Trả lời bạn xem truyền hình ngày 13/04/2021

Thứ 3, 13.04.2021 | 09:02:38
1,051 lượt xem

Câu 1. Ông Lý Văn Sằn, trú tại xã Tân Yên, huyện Tràng Định hỏi: Tôi hiện năm nay đã 80 tuổi, già yếu, nằm một chỗ. Tôi muốn thực hiện quyền bầu cử của mình trong Cuộc bầu cử sắp tới , cho tôi hỏi tôi có thể thực hiện quyền bầu cử của mình như thế nào?
Trả lời:
Tại khoản 1 Điều 15 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân".
Tại Điều 27 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Việc thực hiện các quyền này do luật định”.
Như vậy, quyền bầu cử là quyền chính trị cơ bản của công dân được Hiến pháp và pháp luật quy định nhằm bảo đảm cho mọi công dân có đủ điều kiện thực hiện việc lựa chọn người đại biểu của mình vào cơ quan quyền lực nhà nước. Quyền của công dân không tách rời nghĩa vụ của công dân.
Thông qua bầu cử, công dân trực tiếp bỏ phiếu bầu người đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của mình, thay mặt mình thực hiện quyền lực nhà nước, góp phần thiết lập bộ máy nhà nước để tiến hành các hoạt động quản lý xã hội. Vì vậy, thực hiện bầu cử là trách nhiệm của công dân đối với đất nước.
Tại Điều 69 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân quy định như sau:
Điều 69. Nguyên tắc bỏ phiếu
1. Mỗi cử tri có quyền bỏ một phiếu bầu đại biểu Quốc hội và bỏ một phiếu bầu đại biểu Hội đồng nhân dân tương ứng với mỗi cấp Hội đồng nhân dân.
2. Cử tri phải tự mình, đi bầu cử, không được nhờ người khác bầu cử thay, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều này; khi bầu cử phải xuất trình thẻ cử tri.
3. Cử tri không thể tự viết được phiếu bầu thì nhờ người khác viết hộ, nhưng phải tự mình bỏ phiếu; người viết hộ phải bảo đảm bí mật phiếu bầu của cử tri. Trường hợp cử tri vì khuyết tật không tự bỏ phiếu được thì nhờ người khác bỏ phiếu vào hòm phiếu.
4. - Trong trường hợp cử tri ốm đau, già yếu, khuyết tật không thể đến phòng bỏ phiếu được thì Tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến chỗ ở, chỗ điều trị của cử tri để cử tri nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử. Đối với cử tri là người đang bị tạm giam, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc mà trại tạm giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc không tổ chức khu vực bỏ phiếu riêng hoặc cử tri là người đang bị tạm giữ; người đang bị cách ly xã hội tập trung tại các cơ sở điều trị Covid-19 hoặc các địa điểm cách ly tập trung khác và người đang bị cách ly tại nhà (nếu có); những khu vực bị chia cắt do thiên tai, lũ lụt thì Tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến các cử tri để thực hiện việc bỏ phiếu. Sau khi những cử tri này bỏ phiếu xong, thành viên Tổ bầu cử phải mang ngay hòm phiếu phụ về khu vực bỏ phiếu.
5. Khi cử tri viết phiếu bầu, không ai được xem, kể cả thành viên Tổ bầu cử.
6. Nếu viết hỏng, cử tri có quyền đổi phiếu bầu khác.
7. Khi cử tri bỏ phiếu xong, Tổ bầu cử có trách nhiệm đóng dấu “Đã bỏ phiếu” vào thẻ cử tri.
8. Mọi người phải tuân theo nội quy phòng bỏ phiếu.
Như vậy, trong trường hợp ông già yếu không đến được khu vực bỏ phiếu để thực hiện quyền bầu cử thì Tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến chỗ ở của ông để ông thực hiện quyền bầu cử của mình.


Câu 2. Bà Đỗ Thị Quyên, trú tại xã Hoàng Việt, huyện Văn Lãng hỏi: Đề nghị cho biết pháp luật quy định như thế nào về khu vực bỏ phiếu. Những trường hợp nào được phép thành lập khu vực bỏ phiếu riêng?
Trả lời:

Tại Điều 11 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân 2015 quy định:
- Mỗi đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội, đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân chia thành các khu vực bỏ phiếu. Khu vực bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội đồng thời là khu vực bỏ phiếu bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.
- Mỗi khu vực bỏ phiếu có từ ba trăm đến bốn nghìn cử tri. Ở miền núi, vùng cao, hải đảo và những nơi dân cư không tập trung thì dù chưa có đủ ba trăm cử tri cũng được thành lập một khu vực bỏ phiếu.
- Việc xác định khu vực bỏ phiếu do Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định và được Ủy ban nhân dân cấp huyện phê chuẩn. Đối với huyện không có đơn vị hành chính xã, thị trấn thì việc xác định khu vực bỏ phiếu do Ủy ban nhân dân huyện quyết định.
Luật quy định các trường hợp có thể thành lập khu vực bỏ phiếu riêng, gồm:
- Đơn vị vũ trang nhân dân;
- Bệnh viện, nhà hộ sinh, nhà an dưỡng, cơ sở chăm sóc người khuyết tật, cơ sở chăm sóc người cao tuổi có từ năm mươi cử tri trở lên;
- Cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc, trại tạm giam.

Câu 3. Ông Hà Văn Sơn, trú tại phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn hỏi: Pháp luật hiện hành quy định như thế nào về thời gian bỏ phiếu, nếu cử tri đi bầu đã đạt 100% thì có thể kết thúc việc bỏ phiếu và tiến hành kiểm phiếu không?
Trả lời:

Tại Điều 71 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân 2015 quy định về thời gian bỏ phiếu như sau:
- Việc bỏ phiếu bắt đầu từ bảy giờ sáng đến bảy giờ tối cùng ngày. Tùy tình hình địa phương, Tổ bầu cử có thể quyết định cho bắt đầu việc bỏ phiếu sớm hơn nhưng không được trước năm giờ sáng hoặc kết thúc muộn hơn nhưng không được quá chín giờ tối cùng ngày.
- Trước khi bỏ phiếu, Tổ bầu cử phải kiểm tra hòm phiếu trước sự chứng kiến của cử tri.
- Việc bỏ phiếu phải được tiến hành liên tục. Trong trường hợp có sự kiện bất ngờ làm gián đoạn việc bỏ phiếu thì Tổ bầu cử phải lập tức niêm phong hòm phiếu, tài liệu liên quan trực tiếp đến cuộc bầu cử, kịp thời báo cáo cho Ban bầu cử, đồng thời phải có những biện pháp cần thiết để việc bỏ phiếu được tiếp tục.
- Khoản 5 Điều 10 Thông tư số 01/2021/TT-BNV ngày 11/01/2021 của Bộ Nội vụ Hướng dẫn nghiệp vụ công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã quy định: Sau khi đã hết giờ bỏ phiếu theo quy định của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân thì Tổ bầu cử mới được mở hòm phiếu để kiểm phiếu.
Như vậy, trường hợp cử tri đi bầu đã đạt 100%, nhưng chưa hết giờ bỏ phiếu thì Tổ bầu cử cũng chưa được mở hòm phiếu để tiến hành kiểm phiếu./.

  • Từ khóa