Hà Nội bảo đảm đáp ứng đầy đủ nhu cầu hàng hóa của người dân

Chủ nhật, 25.07.2021 | 08:38:12
858 lượt xem

Nhằm đảm bảo không thiếu hàng hóa phục vụ nhân dân phòng, chống dịch (PCD) Covid-19, nhất là trong 15 ngày cách ly toàn xã hội (từ 6 giờ sáng ngày 24-7), TP Hà Nội đã rà soát, bố trí sẵn sàng 1.920 địa điểm tại các quận, huyện đã bố trí làm kho dự trữ hàng, mở thêm các điểm bán hàng cố định và các điểm bán hàng lưu động khi cần thiết.

Thành phố sẵn sàng huy động hàng nghìn xe chở hàng hóa của các doanh nghiệp phân phối và các quận huyện sẵn sàng đưa hàng kịp thời đến 7.500 điểm bán hàng hóa thiết yếu trên địa bàn. 

Một số gia đình vẫn có tâm lý tích trữ thực phẩm

Theo quan sát của phóng viên, vào 6 giờ ngày 24-7, TP Hà Nội bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, lượng người đến mua sắm tại chợ dân sinh và siêu thị đông hơn ngày thường. Tại nhiều hệ thống siêu thị VinMart, BigC hay các chợ dân sinh, lượng hàng hóa nhanh chóng được bổ sung. Ghi nhận tại siêu thị Co.opmart (phố Văn Phú, quận Hà Đông), hàng loạt kệ hàng, trong đó các mặt hàng tươi sống như rau, củ, quả, hải sản... đều sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của người dân. Các mặt hàng thiết yếu như: Gạo, thịt, trứng, thực phẩm chế biến, đồ hộp, thủy hải sản đông lạnh, mì gói,... đầy ắp.

Được biết, ngay trong tối 23-7, siêu thị đã chuẩn bị lượng hàng hóa thiết yếu, trong đó, rau củ quả tăng lên từ 2-3 lần, đồ tươi sống cũng được bổ sung để cung ứng cho khách hàng. Đại diện siêu thị Co.opmart cho biết: “Theo đánh giá của chúng tôi, nguồn cung hàng hóa cho thị trường Hà Nội được cung ứng đầy đủ và các hệ thống đều tăng số lượng hàng dự trữ rất nhiều, vậy nên người dân có thể yên tâm mua sắm, không cần tích trữ quá nhiều. Về giá cả, chúng tôi vẫn giữ mức giá như ngày thường”.

Hà Nội bảo đảm đáp ứng đầy đủ nhu cầu hàng hóa của người dân
Người dân đi mua thực phẩm tại chợ Ngọc Thụy (phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội). ảnh: VIỆT TRUNG 

6 giờ 30 phút, tại chợ Khương Đình, phường Hạ Đình (quận Thanh Xuân, Hà Nội), lượng người đi chợ khá đông, nhiều gia đình vẫn có tâm lý mua thực phẩm tích trữ. Chị Nguyễn Thanh Thủy, người dân ở phố Khương Đình cho biết: “Ngay khi nhận được thông tin Hà Nội giãn cách xã hội nên từ sáng sớm tôi đã đi chợ mua thực phẩm. Dù biết hàng hóa sẽ được cung ứng đầy đủ nhưng vì thực hiện giãn cách nên tôi tranh thủ mua một số mặt hàng thiết yếu như trứng, rau, thịt... để đủ sử dụng trong cả tuần, nhằm hạn chế ra ngoài nhiều”. Theo khảo sát của phóng viên tại chợ Khương Đình, thịt lợn loại mông sấn giá 140.000 đồng/kg; ba chỉ giá 160.000 đồng/kg; thịt gà lườn 65.000 đồng/kg; trứng gà 4.500 đồng/quả; rau, củ, quả tăng nhẹ so với ngày thường. Còn tại chợ Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy), chợ Bưởi (quận Tây Hồ) người mua bán nhiều hơn. Giá cả các mặt hàng thực phẩm tại đây cơ bản bình ổn, không có việc tăng giá bất thường, nhất là thịt lợn, thịt gà, thịt bò, rau xanh. Duy chỉ có mặt hàng trứng gia cầm có sự tăng giá cao.

Từ sáng sớm, lực lượng chức năng của TP Hà Nội đã ra quân, có mặt tại các khu chợ dân sinh, khu vực thường tập trung đông người để nhắc nhở người dân chấp hành nghiêm Chỉ thị số 16/CT-TTg. Tại quận Hai Bà Trưng, nơi đang là điểm nóng về số bệnh nhân dương tính SARS-CoV-2, lực lượng chức năng đã giải tỏa các chợ cóc họp ven đường. Đối với những chợ được phép hoạt động, UBND quận Hai Bà Trưng đã yêu cầu phường sở tại lắp rào chắn ngăn cách giữa người bán và người mua, tối thiểu 2 mét để PCD. 

Chủ động trong chuẩn bị các nguồn hàng

Trao đổi với các cơ quan báo chí sáng 24-7, Phó bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong khẳng định, từ kinh nghiệm của năm 2020 và một số địa phương, Hà Nội đã rất chủ động trong chuẩn bị các nguồn hàng, có kế hoạch cho lưu thông, phân phối các nguồn hàng, có kế hoạch kiểm tra, giám sát bảo đảm cung cấp hàng hóa không có chuyện tăng giá. Đồng chí Nguyễn Văn Phong cũng khuyến cáo người dân yên tâm không dự trữ hàng hóa, hạn chế tập trung đến các hệ thống phân phối tránh lây nhiễm dịch bệnh, thành phố đảm bảo đầy đủ hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân. Trước diễn biến tình hình Covid-19 còn nhiều phức tạp, thực hiện chỉ đạo của TP Hà Nội, các doanh nghiệp đã tăng cường dự trữ lượng hàng hóa thiết yếu tăng từ 30%-50%, trong thời gian 3 tháng và tăng gấp 3 lần so với tháng bình thường với tổng giá trị hàng hóa khoảng 194.000 tỷ đồng (17 mặt hàng thiết yếu).

Hà Nội bảo đảm đáp ứng đầy đủ nhu cầu hàng hóa của người dân
Hệ thống BRGmart cung ứng đầy đủ hàng hóa tươi ngon cho người dân mua sắm. Ảnh: ANH VIỆT 

Trước yêu cầu cao hơn về đảm bảo hàng hóa phục vụ nhân dân, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã rà soát, cung cấp đầy đủ thông tin các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất sản phẩm nông sản (rau củ, thịt gia súc, gia cầm, trứng gia cầm, thủy sản,...) trên địa bàn thành phố; gửi Sở Công Thương Hà Nội, cùng các doanh nghiệp phân phối, siêu thị, cửa hàng thực phẩm,... phục vụ cho hoạt động khai thác bổ sung, cung ứng hàng hóa thiết yếu PCD. Đồng thời, hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất có phương án bố trí nhân sự, phương tiện thu hoạch kịp thời nông sản thực phẩm với giá cả ổn định, đảm bảo cung cấp cho thị trường Hà Nội; rà soát lại các vùng sản xuất để xây dựng phương án chuyển đổi, mở rộng sang sản xuất rau, củ, thủy sản,... có thời gian thu hoạch ngắn, nhằm chủ động nguồn hàng thiết yếu tự cung cấp cho nhu cầu người tiêu dùng Thủ đô ở mức cao nhất trong các tình huống dịch bệnh Covid-19 xảy ra.

Sở Y tế Hà Nội đã cung cấp danh sách các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thiết bị, vật tư y tế, thuốc chữa bệnh,… cho UBND các quận, huyện, thị xã để đôn đốc các doanh nghiệp tăng cường số lượng hàng hóa trong sản xuất, kinh doanh phục vụ công tác PCD trên địa bàn thành phố. Thực hiện xét nghiệm trong thời gian ngắn nhất đối với các lái xe vận chuyển hàng hóa cho các hệ thống phân phối theo chỉ đạo của thành phố để kịp thời vận chuyển cung ứng cho thị trường Hà Nội; phối hợp với Sở Công Thương, Sở Giao thông vận tải thực hiện tốt các quy định đảm bảo công tác PCD khi lưu thông hàng hóa phục vụ nhu cầu của nhân dân trên địa bàn.

Sở Công Thương Hà Nội cho biết, mặc dù đang phải đối mặt với những khó khăn song trong bất kỳ tình huống nào thì việc cung ứng các hàng hóa cũng đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu của nhân dân, kể cả khi nhu cầu mua sắm tăng cao, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng. Đồng thời phân bổ lượng hóa đầy đủ trong hệ thống, đổi mới nhiều phương thức phục vụ, tăng cường khuyến khích, vận động người dân tích cực thanh toán không dùng tiền mặt; phổ biến rộng rãi đến người dân trên địa bàn thông tin của các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, các hộ kinh doanh trong chợ, trang web, ứng dụng thương mại điện tử, bán hàng trực tuyến.

Hà Nội bảo đảm đáp ứng đầy đủ nhu cầu hàng hóa của người dân
 Hàng hóa đầy ắp tại hệ thống siêu thị, cửa hàng VinMart/VinMart+. Ảnh: VIỆT ANH

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Phương, Phó tổng giám đốc thường trực Công ty VinCommerce (thuộc Tập đoàn Masan) cho hay: “Sau khi TP Hà Nội có thông báo thực hiện giãn cách xã hội theo nguyên tắc Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ để phòng dịch, chúng tôi đã làm việc với các nhà cung cấp lớn tăng lượng cung ứng gấp 3 lần đối với hàng thực phẩm thiết yếu; trứng và rau xanh tăng gấp 5 lần. Các loại sản phẩm có thể dự trữ lâu như bí xanh, khoai tây... cũng nhiều hơn để đảm bảo hàng trên quầy kệ không bị trống. VinMart/VinMart+ luôn chủ động làm việc với ban chỉ đạo PCD tại các địa phương đang giãn cách xã hội nhằm giúp các xe chở hàng hóa, lương thực thiết yếu được lưu thông nhanh chóng. Tại Hà Nội, VinCommerce hiện có 41 siêu thị VinMart và hơn 800 cửa hàng VinMart+. Ghi nhận sơ bộ, lượng người tham gia mua sắm tại các siêu thị VinMart tăng 20-30%”. Cùng với đó, Tập đoàn Masan đã tăng công suất hoạt động sản xuất của các nhà máy lên mức tối đa nhằm đảm bảo đáp ứng các sản phẩm thiết yếu cho nhu cầu tiêu dùng của người dân như: Mỳ tôm, thịt lợn, nước tương, nước mắm và các sản phẩm chế biến từ thịt....

Theo bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc truyền thông Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, tại khu vực Hà Nội, nhằm đáp ứng đầy đủ hàng hóa, giúp người dân yên tâm chống dịch, hệ thống siêu thị Big C (thuộc Tập đoàn Central Retail), đã tăng cường nguồn cung hàng hóa, đa dạng các kênh bán hàng, kéo dài thời gian hoạt động đến 10 giờ đêm. Nếu sắp tới cần thiết sẽ kéo dài thêm thời gian hoạt động để phục vụ khách hàng mua sắm và tạo điều kiện mua sắm giãn cách. Về nguồn cung hàng hóa, Big C đã tiến hành làm việc chặt chẽ với các nhà cung cấp, đảm bảo nguồn cung, nâng cao trữ lượng hàng hóa thiết yếu, nhu yếu phẩm, khẩu trang, nước sát khuẩn để sẵn sàng phục vụ khách hàng. Cụ thể: Hàng thực phẩm khô, dự trữ tăng 30-50% so với thông thường, đặc biệt có thể lên tới 100% với một số mặt hàng có nhu cầu cao; về hàng tươi sống, đã làm việc với các nhà cung cấp về kế hoạch giao hàng hằng ngày với lượng tăng lên 200-300% so với thông thường.

Hà Nội bảo đảm đáp ứng đầy đủ nhu cầu hàng hóa của người dân
Hệ thống siêu thị BigC tăng cường nguồn cung hàng hóa. Ảnh: VIỆT ANH 

Còn theo đại diện Công ty TNHH bán lẻ BRG, hiện nay, hầu hết các hệ thống phân phối của công ty đã có sự chuẩn bị hàng hóa cho những kịch bản. Công ty đã chủ động làm việc với các nhà cung cấp để tăng lượng dự trữ hàng hóa tại từng điểm bán lên khoảng 300% và tăng gấp 10 lần tại kho hàng trung tâm. Trong đó tập trung chủ yếu vào nhóm 13 mặt hàng thiết yếu cần bình ổn giá bao gồm: Gạo, thịt gà, trứng gà, thực phẩm chế biến, đồ hộp, thủy hải sản đông lạnh, bún mỳ phở ăn liền, dầu ăn, gia vị, rau củ quả…

Bảo đảm ít xáo trộn nhất cho đời sống nhân dân 

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định, quyết định áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg đã được chuẩn bị kỹ, có kịch bản tương ứng để bảo đảm việc thực hiện ít xáo trộn nhất cho đời sống nhân dân và phát huy hiệu quả cao. “Trên thực tế, Hà Nội đã có kinh nghiệm áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg trong năm 2020. Ngay trước khi thực hiện giãn cách xã hội lần này, thành phố đã áp dụng các biện pháp tiệm cận. Qua đó cho thấy, không chỉ cấp ủy, chính quyền thành phố đã có sự chuẩn bị nhằm bảo đảm đời sống nhân dân, mà bản thân người dân cũng làm quen và dần thích nghi với Chỉ thị số 16/CT-TTg”, Bí thư Thành ủy Hà Nội nói.

Về bảo đảm đời sống nhân dân, theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, ngành Công Thương Hà Nội đã phối hợp tăng lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ tại các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích gấp 3 lần bình thường, nhiều mặt hàng tăng gấp 5 lần. Chợ dân sinh, cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, cửa hàng tạp hóa, cửa hàng kinh doanh hoa, quả, trái cây, chuỗi kinh doanh nông sản thực phẩm vẫn được phép hoạt động. Phương án cung ứng hàng hóa với 3 cấp độ tùy từng tình huống dịch đã sẵn sàng. Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã tạo “luồng xanh” thông suốt và cấp mã ưu tiên cho các phương tiện vận chuyển.

Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng, các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích phải có phương án duy trì hoạt động ngay cả khi phát hiện có ca F0, bằng cách khoanh vùng cục bộ hoặc chuyển địa điểm, không đóng cửa. Các sở, ngành thành phố bảo đảm sẵn sàng trưng dụng xe thư báo, chuyển phát nhanh để vận chuyển, cung cấp hàng hóa duy trì chuỗi sản xuất, cung ứng và nguồn cung lương thực, thực phẩm.

“Tôi đề nghị phải tính cả phương án, khi cần thiết huy động xe ô tô quân đội, máy bay trực thăng để vận chuyển thuốc men, thực phẩm...”, đồng chí Đinh Tiến Dũng nói.

ANH VIỆT - DUY HIẾU/qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/ha-noi-bao-dam-dap-ung-day-du-nhu-cau-hang-hoa-cua-nguoi-dan-666358


  • Từ khóa