Tham gia chương trình OCOP: Nâng cao hiệu quả sản xuất của hợp tác xã

Thứ 6, 19.02.2021 | 15:28:12
574 lượt xem

Thời gian qua, cùng với việc đẩy mạnh liên kết sản xuất, một số hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh đã chủ động tham gia chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Qua đó, góp phần để các HTX nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Được thành lập năm 2016, HTX Sản xuất – Kinh doanh tổng hợp xã Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn đã tận dụng lợi thế để phát triển các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn huyện. Cuối năm 2019, được tiếp cận chương trình OCOP thông qua các hội nghị tập huấn, anh Dương Mạnh Thắng, Giám đốc HTX đã có ngay ý tưởng đăng ký các sản phẩm của HTX tham gia chương trình OCOP của huyện. Anh Thắng cho biết: Trong quá trình triển khai, HTX đã chủ động nâng cấp, thiết kế lại logo, mẫu mã bao bì sản phẩm, thường xuyên kiểm tra chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm… Nhờ triển khai tích cực, hết năm 2019, HTX có sản phẩm “Gạo nếp cái hoa vàng” đạt sản phẩm OCOP 4 sao; năm 2020, HTX tiếp tục có sản phẩm “Bánh chưng đen Bắc Sơn” đạt sản phẩm OCOP 3 sao.

Giám đốc HTX rau củ, quả sạch Gia Cát (bên trái) trưng bày sản phẩm tại Hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2020

Nói về lợi ích khi tham gia chương trình OCOP, anh Thắng phấn khởi: Tham gia chương trình OCOP đã giúp HTX khẳng định được chất lượng sản phẩm, lượng gạo bán ra thị trường ngày càng tăng, giá cả ổn định và được người tiêu dùng đánh giá cao. Từ khi sản phẩm gạo nếp cái hoa vàng được “gắn sao” OCOP, doanh thu của HTX luôn đạt mức tăng trưởng trên 10%/năm. Năm 2019, sản lượng gạo đạt 820 tấn, doanh thu gần 13,2 tỷ đồng, thu nhập của 20 thành viên HTX đạt 90 đến 110 triệu đồng/người/năm. Đến năm 2020, sản lượng gạo đạt 921 tấn, doanh thu gần 15 tỷ đồng, thu nhập của thành viên đạt từ 100 đến 130 triệu đồng/người/năm và HTX giải quyết việc làm cho hơn 30 công nhân lao động. Thị trường tiêu thụ cũng được mở rộng, sản phẩm của HTX đã có măt tại các siêu thị ở tại Hà Nội, Thái Nguyên và 8 điểm giới thiệu sản phẩm OCOP ở trong và ngoài tỉnh.

Tương tự HTX trên, năm 2018, HTX sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Quảng Hồng (thành phố Lạng Sơn) đã chủ động xây dựng và phát triển sản phẩm theo bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Đến năm 2019, HTX đã có sản phẩm “Mật ong hương rừng xứ Lạng” đạt sản phẩm OCOP 3 sao và năm 2020, có sản phẩm “Mật ong ngũ gia bì” đạt 4 sao. Ông Hoàng Văn Cương, Giám đốc HTX cho biết: Từ khi có các sản phẩm “gắn sao”, hoạt động của HTX ngày càng hiệu quả hơn. Đặc biệt, sản phẩm được nhiều người biết đến, thị trường mở rộng hơn. Nếu như trước đây, sản phẩm chủ yếu tiêu thụ trong tỉnh thì bây giờ, thị trường đã mở rộng ra các tỉnh khác, trọng tâm là Hà Nội; HTX cũng đã ký hợp đồng quảng bá và tiêu thụ sản phẩm với 2 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Năm 2018, HTX sản xuất 2.000 lít mật ong, thu về trên 200 triệu đồng. Đến năm 2019 và 2020, sản lượng ổn định đạt trên 4.000 lít (tăng 50%), doanh thu đạt gần 700 triệu đồng.

Xác định việc triển khai chương trình OCOP là một giải pháp quan trọng nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, các cấp, ngành chức năng trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh thực hiện. Cụ thể, giai đoạn 2018 – 2020, toàn tỉnh đã tổ chức chức 30 hội nghị tập huấn giới thiệu triển khai Đề án OCOP cho cán bộ chuyên môn được trực tiếp giao nhiệm vụ triển khai đề án với 1.810 lượt người tham dự. Đặc biệt, UBND tỉnh đã hỗ trợ bao bì, tem truy xuất nguồn gốc cho 23 sản phẩm tham gia chương trình, bước đầu đã tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đủ sức cạnh tranh.

Đến nay, toàn tỉnh có 19 HTX đăng ký tham gia chương trình OCOP và có 30 sản phẩm OCOP được công nhận đạt 3 hoặc 4 sao (9 sản phẩm 4 sao và 21 sản phẩm 3 sao). Trong đó, có một số HTX tiêu biểu như: HTX Sản xuất – Kinh doanh tổng hợp xã Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn; HTX Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Quảng Hồng, thành phố Lạng Sơn; HTX Dịch vụ và sản xuất nông nghiệp Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng…

Ông Lý Việt Hưng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết: Tham gia chương trình OCOP là cơ hội tốt để HTX khẳng định chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường, từ đó, nâng cao hiệu quả sản xuất của các HTX, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp theo hướng nâng giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thành phố tích cực tuyên truyền, khuyến khích các HTX tham gia chương trình OCOP.

Việc tham gia chương trình OCOP do các HTX là chủ thể bước đầu có kết quả tích cực. Để các HTX tham gia chương trình OCOP phát huy hiệu quả, ngành chức năng cần tăng cường triển khai các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn giúp các HTX phát triển.


HỒ DUNG/baolangson.vn

http://baolangson.vn/kinh-te/345134-tham-gia-chuong-trinh-ocop-nang-cao-hieu-qua-san-xuat-cua-hop-tac-xa.html

  • Từ khóa