Đồng bộ các biện pháp ngăn chặn “rác viễn thông”

Thứ 3, 24.11.2020 | 14:46:17
545 lượt xem

Thực hiện các nội dung theo Nghị định số 91/2020/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 14/8/2020 về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác (gọi chung là rác viễn thông), các đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã triển khai nhiều biện pháp.

Vấn nạn rác viễn thông (RVT) xảy ra từ nhiều năm qua. Theo một số đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông, tình trạng này không chỉ gây phiền toái cho khách hàng mà còn chứa các thông tin xấu, độc hại và tiềm ẩn nguy cơ lừa đảo đối với khách hàng.

Anh Nông Văn Minh, trú tại thị trấn Cao Lộc cho biết: “Tôi thường xuyên nhận được một số tin nhắn, cuộc gọi mời mua bất động sản, vay tiền hoặc nhận data (dữ liệu) miễn phí. Dù đã trả lời là không có nhu cầu mua, vay và yêu cầu họ không gọi nữa nhưng sau đó nhiều ngày, tình trạng này vẫn tiếp diễn. Điều này khiến tôi cảm thấy rất phiền phức và mất thời gian”.

Nhân viên VNPT Lạng Sơn tư vấn cho khách hàng khi sử dụng dịch vụ

Không chỉ riêng anh Minh, qua tìm hiểu chúng tôi được biết, còn rất nhiều trường hợp khách hàng bị làm phiền, thậm chí bị lừa đảo bắt nguồn từ các tin nhắn, cuộc gọi rác.

Viettel Lạng Sơn là một trong những đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông lớn trên địa bàn tỉnh. Để thực hiện các biện pháp ngăn chặn RVT, đơn vị đã xác định rõ các cuộc gọi, tin nhắn rác bắt nguồn từ lượng lớn các thuê bao không có thông tin đăng ký sử dụng dịch vụ. Vì vậy, đơn vị tập trung vào công tác xử lý, thu hồi SIM rác trên thị trường.

Để làm được điều này, đơn vị áp dụng các quy định chung của Cục Viễn thông; kết nối trực tiếp cơ sở dữ liệu đăng ký thông tin thuê bao với Cục Viễn thông. Đồng thời, xây dựng và áp dụng các tiêu chí ngăn chặn hoạt động đáng ngờ trên kênh phân phối như: không kích hoạt quá 1 thuê bao/phút, 100 thuê bao/ngày. Ngoài ra, từ tháng 7/2020, đơn vị đã triển khai công cụ sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm ngăn chặn việc sử dụng giấy tờ, ảnh chân dung không hợp lệ. Nhờ đó, hạn chế việc kích hoạt SIM mới hằng ngày khoảng 70% so với trước đó.

Còn đối với Viễn thông Lạng Sơn (VNPT Lạng Sơn), từ năm 2018, đơn vị đã thực hiện các giải pháp như: rà soát, xử lý các SIM có dấu hiệu nghi ngờ là SIM kích hoạt sẵn còn tồn tại trên kênh phân phối; kiểm soát chặt chẽ thủ tục đăng ký sử dụng dịch vụ của khách hàng. Cùng đó, đơn vị đã tuyên truyền đến khách hàng sử dụng dịch vụ thông qua dịch vụ tin nhắn từ tổng đài của đơn vị. Ông Bùi Thanh Tú, Phó Giám đốc Trung tâm Kinh doanh VNPT Lạng Sơn cho biết: Đơn vị đã tuyên truyền đến người dân tích cực hơn trong việc phản ánh về tin nhắn rác, cuộc gọi rác. Cùng đó, không cho các cá nhân, tổ chức khác sử dụng giấy tờ của mình để đăng ký thông tin thuê bao, thực hiện giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung.

Cùng với 2 đơn vị trên, các nhà mạng khác trên địa bàn tỉnh cũng đang triển khai nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu, ngăn chặn tình trạng RVT. Trong đó, tập trung vào việc thu hồi SIM rác và sử dụng trí tuệ nhân tạo để ngăn chặn các cuộc gọi, tin nhắn đáng nghi ngờ đến khách hàng. Theo đánh giá từ 2 đơn vị viễn thông lớn nhất tại Lạng Sơn là Viettel Lạng Sơn và VNPT Lạng Sơn, so với năm 2018, tình trạng RVT đã giảm mạnh, ước tính giảm trên 90% đối với địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

Hiện nay, các đơn vị viễn thông trên địa bàn đang trong quá trình thống kê, tổng hợp số liệu về kết quả thực hiện các giải pháp nhằm ngăn chặn RVT trong thời gian qua. Qua đó, đánh giá hiệu quả của các giải pháp trên và xây dựng kế hoạch cụ thể, phù hợp nhất đối với hệ thống dịch vụ viễn thông tại tỉnh trong thời gian sắp tới.

Theo đánh giá của Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT), từ khi Nghị định 91/NĐ-CP được ban hành, toàn bộ 4 đơn vị cung cấp dịch vụ thuê bao di động và 7 đơn vị cung cấp dịch vụ internet trên địa bàn đã tích cực vào cuộc quyết liệt nhằm ngăn chặn RVT.

Bà Trình Thị Nga, Trưởng phòng Bưu chính viễn thông, Sở TT&TT cho biết: Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu cho sở tăng cường phối hợp với các đơn vị viễn thông triển khai các hoạt động, ứng dụng nhằm ngăn chặn RVT. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông qua tin nhắn SMS, báo, đài… để người dân hiểu rõ tác hại của RVT. Qua đó, giúp nâng cao chất lượng các dịch vụ viễn thông cũng như đảm bảo sự an toàn cho khách hàng khi sử dụng dịch vụ.


GIA KHÁNH/baolangson.vn

http://baolangson.vn/xa-hoi/325757-dong-bo-cac-bien-phap-ngan-chan-rac-vien-thong.html

  • Từ khóa