Trả lời bạn xem truyền hình ngày 06/07/2021

Thứ 3, 06.07.2021 | 08:22:55
623 lượt xem

Câu 1. Ông Lê Lộc Vũ trú tại xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn hỏi: Tôi được biết kể từ ngày 01/7/2021 Luật Cư trú năm 2020 có hiệu lực thi hành. Vậy, xin hỏi trong trường hợp nào Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú bị thu hồi sau ngày 01/7/2021? Trong trường hợp nào thì Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và thời hạn sử dụng đến khi nào?

Trả lời:

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 38 Luật Cư trú 2020 quy định “kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú theo quy định của Luật này cho đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2022. Trường hợp thông tin trong Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú khác với thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú thì sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú. Khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã cấp, thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định của Luật này và không cấp mới, cấp lại Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú.”

Theo Khoản 2 Điều 26 Thông tư 55/2021/TT-BCA ngày 15/5/2021 của Bộ Công an quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú năm 2020, cụ thể như sau:

“ Khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký thường trú, điều chỉnh thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú, tách hộ, xóa đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, gia hạn tạm trú, xóa đăng ký tạm trú dẫn đến thay đổi thông tin trong Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã cấp, thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định của Luật Cư trú và không cấp mới, cấp lại Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú.”

Khoản 1, Điều 26 Luật Cư trú 2020 quy định điều chỉnh thông tin về cư trú trong cơ sở dữ liệu về cư trú, như sau:

“1. Việc điều chỉnh thông tin về cư trú của công dân được thực hiện trong các trường hợp sau đây:

a) Thay đổi chủ hộ.

b) Thay đổi thông tin về hộ tịch so với thông tin đã được lưu trữ trong Cơ sở dữ liệu về cư trú.

c) Thay đổi địa chỉ nơi cư trú trong Cơ sở dữ liệu về cư trú do có sự điều chỉnh về địa giới đơn vị hành chính, tên đơn vị hành chính, tên đường, phố, tổ dân phố, thôn, xóm, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, cách đánh số nhà.”

Như vậy, căn cứ các quy định trên thì những trường hợp bị thu hồi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú gồm: Công dân thực hiện các thủ tục đăng ký cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú (Thay đổi chủ hộ; Thay đổi thông tin về hộ tịch so với thông tin đã được lưu trữ trong Cơ sở dữ liệu về cư trú; Thay đổi địa chỉ nơi cư trú trong Cơ sở dữ liệu về cư trú do có sự điều chỉnh về địa giới đơn vị hành chính, tên đơn vị hành chính, tên đường, phố, tổ dân phố, thôn, xóm, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, cách đánh số nhà); công dân thực hiện các thủ tục đăng ký thường trú, điều chỉnh thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú, tách hộ, xóa đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, gia hạn tạm trú, xóa đăng ký tạm trú dẫn đến thay đổi thông tin trong Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú. Những trường hợp này sau khi thu hồi Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú thì cơ quan công an sẽ không thực hiện cấp mới 2 loại giấy tờ này. Thay vào đó, cơ quan công an sẽ thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định của Luật Cư trú 2020.

Những trường hợp khác thì sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú theo quy định của Luật này cho đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2022.

Câu 2. Bà Hà Thị Thu trú tại xã Bắc La, huyện Văn Lãng hỏi: Tôi năm nay 30 tuổi, trước đây là trẻ sống trong trại trẻ mồ côi do bị bỏ rơi từ nhỏ. Hiện nay, tôi đã tìm ra nguồn gốc của mình, tôi muốn làm thủ tục nhận cha, mẹ đẻ nhưng cha, mẹ của tôi đã mất. Xin hỏi tôi có được làm thủ tục nhận cha, mẹ không? Nếu được thì tôi phải đến đâu để giải quyết và thủ tục như thế nào?

Trả lời:

Theo quy định tại  Khoản 1, Điều 90 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định: “Con có quyền nhận cha, mẹ của mình, kể cả trong trường hợp cha, mẹ đã chết”.

Tại khoản 1 Điều 102 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định: “Cha, mẹ, con đã thành niên không bị mất năng lực hành vi dân sự có quyền yêu cầu cơ quan đăng ký hộ tịch xác định con, cha, mẹ cho mình trong trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 101 của Luật này.”

Khoản 1 Điều 101 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con: “Cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền xác định cha, mẹ, con theo quy định của pháp luật về hộ tịch trong trường hợp không có tranh chấp.”

Như vậy, theo các quy định trên việc Bà tìm ra nguồn gốc của mình, thì Bà có quyền làm thủ tục nhận cha, mẹ, nếu việc nhận cha, mẹ của Bà là tự nguyện và không có tranh chấp.

Về thẩm quyền đăng ký nhận cha, mẹ, con được quy định tại Điều 24 Luật Hộ tịch: “Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người nhận hoặc người được nhận là cha, mẹ, con thực hiện đăng ký nhận cha, mẹ, con”. Theo đó, bạn cần đến Ủy ban nhân dân xã nơi cư trú của mình để làm thủ tục nhận cha, mẹ theo quy định.

Thủ tục nhận cha, mẹ được quy định tại Điều 25 Luật Hộ tịch và Điều 14 Thông tư số 04/2020/TT-BTP ngày 28/5/2020 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật hộ tịch và Nghị định số 123 /2015/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hộ tịch, cụ thể như sau:

“Điều 25. Thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con

1. Người yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con nộp tờ khai theo mẫu quy định và chứng cứ chứng minh quan hệ cha con hoặc mẹ con cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Khi đăng ký nhận cha, mẹ, con các bên phải có mặt.

2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy việc nhận cha, mẹ, con là đúng và không có tranh chấp, công chức tư pháp - hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch, cùng người đăng ký nhận cha, mẹ, con ký vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho người yêu cầu.

Trường hợp cần phải xác minh thì thời hạn được kéo dài thêm không quá 05 ngày làm việc.”

“Điều 14. Chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con

Chứng cứ để chứng minh quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại khoản 1 Điều 25 và khoản 1 Điều 44 của Luật hộ tịch gồm một trong các giấy tờ, tài liệu sau đây:

1. Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan, tổ chức khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con.

2. Trường hợp không có chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại khoản 1 Điều này thì các bên nhận cha, mẹ, con lập văn bản cam đoan về mối quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại Điều 5 Thông tư này, có ít nhất hai người làm chứng về mối quan hệ cha, mẹ, con.”

  • Từ khóa