Đảng viên học tập Bác giúp chấn chỉnh tác phong, lối sống xa hoa

Chủ nhật, 13.06.2021 | 15:04:55
672 lượt xem

Theo Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ Nguyễn Trọng Nghĩa, trong 5 năm qua, việc học tập và làm theo Chủ tịch Hồ Chí Minh của mỗi cán bộ, Đảng viên ngày càng tự giác, tạo chuyển biến chính trị rõ rệt...

Sáng 12/6, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị khóa XII, triển khai Kết luận số 01 của Bộ Chính trị khóa XIII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05 "Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh".

Tham dự hội nghị điểm cầu ở Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội (Hà Nội) có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, cùng các Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương.

Đảng viên học tập Bác giúp chấn chỉnh tác phong, lối sống xa hoa - 1

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng các lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham quan triển lãm trước giờ khai mạc hội nghị toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 05 (Ảnh: Quốc Chính).

Trước khi hội nghị khai mạc, các đại biểu tham dự ở điểm cầu chính Nhà Quốc hội đã tham quan, nghe thuyết minh giới thiệu triển lãm "Những tấm gương bình dị mà cao quý".

Trình bày báo cáo tóm tắt 5 năm thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị khóa XII, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết, trong 5 năm qua, việc học tập và làm theo Bác của mỗi cán bộ, đảng viên ngày càng tự giác, đi vào nền nếp, tạo những chuyển biến rõ rệt trong công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ.

Trong quá trình thực hiện Chỉ thị 05, các ban, bộ, ngành, địa phương đã xác định các khâu đột phá để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả việc xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; xây dựng tổ chức, bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Cùng với đó, thực hiện cải cách hành chính, xóa bỏ những thủ tục hành chính rườm rà, gây khó khăn cho doanh nghiệp, nhân dân; xây dựng bộ quy tắc ứng xử, thực hiện văn hóa giao tiếp, văn hóa ứng xử, văn hóa công sở. Xây dựng quy chế, quy định về việc người đứng đầu cơ quan, đơn vị tiếp dân, đối thoại trực tiếp với người dân và doanh nghiệp, kịp thời nắm bắt, giải quyết những phản ánh, kiến nghị của nhân dân, doanh nghiệp.

Theo Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, trong thực hiện Chỉ thị 05, các bộ, ngành, địa phương cũng chú trọng chọn những vấn đề bức xúc, nổi cộm mà nhân dân quan tâm, tập trung khắc phục, giải quyết dứt điểm. Chỉ đạo thực hiện quyết liệt công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý sai phạm…

Nhờ xác định và thực hiện tốt các khâu đột phá, trong nhiệm kỳ Đại hội XII, các địa phương trong cả nước đã giải quyết được 50.748 vụ việc nổi cộm, tồn đọng, gây bức xúc dư luận xã hội, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Đảng viên học tập Bác giúp chấn chỉnh tác phong, lối sống xa hoa - 2

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa trình bày báo cáo tóm tắt 5 năm thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị khóa XII (Ảnh: Quốc Chính).

Qua đó, kịp thời chấn chỉnh tác phong công tác, lối sống xa hoa, lãng phí gây phản cảm trong xã hội trong cán bộ, đảng viên, góp phần kiềm chế, ngăn chặn tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Bên cạnh đó, việc thực hiện nêu gương có chuyển biến tích cực. Nhiều cấp ủy, cán bộ, đảng viên, nhất là vai trò tiền phong, gương mẫu của các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư được thực hiện bằng những việc làm, hành động cụ thể với phương châm "trên trước, dưới sau", "trong trước, ngoài sau", "học tập đi đôi với làm theo" trên tất cả các phương diện, từ tư tưởng chính trị đến đạo đức, lối sống, tự phê bình và phê bình, trong quan hệ với nhân dân, trách nhiệm trong công tác, ý thức tổ chức kỷ luật, đoàn kết nội bộ, lề lối làm việc…

Việc nêu gương giúp kịp thời chấn chỉnh tác phong công tác, lối sống xa hoa, lãng phí gây phản cảm trong xã hội trong cán bộ, đảng viên, góp phần kiềm chế, ngăn chặn tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Thúc đẩy việc tự giác nêu gương, đi đầu trong thực hiện nếp sống văn minh, giản dị, tiết kiệm, cán bộ giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu, theo Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, đã tạo sự chuyển biến quan trọng về nhận thức và hành động của cán bộ, Đảng viên trong quá trình thực thi các nhiệm vụ chính trị…

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá, hiệu quả của việc nêu gương đã mang lại những tác động lớn, góp phần tạo ra những đột phá quan trọng từ Trung ương đến các địa phương trong việc thay đổi diện mạo kinh tế - xã hội, góp phần giải quyết các vấn đề xã hội nổi cộm, gây bức xúc trong nhân dân, khẳng định chủ trương, đường lối đổi mới đúng đắn của Đảng.


Phương Thảo/dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/xa-hoi/dang-vien-hoc-tap-bac-giup-chan-chinh-tac-phong-loi-song-xa-hoa-20210612104803667.htm

  • Từ khóa