'Mỗi người dân sẽ sở hữu một danh tính số'

Thứ 5, 28.01.2021 | 15:09:21
410 lượt xem

Trong năm 2021, mỗi người dân "sẽ có cơ hội sở hữu một danh tính số và được xác thực khi tham gia vào các dịch vụ trực tuyến".

Trình bày tham luận tại Đại hội XIII sáng 28/1, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nêu 4 nhóm giải pháp đột phá để tăng tốc chuyển đổi số quốc gia, như: Làm chủ hạ tầng số, làm chủ các nền tảng số, làm chủ không gian mạng quốc gia...

"Nếu coi chuyển đổi số là một vũ khí sắc bén để mở rộng không gian mạng quốc gia, thì an toàn, an ninh mạng sẽ là chiếc khiên vững chắc bảo vệ thành quả của chuyển đổi số. An toàn, an ninh mạng phải song hành và trở thành một phầnkhông thể tách rời của chuyển đổi số", ông Hùng nói.

Trong năm 2021, mỗi người dân sẽ có cơ hội sở hữu một danh tính số và được xác thực khi tham gia vào các dịch vụ trực tuyến để bảo đảm an toàn và nâng cao mức độ tin cậy của các dịch vụ.

"Phổ cập định danh và xác thực điện tử sẽ góp phần tạo ramột không gian mạng quốc gia an toàn, văn minh và rộng khắp", ông Hùng nhấn mạnh và cho biết ngành thông tin và truyền thông đặt mục tiêu đưa Việt Nam thành cường quốc an toàn, an ninh mạng.

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: Giang Huy

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: Giang Huy

Ngoài ra, theo ông Hùng, với lực lượng doanh nghiệp công nghệ số đông đảo, Việt Nam có đủ điều kiện mà nhiều quốc gia không có được để xây dựng và làm chủ một hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ số. Đây là tiền đề vững chắc để hình thành nền một ngành công nghiệp không khói, hàm lượng chất xám cao, có tốc độ tăng trưởng nhanh, bền vững; là động lực để thực hiện các đột phá chiến lược, chuyển đổi số, hiện đại hóa đất nước, phát triển kinh tế số, xã hội số vì một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.

Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cũng nêu vấn đề, quá trình chuyển đổi số, sự phát triển các mô hình kinh doanh mới, sự thay đổi phương thức sản xuất, tiêu dùng và giao tiếp trên toàn cầu, cũng như sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và cách mạng công nghiệp lần thứ tư..., không chỉ tác động trực tiếp tới các hoạt động thương mại mà còn làm thay đổi sâu sắc các phương thức sản xuất truyền thống.

"Đây vừa là thách thức nhưng đồng thời cũng là cơ hội tốt để những nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam có thể rút ngắn thời gian, bắt kịp các nền kinh tế phát triển", ông Tuấn Anh nói.

Để có thể tận dụng được thời cơ trên, Bộ trưởng Công Thương nêu 5 định hướng lớn, đầu tiên là tạo môi trường thuận lợi cho đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trên cơ sở tái cơ cấu mạnh mẽ từng ngành, từng lĩnh vực và khai thác triệt để thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh. Ảnh: Hoàng Thùy

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh. Ảnh: Hoàng Thùy

Ông cũng cho rằng Việt Nam cần thực hiện số hóa, công nghệ hóa phương thức sản xuất, kinh doanh, giảm chi phí và tăng năng suất, chất lượng lao động trong sản xuất công nghiệp; tăng khả năng tiếp cận thông tin, dữ liệu; kết nối, hợp tác để tăng cơ hội kinh doanh mới (dựa trên nền tảng công nghệ số như thương mại điện tử, tài chính số...), tăng khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực, tham gia hệ sinh thái số.

"Khuyến khích, hỗ trợ và thúc đẩy hình thành các tập đoàn kinh tế lớn, đa sở hữu trong lĩnh vực công nghiệp, có khả năng cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới. Phát triển các doanh nghiệp tư nhân trong nước thực sự trở thành một động lực quan trọng cho phát triển công nghiệp của đất nước", ông Tuấn Anh nói.

Đại hội XIII khai mạc ngày 26/1, tập trung thảo luận các Văn kiện trong ngày làm việc hôm qua 27/1 và sáng 28/1; chiều nay Đại hội sẽ nghe báo cáo và xem xét công tác nhân sự.


Hoàng Thùy/vnexpress.net

https://vnexpress.net/moi-nguoi-dan-se-so-huu-mot-danh-tinh-so-4227782.html

  • Từ khóa