Học sinh muốn thực hành Toán nhiều hơn

Thứ 2, 30.11.2020 | 09:00:37
469 lượt xem

Học 8 tiết Toán một tuần nhưng chủ yếu là lý thuyết để đi thi, Nghiêm Minh Kiên, học sinh lớp 12, muốn được "chơi" với Toán để bớt nhàm chán.

Cùng gần 600 học sinh của trường THPT Minh Phú, huyện Sóc Sơn, lên Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) để tham gia ngày hội Toán học mở 2020 do Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán tổ chức hôm 29/11, Kiên tỏ ra hào hứng. Em đi hết gian hàng của các trường đại học, THPT và tổ chức giáo dục để tham gia những trò chơi trải nghiệm liên quan đến Toán học.

Học sinh tham gia các trò chơi về Toán trong Ngày hội Toán học mở diễn ra ngỳ 29/11. Ảnh: Dương Tâm.

Học sinh tham gia các trò chơi về Toán trong Ngày hội Toán học mở diễn ra ngỳ 29/11. Ảnh: Dương Tâm.

Dừng lại lâu ở khu vực chơi trò xếp các mảnh gỗ có đánh số và ký hiệu Toán học, Kiên tấm tắc khen "không khó để tổ chức trò chơi như thế này nhưng hiệu quả nó đem lại rất lớn. Nó giúp em nâng cao khả năng tư duy và cảm thấy hứng thú học hơn".

Kiên ít khi có dịp được hòa mình vào một sự kiện chỉ toàn hoạt động trải nghiệm về Toán và khoa học như vậy. Ở lớp, em được học 8 tiết Toán một tuần. Các thầy cô giảng dạy dễ hiểu, kỹ lưỡng phần lý thuyết, giúp em có đủ kiến thức, kỹ năng để tham gia các kỳ thi quan trọng như thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, phần ứng dụng Toán vào thực tế chưa nhiều, có chăng chỉ bài toán giải quyết vấn đề thực tế chứ ít khi được tham gia làm thí nghiệm, chơi trò chơi về Toán học.

"Các trải nghiệm thực tiễn về Toán như trò chơi, những phần kiểm tra vui nhộn liên quan đến logic Toán học hay thí nghiệm có ứng dụng kiến thức Toán nên được đưa vào chương trình học nhiều hơn để tăng sự hứng thú của học sinh với môn học này", Kiên nói.

Cùng suy nghĩ với Kiên, Nguyễn Quỳnh Trang, học sinh lớp 11 một trường tư thục ở Hà Nội, cho rằng cần tăng cường hơn nữa những tiết học và hoạt động trải nghiệm về Toán thay vì chỉ tập trung vào dạy và học qua sách vở để phục vụ mục đích thi cử.

Cầm tờ giấy với câu đố giúp nhà vua xây dựng con đường đi lại giữa bốn thành phố với nhau sao cho ngắn nhất để tốn ít chi phí xây dựng nhất, Trang mất hồi lâu suy nghĩ. Đưa ra ba phương án đều không đúng, nữ sinh vẫn rất vui khi được xem phần thí nghiệm minh họa mang tên "Bong bóng xà phòng cũng biết làm Toán" để tìm ra đáp án.

"Ở lớp có học tập trung bao nhiêu có lẽ cũng không dễ nhớ bằng tham gia một hoạt động như này. Nó không chỉ đem lại cho em kiến thức mà còn giúp em học hỏi được cách tổ chức, kết nối mọi người từ anh chị sinh viên và khả năng tư duy", Trang nói.

Học trường tư thục, cứ cách vài tuần, Trang được thực hành ứng dụng Toán học vào thực tế nhưng với em như vậy là chưa đủ. Nữ sinh hy vọng có nhiều trải nghiệm với Toán hơn để bớt sợ môn học này.

Phần thí nghiệm "Bong bóng xà phòng cũng biết làm Toán" minh hoạ đáp án cho câu đố giúp vua xây đường nối bốn thành phố. Video: Dương Tâm.

Lê Thuý Quỳnh, sinh viên năm hai ngành Toán - Tin của Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho hay hồi còn học ở một trường công lập tại Quảng Ninh, em ít khi được thực hành Toán học. Trong một lần thực hành đo cây ở sân trường, Quỳnh và các bạn tò mò, loay hoay không biết làm thế nào để tìm ra chiều cao chính xác của cây. Được giáo viên Toán hướng dẫn, em đã biết cách đo và tính toán. Bài học đó khiến em nhớ mãi.

Kể từ đó, Quỳnh bắt đầu tìm hiểu nhiều hơn về các ứng dụng của Toán học trong thực tiễn. Em tìm kiếm các hoạt động trải nghiệm Toán để tham gia. Mỗi lần được chơi trò chơi đòi hỏi tư duy, làm các mô hình dựa trên tính toán, Quỳnh lại yêu môn Toán hơn để rồi quyết định theo học lĩnh vực này ở bậc đại học.

"Rõ ràng những hoạt động trải nghiệm, trò chơi, thí nghiệm dễ tạo hứng khởi cho học sinh. Em mong muốn các trường sẽ đưa vào bài giảng, hoạt động ngoại khóa nhiều hơn những ứng dụng của Toán học để học sinh thấy được Toán muôn màu muôn vẻ chứ không khô khan như mọi người vẫn nghĩ", Quỳnh bày tỏ.


Dương Tâm/Vnexpress.net

https://vnexpress.net/hoc-sinh-muon-thuc-hanh-toan-nhieu-hon-4198827.html

  • Từ khóa