Làm thế nào để thúc đẩy thanh niên khởi nghiệp sáng tạo thành công?

Chủ nhật, 29.11.2020 | 14:53:42
652 lượt xem

Thanh niên đã trở thành đội ngũ đông đảo nhất tiên phong trong khởi nghiệp sáng tạo, nhưng trong quá trình này ai cũng đều gặp không ít khó khăn.

Thời gian qua, khởi nghiệp sáng tạo được Thủ tướng Chính phủ coi là then chốt thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Thanh niên với nhiệt huyết, sức sáng tạo và mong ước cống hiến cho quê hương đã trở thành đội ngũ đông đảo nhất tiên phong trong khởi nghiệp sáng tạo. Tuy nhiên, quá trình khởi nghiệp của thanh niên cũng gặp không ít khó khăn. Vậy làm sao để thúc đẩy thanh niên khởi nghiệp sáng tạo thành công? 

Tốt nghiệp chuyên ngành Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Quy Nhơn, chàng trai quê xứ dừa Hoài Nhơn, Bình Định Nguyễn Sơn Tịnh quyết định trở về quê hương khởi nghiệp với các sản phẩm độc đáo từ mo cau.

Đầu năm 2019, Tịnh quyết định thành lập công ty với mong muốn tạo ra những sản phẩm thân thiện môi trường, hạn chế rác thải nhựa. Từ phế phẩm người dân đốt bỏ đi, chàng trai xứ dừa Hoài Nhơn đã biến mo cau thành những sản phẩm độc đáo như thìa, chén, bát, khay đựng cơm…..Qua đó góp phần giúp phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo tại địa phương.

Quá trình khởi nghiệp của thanh niên cũng gặp không ít khó khăn. Ảnh minh họa: KT

Quá trình khởi nghiệp của thanh niên cũng gặp không ít khó khăn. Ảnh minh họa: KT

Anh Nguyễn Sơn Tịnh, Giám đốc Công ty TNHH Equana Việt Nam chia sẻ về quá trình khởi nghiệp đã gặp phải không ít khó khăn, đặc biệt là việc tìm đầu ra cho sản phẩm. Ban đầu với thanh niên khởi nghiệp, khó khăn về nguồn vốn đầu tư hạn chế, muốn đầu tư máy móc nhưng trong nước chưa sản xuất máy móc làm ra sản phẩm, phải nhập từ Ấn Độ về và tự mày mò quy trình hoạt động.

“Bên cạnh đó là khó khăn về nguyên liệu. Tại Bình Định có nguồn cau lớn nhưng rải rác trong dân nên khó khăn trong tập trung thu mua. Bà con chỉ dùng nguyên liệu gốc. Hiện tại doanh nghiệp mong sự quan tâm của các ban ngành bàn thể, chính quyền tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư mua máy móc, thuê đất trồng nguyên liệu”, anh Tịnh bày tỏ.

Còn đối với anh Mã Bảo Chung ở Cao Bằng, khởi nghiệp với nghề trồng hoa Lan bản địa đã từng đến nhiều nơi sưu tầm và thu mua các loại phong lan đẹp, học hỏi cách nhân giống lan. Từ vốn khởi nghiệp vài chục chậu lan, đến nay số lượng chậu trong vườn lan của anh Chung đã tăng lên cả ngàn cây. Mỗi năm, doanh thu HTX từ 400 - 600 triệu đồng, tạo việc làm cho hơn 10 lao động với thu nhập bình quân từ 5 - 6 triệu đồng/người/tháng.

Theo anh Mã Bảo Chung, Giám đốc hợp tác xã Lộc Rừng, trồng lan là nghề mới nên cơ chế tiếp cận vốn với các ngân hàng còn khó khăn. Những ngày đầu khởi nghiệp, bên cạnh sự hỗ trợ nguồn lực từ gia đình và bạn bè, anh đã được vay vốn từ nguồn quỹ của đoàn thanh niên địa phương để khởi nghiệp.

“Năm 2015, sau khi mô hình đã phát triển, mình bắt đầu xin sự hỗ trợ của tỉnh đoàn 50 triệu đồng để khởi nghiệp để 3 năm sau đó mô hình mới khởi nghiệp thành công phát triển được ngành lan. Đối với thanh niên khởi nghiệp ở lĩnh vực kinh doanh mới, rất cần sự hỗ trợ kịp thời của các cấp, ngành về kiến thức cơ bản để sẵn sàng khởi nghiệp thành công”, Anh chung mong muốn.

Giống như nhiều thanh niên khởi nghiệp gặp khó khăn về vốn, anh Nguyễn Hữu Huy Hào, sinh năm 1995 ở Cần Thơ lại chọn cách tìm tới những cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo, để nhận được nguồn lực hỗ trợ phát triển ý tưởng. Do đó, sau khi được các thầy, cô giáo Trường Đại học Cần Thơ hỗ trợ nghiên cứu thành công quy trình “Biến bùn thải thành phân vi sinh”, Nguyễn Hữu Huy Hào đã mang ý tưởng sáng tạo này tham gia các cuộc thi nhằm kêu gọi hỗ trợ nguồn lực sản xuất sản phẩm và giới thiệu ra thị trường.

Sau khi đạt giải 2 Giải thưởng sáng tạo Quốc gia năm 2018, ý tưởng của anh Hào được Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam hỗ trợ nguồn lực để sản xuất và mở rộng thị trường.

Anh Nguyễn Hữu Huy Hào, Tổng giám đốc Công ty TNHH Xử Lý Môi Trường Nguyễn Trần cho biết, đã rất may mắn được nhận một trong những hỗ trợ nguồn lực từ Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, đó là một trong những yếu tố giúp anh thêm vững chãi và vượt qua giai đoạn cửa tử của quá trình sản xuất và phát triển.

“Cuộc thi nào cũng mang ý nghĩa bởi nhiều chủ thể được tiếp xúc với những anh chị giỏi, đồng hành trong lĩnh vực mình đang muốn nghiên cứu. Những lời tư vấn của những người đi trước chính là những điều để thanh niên khởi nghiệp định hướng tiếp theo. Các bạn khởi nghiệp phải tìm được người đỡ đầu để hướng dẫn đường đi, tránh mất mát về tinh thần. Thất bại vật chất trong khởi nghiệp là một bài học, nhưng thất bại về tinh thần thì không thể vực dậy được”, anh Trần chia sẻ.

Chương trình thanh niên khởi nghiệp được phát động từ năm 2016, Trung ương đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, góp phần đưa phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của Việt Nam ngày càng lớn mạnh.

Chỉ tính từ năm 2018 đến nay, có hơn 1.000 cuộc thi ý tưởng sáng tạo được tổ chức, hơn 2.700 chương trình tập huấn trang bị kiến thức khởi nghiệp, thành lập hơn 1.000 câu lạc bộ khởi nghiệp dành cho thanh niên. Qua đó, đã có hơn 2.000 dự án khởi nghiệp được hỗ trợ với tổng kinh phí hơn 190 tỷ đồng.

TS. Nguyễn Đức Tùng, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cho biết, qua các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, chính các chuyên gia đã nhìn thấy được để định hướng cho các thanh niên khởi nghiệp hoặc những bạn có ý tưởng khởi nghiệp hoàn thiện dự án của mình. 

"Khi có sự định hướng, các bạn thanh niên đều vững tin trở thành doanh nghiệp. Nếu cộng đồng chuyên gia của Việt Nam đủ năng lực, cơ hội thành công của bạn khởi nghiệp sẽ nhiều hơn”, TS. Nguyễn Đức Tùng nói.

Theo Văn phòng Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025" (Bộ Khoa học và Công nghệ), hiện số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên cả nước là hơn 2.000 doanh nghiệp. Có được kết quả trên là sự nỗ lực triển khai hoạt động kết nối các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các quỹ đầu tư khởi nghiệp đã giúp hiện thực và phát triển ý tưởng khởi nghiệp.

Từ 27 tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp năm 2016, đến nay đã có 95 tổ chức hỗ trợ thúc đẩy kinh doanh và vườn ươm khởi nghiệp. Thời gian tới, Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xây dựng mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp trên cả nước nhằm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tại các địa phương./.


Phương Thoa/VOV.VN

https://vov.vn/kinh-te/lam-the-nao-de-thuc-day-thanh-nien-khoi-nghiep-sang-tao-thanh-cong-820818.vov

  • Từ khóa