy đà điểu là loài vật có sức đề kháng tốt, một con đà điểu mới nở chỉ cần nuôi sau 10 tháng là có thể xuất bán, thị trường tiêu thụ khá thuận lợi.

Mỗi con đà điểu trưởng thành có cân nặng tới 1 tạ.

Mỗi con đà điểu trưởng thành có cân nặng tới 1 tạ.

Theo ông Thủy, đà điểu châu Phi được công nhận là loài chim khổng lồ to nhất thế giới. Đà điểu rất dễ nuôi, chúng có thể ăn rất nhiều loại thức ăn khác nhau như các loại cỏ voi, rau muống, bèo tây…Đây là nguồn thức ăn cần cung cấp chính cho đà điểu.

Đến nay, tổng đàn đà điểu tại trang trại của gia đình ông Thủy lên tới hơn 200 con. "Lão nông" này chia sẻ: Nhờ mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi đà điểu, sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình ông Thủy có lợi nhuận từ 500 – 700 triệu đồng.

Kiếm nửa tỉ đồng mỗi năm từ nuôi bồ câu

Ở vùng Bảy Núi, ông Lê Văn Nam (xã Vĩnh Trung, huyện Tịnh Biên, An Giang) rất nổi tiếng vì là người khởi xướng nuôi bồ câu thương phẩm tại địa phương. Ông Nam cho biết từ đam mê nuôi bồ câu kiểng mà ông đã tìm tòi, học hỏi mở rộng thành trại nuôi bồ câu, mỗi năm thu nhập hơn nửa tỉ đồng.

Nhờ tận dụng đất quanh nhà cùng cách nuôi hợp lý mà ông Nam đang có trại bồ câu thuộc loại “khủng” nhất trong vùng.

Nhờ tận dụng đất quanh nhà cùng cách nuôi hợp lý mà ông Nam đang có trại bồ câu thuộc loại “khủng” nhất trong vùng.

Trại bồ câu hàng ngàn con bố mẹ giống lai Pháp được ông Nam bố trí lồng nuôi rất khoa học nên chỉ chiếm diện tích khoảng 300m2. Để nuôi vừa 1 cặp bồ câu bố mẹ, ông Nam thiết kế lồng theo quy cách sàn rộng 0,6x0,6m, cao 0,6m. Các lồng được ông chất chồng lên để không chiếm diện tích trại.

Theo ông Nam, trong quá trình nuôi cần giữ chuồng trại sạch sẽ, thoáng mát, thức ăn công nghiệp nên chọn loại tốt (thường là loại cho gà đẻ ăn) sẽ đảm bảo dinh dưỡng, cũng không nên cho bồ câu ăn hoàn toàn bằng lúa.

 Nhiều năm kinh nghiệm, ông Nam đã tính ra công thức thức ăn của bồ câu hợp lý nhất là gạo lứt cộng với thức ăn cho gà loại tốt mỗi thứ 50% sẽ đảm bảo có sức đề kháng tốt, ít mắc bệnh và đẻ liên tục.

Nhiều năm kinh nghiệm, ông Nam đã tính ra công thức thức ăn của bồ câu hợp lý nhất là gạo lứt cộng với thức ăn cho gà loại tốt mỗi thứ 50% sẽ đảm bảo có sức đề kháng tốt, ít mắc bệnh và đẻ liên tục.

Hiện trại mỗi tháng ông Nam xuất bán ra thị trường hơn 800 cặp bồ câu ra ràng, chủ yếu đưa về các tỉnh, thành ĐBSCL với giá 80.000 đồng/cặp. Theo tính toán của ông Nam, chi phí thức ăn, chăm sóc chỉ tốn hơn 20.000 đồng/cặp/tháng nên khi bán một cặp bồ câu ông lời 60.000 đồng.

Ngoài ra, nếu khách có nhu cầu mua bồ câu bố mẹ, ông dưỡng đến 6 tháng tuổi sẽ bán từ 250.000 – 300.000đồng/cặp. Như vậy, mỗi tháng ông Nam thu lời từ bồ câu gần 50 triệu đồng sau khi trừ hết chi phí./.


PV/VOV.VN (tổng hợp)

https://vov.vn/kinh-te/chim-khong-lo-chim-tri-chim-bo-cau-giup-nong-dan-thu-loi-lon-phat-len-nhanh-813044.vov

  • Từ khóa