Nữ giám đốc hợp tác xã năng động

Thứ 3, 09.03.2021 | 14:39:24
503 lượt xem

Năng động, nhạy bén, dám nghĩ dám làm là nhận xét của nhiều người dành cho chị Vy Thị Lụa (sinh năm 1986), Giám đốc Hợp tác xã (HTX) chế biến nông sản Lụa Vy ở xã Quan Sơn, huyện Chi Lăng. Chị là tấm gương tiêu biểu về sản xuất kinh doanh giỏi ở địa phương khi làm chủ mô hình chế biến nông sản đem lại thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi tháng.

Một ngày đầu tháng 3/2021, đến thăm HTX Chế biến nông sản Lụa Vy, chúng tôi chứng kiến các thành viên HTX đang tất bật với các công đoạn sơ chế sản phẩm trà diếp cá, trà chùm ngây để kịp thời giao cho khách hàng. Qua trò chuyện, chúng tôi được biết, chị Vy Thị Lụa, Giám đốc HTX tốt nghiệp chuyên ngành sư phạm Ngữ Văn của Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên và đã đi dạy học được gần 10 năm. Tuy nhiên, khi chứng kiến hoàn cảnh khó khăn của bà con trên địa bàn xã, nông sản khó tiêu thụ, giá cả bấp bênh, chị quyết định dừng sự nghiệp giảng dạy của mình để tập trung nghiên cứu thị trường, chế biến các sản phẩm từ nông sản.

Chị Vy Thị Lụa (hàng đầu, bên phải) giới thiệu các sản phẩm của HTX tại hội nghị tập huấn về sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) do Sở Công thương tổ chức tháng 10/2020

Chị Lụa cho biết: Nhận thấy nguồn nguyên liệu dồi dào, sẵn có trên địa bàn xã và vùng lân cận như: nghệ, diếp cá…, cuối năm 2019, tôi đã mạnh dạn thu mua và chế biến thành sản phẩm đồ uống, thực phẩm. Sản phẩm đầu tiên là tam thất tinh bột nghệ, sau đó đến giữa năm 2020, tôi bắt tay vào chế biến trà diếp cá. Các sản phẩm do HTX sản xuất khi đưa ra thị trường đều có đầy đủ nhãn mác, bao bì và tem truy xuất nguồn gốc, minh bạch thông tin về sản phẩm, quy trình chăm sóc, sản xuất sản phẩm. Vì vậy, khi đưa ra thị trường, các sản phẩm nhận được phản hồi tích cực từ khách hàng, các sản phẩm đang được tiêu thụ rộng khắp ở các tỉnh từ Bắc vào Nam.

Hiện nay, sản phẩm chủ lực của HTX là trà diếp cá, trà chùm ngây, viên mầm đậu nành nghệ, tam thất tinh bột nghệ… Để tạo ra được sản phẩm đạt chất lượng, chị Lụa đã đầu tư hệ thống máy móc hiện đại như: máy sấy lạnh để giữ màu sắc, mùi vị; máy rang, máy nghiền bột mịn, máy sấy nóng… với tổng kinh phí hơn 150 triệu đồng.

Trong thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, để mở rộng thị trường tiêu thụ, bên cạnh hình thức bán hàng truyền thống tại các cửa hàng, chị Lụa đã triển khai hình thức bán hàng online qua mạng. Nhờ đó, lượng hàng tiêu thụ của HTX  ngày càng nhiều. Trung bình mỗi tháng, từ chế biến nông sản mang lại doanh thu hơn 30 triệu đồng cho HTX. Riêng trong 2 tháng đầu năm 2021, HTX của chị Lụa đã tiêu thụ hơn 10.000 hộp trà diếp cá, gần 3.000 hộp trà chùm ngây, gần 1 tấn tam thất tinh bột nghệ mật ong…

Ngoài ra, HTX do chị Lụa làm chủ đã tạo việc làm cho 2 lao động thường xuyên tại địa phương và gần 20 lao động thời vụ. Đồng thời, HTX tạo mối liên kết, tiêu thụ nông sản với hàng chục hộ dân ở trong và ngoài xã, giúp người dân yên tâm sản xuất. Hiện một số hộ dân trong huyện Chi Lăng đã chủ động liên hệ với HTX để ký hợp đồng liên kết tiêu thụ cây rau má, diếp cá và một số nông sản khác.

Chia sẻ về những dự định trong tương lai, chị Lụa cho biết: Thời gian tới, HTX tiếp tục đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất để mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng các sản phẩm. Đồng thời đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu các sản phẩm, nhất là sản phẩm trà diếp cá để đưa thương hiệu trà diếp cá Lụa Vy đến với các gia đình Việt trên toàn quốc.

Bà Linh Thị Ánh Nguyệt, Bí thư Đảng ủy xã Quan Sơn cho biết: Mô hình chế biến các sản phẩm nông sản của chị Lụa thời gian qua đã đem lại kết quả tích cực, tạo việc làm cho lao động tại chỗ, góp phần tiêu thụ và nâng cao giá trị các sản phẩm nông sản tại địa phương. Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền xã sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để hợp tác xã xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu, mở rộng quy mô sản xuất nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội ở xã.


CẨM HÀ/baolangson.vn

https://baolangson.vn/nguoi-tot-viec-tot-2/364229-nu-giam-doc-hop-tac-xa-nang-dong.html

  • Từ khóa