Những chiến sĩ áo trắng lặng thầm ở tuyến đầu chống dịch

Thứ 5, 25.02.2021 | 08:22:32
383 lượt xem

Trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, hàng trăm cán bộ y tế Gia Lai đã tình nguyện làm việc xuyên Tết trong vùng dịch. Đến nay, cơ bản dịch bạch hầu và Covid-19 tại Gia Lai được kiểm soát, nhiều bệnh nhân đã được chữa khỏi bệnh.

Hôm nay là một ngày đặc biệt đối với bà Mười, là bệnh nhân 1719 (67 tuổi ở tổ 4, phường Cheo Reo, Thị xã Ayun Pa), bởi vì bà được lãnh đạo Bệnh viện Dã chiến điều trị Covid-19 tỉnh Gia Lai trao giấy chứng nhận khỏi bệnh, để xuất viện. Bà Mười cho biết, những ngày đầu nhập viện, bà bị sốt cao, cơ thể mệt mỏi và rất hoang mang. Bà đã được các y bác sĩ tại bệnh viện điều trị và thường xuyên thăm hỏi, động viên tinh thần, nên cả sức khoẻ và tâm trạng đã ổn định. Được trở về với gia đình, bà Mười rất vui mừng và xúc động.

“Tôi được uống thuốc, vitamin C, buổi sáng thì tắm nắng và tập thể dục. Tôi ngày càng khoẻ chứ không bị mệt mỏi nữa. Các bác sĩ đã bỏ công sức chữa trị, hỗ trợ tôi, Tôi rất cám ơn các bác sĩ”, bà Mười nói.

Đội truy vết của bác sĩ Lê Văn Vinh (CDC Gia Lai) lên rẫy tìm và đưa các F1 về khu cách ly tập trung

Để đảm bảo sức khoẻ của những bệnh nhân như bà Mười và kiểm soát không cho dịch Covid-19 lây nhiễm trong cộng đồng, đã gần 1 tháng nay, bác sĩ Lê Văn Vinh (thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai) được điều động vào vùng dịch Thị xã Ayun Pa thực hiện truy vết các trường hợp tiếp xúc gần.

Bác sĩ Vinh  cho biết, bất kể ngày hay đêm, nếu có kết quả về ca bệnh Covid-19, đội của anh lại lên đường tìm và đưa hết các F1 vào cách ly tập trung. Giai đoạn đầu, đội gặp không ít khó khăn vì bà con đồng bào có tâm lý e ngại cách ly, lo lắng bị kỳ thị, công tác truy vết thường phải đi đôi với vận động, tuyên truyền, giải thích để người dân hiểu và tự nguyện chấp hành. Vào lúc cao điểm, một ngày có nhiều ca bệnh, hay những lúc các F1 đi làm trên rẫy cách xa nhà hơn chục cây số, không thể liên lạc bằng điện thoại, đội truy vết phải mượn xe công nông chở nông sản của người dân để lội suối, băng rừng đi tìm người. Công việc có thể kéo dài tới rạng sáng hôm sau.

 “Tôi cũng động viên anh em là cuộc chiến này còn dài, mấy ngày nay không có ca mắc mới, chúng ta ghi nhận nhưng không chủ quan. Lúc nào có một ca xuất hiện, là chúng ta sẵn sàng vào cuộc thôi”, bác sĩ Lê Văn Vinh chia sẻ.

Các cán bộ y tế thường xuyên phải làm việc trong đêm để đảm bảo truy vết thần tốc các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân Covid-19, đưa vào cách ly, xét nghiệm

Cùng với đội truy vết của bác sĩ Vinh thì đội xét nghiệm của chị Nguyễn Thị Ngọc Châu (sinh năm 1990, thuộc CDC Gia Lai) cũng đang phải làm việc cường độ cao trong vùng dịch Thị xã Ayun Pa.

Chị Châu cho biết, để đáp ứng công suất xét nghiệm hàng nghìn mẫu bệnh phẩm 1 ngày, trung bình chị và đồng đội phải lấy từ 200 đến gần 400 mẫu trong ngày. Công việc lấy mẫu thường bắt đầu từ 7h sáng, nhưng kết thúc vào lúc nửa đêm. Vào vùng dịch chưa biết ngày nào được sum họp gia đình, nhưng chị Châu vẫn luôn giữ cho mình sự lạc quan và tinh thần trách nhiệm của cán bộ ngành y.

 “Những ngày cao điểm dịch, chúng tôi phải làm khẩn cấp, làm đến 11 giờ, 12 giờ đêm, cơm cũng không kịp ăn. Có những lúc, cảm thấy cực quá, cảm thấy xa gia đình nhưng nhìn lại có những người dân đêm 30 Tết còn phải vào khu cách ly, chứ không phải riêng mình ăn Tết xa nhà. Khi mình khoác chiếc áo trắng, cùng đồng đội sát cánh thì làm hết sức mình để hoàn thành nhiệm vụ được giao”, chị Nguyễn Thị Ngọc Châu cho hay.

Đội xét nghiệm của chị Nguyễn Thị Ngọc Châu (CDC Gia Lai) lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 hàng nghìn mẫu bệnh phẩm trong 1 ngày để đảm bảo phát hiện sớm các trường hợp bị lây nhiễm trong cộng đồng

Hiện nay, tại 5 địa phương có dịch Covid-19, tỉnh Gia Lai đang có gần 300 cán bộ y tế địa phương và hàng chục cán bộ y tế từ Đà Nẵng, các Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên, Viện Pasteur Nha Trang, Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Chợ Rẫy (Thành phố Hồ Chí Minh) đang hỗ trợ địa phương trong công tác khoanh vùng, dập dịch.

Bác sĩ Nguyễn Đình Tuấn, Phó Giám đốc Sở Y tế Gia Lai cho biết, cùng với dịch Covid-19 mới phát sinh, Gia Lai đã trải qua đợt chống dịch bạch hầu từ tháng 7/2020 đến giữa tháng 1/2021. Đây đều là dịch bệnh nguy hiểm, có khả năng lây nhiễm cao trong cộng đồng và đều xảy ra chủ yếu ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Vì thế, công tác khoanh vùng, dập dịch của các lực lượng hết sức khó khăn, vất vả. Tuy nhiên, với tinh thần trách nhiệm cao và quyết tâm không để dịch lây nhiễm trong cộng đồng, lực lượng y tế địa phương đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, bước đầu kiểm soát được dịch bệnh.

Hàng nghìn người tiếp xúc gần với bệnh nhân Covid-19 tại Gia Lai đang được cách ly, chăm sóc y tế.

Tính đến nay, Gia Lai đã khống chế hiệu quả dịch bạch hầu, tiêm vaccine cho hơn 24.000 người dân, chữa khỏi bệnh cho 56/57 bệnh nhân. Còn đối với dịch Covid-19, tỉnh đã xét nghiệm hơn 47.000 mẫu bệnh phẩm tại 5 huyện, thị xã, thành phố. Cùng với đó, đã có 5/27 bệnh nhân Covid-19 được chữa khỏi.

“Lực lượng y tế đã làm việc không kể ngày đêm, làm việc hết sức mình, hi sinh thời gian riêng tư bên gia đình, làm việc không có Tết. Hiện, dịch bệnh đã cơ bản được khống chế nhưng diễn biến còn phức tạp. Điều này đòi hỏi lực lượng cán bộ y tế phải nỗ lực hết sức để làm sao khống chế hoàn toàn dịch tại địa phương”, ông Nguyễn Đình Tuấn cho biết.

Những cống hiến thầm lặng của đội ngũ y bác sĩ trên tuyến đầu chống dịch tại tỉnh Gia Lai đang góp phần ngăn chặn dịch bệnh, đảm bảo sức khoẻ cho nhân dân địa phương./.


Nguyễn Thảo/VOV.VN

https://vov.vn/xa-hoi/nhung-chien-si-ao-trang-lang-tham-o-tuyen-dau-chong-dich-839194.vov

  • Từ khóa