Trả lời bạn xem truyền hình ngày 26/01/2021

Thứ 4, 27.01.2021 | 09:53:12
828 lượt xem

Câu 1. Bà Nguyễn Thị Hồng, trú tại xã Quảng Lạc, thành phố Lạng Sơn hỏi: Tôi đã đi làm được hơn hai năm, đã tự mua và đứng tên trên hợp đồng mua bán một căn hộ chung cư thương mại. Xin hỏi, tôi có thể tách sổ hộ khẩu hiện tại đang ở cùng với bố mẹ đẻ trước khi chuyển về căn hộ chung cư hay không? Nếu đến khi kết hôn mà chủ đầu tư chưa bàn giao căn hộ, tôi có thể nhập hộ khẩu cho chồng vào sổ hộ khẩu đã tách của tôi hay không?

Trả lời:

Sổ hộ khẩu được cấp cho hộ gia đình hoặc cá nhân đã đăng ký thường trú và có giá trị xác định nơi thường trú của công dân.

Theo khoản 1 Điều 26 Luật Cư trú năm 2006, sổ hộ khẩu được cấp cho cá nhân thuộc một trong những trường hợp sau đây:

“a) Người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và có chỗ ở độc lập với gia đình của người đó, người sống độc thân, người được tách sổ hộ khẩu theo quy định tại khoản 1 Điều 27 của Luật này;

b) Người làm nghề lưu động trên tàu, thuyền, phương tiện hành nghề lưu động khác, nếu họ không sống theo hộ gia đình;

c) Thương binh, bệnh binh, người thuộc diện chính sách ưu đãi của Nhà nước, người già yếu, cô đơn, người tàn tật và các trường hợp khác được cơ quan, tổ chức nuôi dưỡng, chăm sóc tập trung;

d) Chức sắc tôn giáo, nhà tu hành hoặc người khác chuyên hoạt động tôn giáo theo quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo mà sống tại cơ sở tôn giáo”.

Như vậy, để được cấp sổ hộ khẩu, cá nhân cần đáp ứng điều kiện có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và có chỗ ở độc lập với gia đình của người đó, người sống độc thân, người được tách sổ hộ khẩu theo quy định của pháp luật. Tình trạng hôn nhân không phải là điều kiện để được cấp sổ hộ khẩu.

Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân được quy định tại Điều 16 Bộ luật Dân sự năm 2015 như sau:

1. Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân có quyền dân sự và nghĩa vụ dân sự

2. Mọi cá nhân đều có năng lực pháp luật dân sự như nhau.

3. Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân có từ khi người đó sinh ra và chấm dứt khi người đó chết”.

Nội dung năng lực pháp luật dân sự của cá nhân bao gồm quyền nhân thân không gắn với tài sản và quyền nhân thân gắn với tài sản; quyền sở hữu, quyền thừa kế và quyền khác đối với tài sản; quyền tham gia quan hệ dân sự và có nghĩa vụ phát sinh từ quan hệ đó.

Về nguyên tắc, năng lực pháp luật dân sự của cá nhân không bị hạn chế, trừ trường hợp pháp luật có liên quan quy định khác.

Theo khoản 1 Điều 27 Luật Cư trú năm 2006, trường hợp có cùng một chỗ ở hợp pháp được tách sổ hộ khẩu bao gồm:

“a) Người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và có nhu cầu tách sổ hộ khẩu;

b) Người đã nhập vào sổ hộ khẩu quy định tại khoản 3 Điều 25 và khoản 2 Điều 26 của Luật này mà được chủ hộ đồng ý cho tách sổ hộ khẩu bằng văn bản”.

Đáp ứng điều kiện như đối với trường hợp được cấp sổ hộ khẩu nêu trên, mặc dù vẫn ở cùng địa chỉ của bố mẹ đẻ, bạn được tách sổ hộ khẩu.

Khi làm thủ tục tách sổ hộ khẩu, bạn phải xuất trình sổ hộ khẩu; phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu.

Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu được sử dụng để thông báo khi có sự thay đổi về hộ khẩu, nhân khẩu như: Đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú; điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú; thay đổi nơi đăng ký thường trú, tạm trú; xóa đăng ký thường trú, xóa đăng ký tạm trú; tách sổ hộ khẩu; đổi, cấp lại sổ hộ khẩu, sổ tạm trú; cấp giấy chuyển hộ khẩu; xác nhận trước đây đã đăng ký thường trú; gia hạn tạm trú.

Về việc đăng ký thường trú của chồng bạn sau khi hai người kết hôn, theo khoản 2 Điều 20 Luật Cư trú năm 2006, được sửa đổi, bổ sung năm 2013, công dân thuộc một trong những trường hợp sau đây thì được đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương:

“2. Được người có sổ hộ khẩu đồng ý cho nhập vào sổ hộ khẩu của mình nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Vợ về ở với chồng; chồng về ở với vợ; con về ở với cha, mẹ; cha, mẹ về ở với con;

b) Người hết tuổi lao động, nghỉ hưu, nghỉ mất sức, nghỉ thôi việc về ở với anh, chị, em ruột;

c) Người khuyết tật, mất khả năng lao động, người bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi về ở với anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột, người giám hộ;

d) Người chưa thành niên không còn cha, mẹ hoặc còn cha, mẹ nhưng cha, mẹ không có khả năng nuôi dưỡng về ở với ông, bà nội, ngoại, anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột, người giám hộ;

đ) Người thành niên độc thân về ở với ông, bà nội, ngoại, anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột;

e) Ông bà nội, ngoại về ở với cháu ruột”.


Câu 2. Ông Trần Văn Nghĩa trú, tại phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn hỏi: Khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông (xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô; xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy) mà trong người có nồng độ cồn bao nhiêu thì sẽ bị xử phạt? 

Trả lời:

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 35 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 sửa đổi, bổ sung khoản 8 Điều 8 của Luật Giao thông đường bộ về hành vi bị nghiêm cấm như sau: “Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”. Như vậy, bất cứ khi nào người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn là hành vi vi phạm pháp luật.

* Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt xử phạt người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ như sau:

- Điểm c khoản 6 và điểm e Khoản 11 Điều 5 quy định: “Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở; Bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng"

- Điểm c khoản 8 và điểm g Khoản 11 Điều 5 quy định: “phạt tiền từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở;Bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 16 tháng đến 18 tháng".

- Khoản 10 và điểm h Khoản 11 Điều 5 quy định: “phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: a) Người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở; b) Không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ”; Bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng"

* Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ như sau:

- Điểm c khoản 6 và Điểm đ Khoản 10 Điều 6 quy định: “phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở; Bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng".

- Điểm c khoản 7 và Điểm e khoản 10 Điều 6 quy định: “phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở; Bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 16 tháng đến 18 tháng".

- Điểm e, g Khoản 8 và Điểm g khoản 10 Điều 6 quy định: “phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: e) Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở;g) Không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ; Bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng".

Như vậy, căn cứ vào quy định nêu trên người điều khiển xe ô tô; xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy theo mức độ nồng độ cồn theo quy định sẽ có mức xử phạt khác nhau./.

  • Từ khóa