Những tình huống “cười ra nước mắt” khi trẻ học trực tuyến

Thứ 4, 24.02.2021 | 14:54:30
361 lượt xem

Nằm, ngồi, bò…để tiếp thu kiến thức rồi khi cô gọi trả lời thì không thấy đâu, một lúc sao mới thấy trò “nổi lên”: “Con đi vệ sinh”, “con mở cửa cho mẹ”, “máy con hỏng”… là những tình huống cười ra nước mắt khi trẻ học online…

Nằm, ngồi học rất kiểu… “hưởng thụ”

Chị Lan Minh (Thái Thịnh, Đống Đa, Hà Nội) có con trai học lớp 3 dịp này đang học trực tuyến vì có dịch Covid-19. Chị Minh kể, có hôm vào phòng con trai, dù cô giáo đang giảng, nhưng thấy cu cậu nằm học “rất kiểu hưởng thụ như trên trên bãi biển”. Chị nhắc con thì nó nói đã tắt camera rồi nên không ai nhìn thấy. “Thực ra tôi biết cu cậu chưa chắc đã vào đầu được chữ nào, học mà ngọ nguậy như sâu đo, chưa kể thỉnh thoảng nếu không được giám sát còn lôi đồ chơi hay truyện ra đọc trong giờ học”.

Còn chị Ngọc Lan (Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội) thì kể, cứ mỗi lần con ở nhà học online là cả nhà trong tư thế sẵn sàng chuẩn bị để hỗ trợ, không tập trung được vào việc gì. Lúc thì cu cậu gọi điện nói mạng không vào được, lúc thì tự nhiên bị out (thoát ra), rồi lại phải in bài tập các loại, chụp chụp cóp cóp gửi vào nhóm. “Tôi chỉ mong hết dịch để các con đến trường học ở trạng thái bình thường, chứ kéo dài như thế này chắc tôi stress nặng” - chị Lan than thở.

Việc dạy và học online muốn hiệu quả cần phải có cả quá trình chuẩn bị đồng bộ, từ trang thiết bị đến phương pháp dạy và học (ảnh minh họa)

Con con gái chị Thanh Hải (Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội) còn mấy tháng nữa là thi vượt cấp vào lớp 10 nhưng việc học online của con khiến chị nhiều lúc cũng thấy lo lắng. Bình thường, con gái chị khá chăm chỉ và có ý thức trong việc học, nên khi học trực tuyến còn đem hẳn máy tính ra phòng khách và bật mic to cho dễ nghe. Nhưng để ý trong lúc con học, chị Hải thấy nó ngọ nguậy suốt chứ không tập trung, lúc thì đưa tay vuốt tóc, lúc thì chạy đi vệ sinh, thỉnh thoảng ngáp dài... Khi mẹ hỏi thì cô bé thú thật học online không tiếp thu được nhiều, cô giảng đều đều và thêm cảm giác thoải mái, không có ai kiểm soát khiến cô bé nhiều lúc khá buồn ngủ.

Vì con bật mic to, nên chị Hải gần như theo dõi được buổi học của con. Buồn cười nhất là lúc cô gọi học sinh trả lời, thì hầu như các bạn đều có vẻ lơ mơ, nhờ cô nhắc lại câu hỏi. Còn khi trả lời thì kiểu cho có, cô hỏi một đằng con trả lời một nẻo khiến cô phải than phiền “Bạn nào cũng đề nghị cô nhắc lại câu hỏi, chứng tỏ các con không tập trung vào nội dung cô giảng. Lớp 9 rồi mà các con vẫn chưa tự giác học thế này, cô cũng thấy rất lo”.

Rồi có trường hợp khi cô gọi trả lời thì không thấy đâu, một lúc sao mới thấy con “nổi lên”: “Con thưa cô con đi vệ sinh”, “con mở cửa cho mẹ”… và cả trăm lý do khác. Có con thì đổ lo máy móc ở nhà trục trặc và lỗi là do bố mẹ.  

Con học trực tuyến, cả nhà sẵn sàng “online”

Nhà có 2 đứa trẻ đang học lớp 3 và lớp 1, đã hơn tháng nay anh Hà Minh Tuấn (Đông Anh, Hà Nội) phải gửi con về nhà ngoại ở Thái Nguyên. Anh Tuấn kể, công việc của vợ chồng anh khá bận, cứ một lúc lại hết đứa lớn rồi lại đứa bé gọi, cả ngày anh chị không thể làm nổi việc gì. Vì thế đành phải chọn giải pháp lắp wifi cho bà ngoại để gửi con về Thái Nguyên.

“Ông bà lại cũng không biết nhiều về công nghệ, thỉnh thoảng trục trặc gì lại còn điện ời ời. Vợ chồng tôi đi làm nhưng luôn trong trạng thái online, nói chung là khá mệt mỏi. Tôi chỉ mong đầu tháng 3 mọi thứ trở lại bình thường để các con đến trường như mọi khi” - anh Tuấn nói.

Cũng mệt mỏi khi có con lớp 3 học trực tuyến ở nhà, chị Lan Minh cho biết, ngoài việc con suốt ngày gọi hỏi đủ thứ, buổi trưa chị lại phải thu xếp về nhà để chuẩn bị bữa ăn cho con vừa để kiểm tra, dặn dò, nhắc nhở con. “Để con ở nhà đi làm cả ngày tôi cũng không yên tâm nên trưa nào cũng phải về. Nhà xa nên việc đi lại nhiều cũng rất mất thời gian và mệt mỏi. Cứ kéo dài tình trạng 2 mẹ con cùng “on” thế này tôi không biết mình thế nào nữa”.

Chị Thanh Hải thì lo lắng, chỉ còn thời gian ngắn nữa con chị sẽ thi vào 10 nhưng học hành thất thường như vậy sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả thi. “Khi có phương án thi 4 môn vào 10, tôi và nhiều phụ huynh khá lo lắng. Nói gì thì các cháu năm nay thi cũng chịu nhiều thiệt thòi. Cả năm ngoái học hành lúc online, lúc đến trường, tâm lý cả cô và trò cũng ít nhiều bị xáo trộn, kiến thức tiếp thu cũng không được nhiều. Năm nay tình hình cũng chưa biết thế nào, từ đầu năm đến giờ lại học online, giờ lại thêm quy định thi 4 môn thì quả là khó khăn đối với các cháu”.

Cô giáo Lê Thanh Hằng, giáo viên THCS ở một trường tại Hà Nội cũng thừa nhận, việc dạy online cũng gặp khá nhiều khó khăn cho cả cô và trò. Nhiều hôm gọi được trò vào học thì có khi đã hết 1/3 tiết học, vì nhiều con máy móc ở nhà gặp sự cố. Trong giờ học, nhiều con cũng chưa tập trung, kiến thức thu nạp không được bao nhiêu. “Cũng phải thú thực là giáo viên cũng chưa tạo được sự hứng thú cho học sinh trong cách dạy online, một phần do chưa được đào tạo về kỹ năng bài bản này, mà chỉ là cơ bản mỗi người tự mày mò cách tốt nhất để thích ứng với hoàn cảnh. Tôi chỉ mong hết dịch để các em trở lại trường. Còn việc dạy và học online muốn hiệu quả cần phải có cả quá trình chuẩn bị đồng bộ, từ trang thiết bị đến phương pháp dạy và học”./.


P.H/VOV.VN

https://vov.vn/xa-hoi/nhung-tinh-huong-cuoi-ra-nuoc-mat-khi-tre-hoc-truc-tuyen-839083.vov

  • Từ khóa