Trả lời bạn xem truyền hình ngày 21/09/2021

Thứ 3, 21.09.2021 | 08:55:07
1,361 lượt xem

Câu 1. Bà Bùi Thị Chi, trú tại xã Thống Nhất, huyện Lộc Bình hỏi: Hành vi bạo hành trẻ em sẽ bị xử lý như thế nào theo quy định của pháp luật?

Trả lời: 

Trẻ em là mầm non, là tương lai của đất nước và là đối tượng được đặc biệt quan tâm, chăm sóc và giáo dục và bảo vệ của cả xã hội, điều này đã được cụ thể hóa trong Điều 14 và khoản 2 Điều 6 Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 “Trẻ em được gia đình, nhà nước và xã hội tôn trọng, bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm và danh dự”, “Mọi hành vi vi phạm quyền của trẻ em, làm tổn hại đến sự phát triển bình thường của trẻ em đều bị nghiêm trị theo quy định của pháp luật”

Theo khoản 6 Điều 7 Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2014 quy định “Hành vi ngược đãi, hành hạ trẻ em là một trong những hành vi bị nghiêm cấm”. Hành vi này được hướng dẫn tại Điều 8 Nghị định 71/2011/NĐ-CP ngày 22 tháng 8 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số quy định của luật, bao gồm:

" Xâm phạm thân thể, đánh đập, đối xử tồi tệ đối với trẻ em; bắt trẻ em nhịn ăn, uống, mặc rách, hạn chế vệ sinh cá nhân; giam hãm trẻ em; bắt trẻ em sống ở nơi có môi trường độc hại, nguy hiểm. 

Gây tổn thương về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng nhục, chửi mắng, đe dọa, làm nhục, cách ly, sao nhãng ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em.

Dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ em, làm trẻ em tổn thương, đau đớn để thể xác và tinh thần.

Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng các thủ đoạn khác để chiếm đoạt, bắt cóc trẻ em, cách ly trẻ em khỏi cha, mẹ, người giám hộ. 

Thường xuyên đe dọa trẻ em bằng các hình ảnh, âm thanh, con vật, đồ vật làm trẻ em sợ hãi, tổn thương về tinh thần.

Mua, bán trẻ em dưới mọi hình thức.

Đánh tráo trẻ em vì bất cứ mục đích gì.

Xúi giục, kích động, lừa dối trẻ em dưới mọi hình thức làm cho trẻ em thù ghét cha, mẹ, người giám hộ.

Xúi giục, kích động, lừa dối trẻ em xâm phạm tính mạng, thân thể, nhân phẩm và danh dự của người khác.”

Hiện nay, các mức xử phạt với người bạo hành trẻ em được quy định như sau:

1. Xử lý hành chính

Điều 27 của Nghị định 144/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em quy định: Phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng đối với các hành xâm phạm thân thể, gây tổn hại về sức khỏe đối với trẻ em. Mức phạt này cũng được áp dụng đối với hành vi dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ em làm trẻ em tổn thương, đau đớn về thể xác, tinh thần.

Ngoài bị phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng, người có các hành vi nêu trên còn phải chịu mọi chi phí khám, chữa bệnh cho trẻ em.

2. Xử lý hình sự

Nếu hành vi bạo hành trẻ em gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm tùy theo tính chất mức độ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 bao gồm các tội sau:

– Điều 134 Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (tùy theo mức độ tỷ lệ tổn thương cơ thể mà bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 20 năm hoặc tù chung thân).

– Điều 128 Tội vô ý làm chết người (phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 10 năm).

– Điều 123 Tội giết người (phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình).

– Điều 140 Tội hành hạ người khác (phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm).

Ngoài ra, người thực hiện hành vi hành hạ, ngược đãi đối với trẻ em còn phải bồi thường cho cha mẹ hoặc người giám hộ của các bé số tiền để bù đắp những tổn thất vật chất thực tế và tổn thất tinh thần.

 Câu 2. Ông Mã Thành Trung, trú tại phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn hỏi: Quy định của pháp luật về đăng ký khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi; trẻ em chưa xác định được cha, mẹ; trẻ em sinh ra do mang thai hộ như thế nào?

  Quyền được khai sinh và có quốc tịch là một trong những quyền quan trọng của trẻ em ngay từ khi sinh ra và được quy định trong các văn bản pháp luật của nước ta. Đăng ký khai sinh cho trẻ em không chỉ là quyền mà còn là nghĩa vụ của những cá nhân, tổ chức có thẩm quyền.

 Đối với một số trường hợp đặc biệt là trẻ em bị bỏ rơi; trẻ em chưa xác định được cha, mẹ; trẻ em sinh ra do mang thai hộ, pháp luật nước ta đã quy định cụ thể thẩm quyền đăng ký khai sinh trong các trường hợp này tại Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch như sau:

 Đối với đăng ký khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi

 Người phát hiện trẻ bị bỏ rơi có trách nhiệm bảo vệ trẻ và thông báo ngay cho Ủy ban nhân dân hoặc công an cấp xã nơi trẻ bị bỏ rơi. Trường hợp trẻ bị bỏ rơi tại cơ sở y tế thì Thủ trưởng cơ sở y tế có trách nhiệm thông báo. Ngay sau khi nhận được thông báo, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Trưởng công an cấp xã có trách nhiệm tổ chức lập biên bản về việc trẻ bị bỏ rơi; Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm giao trẻ cho cá nhân hoặc tổ chức tạm thời nuôi dưỡng theo quy định pháp luật.

 Biên bản phải ghi rõ thời gian, địa điểm phát hiện trẻ bị bỏ rơi; đặc điểm nhận dạng như giới tính, thể trạng, tình trạng sức khỏe; tài sản hoặc đồ vật khác của trẻ, nếu có; họ, tên, giấy tờ chứng minh nhân thân, nơi cư trú của người phát hiện trẻ bị bỏ rơi. Biên bản phải được người lập, người phát hiện trẻ bị bỏ rơi, người làm chứng (nếu có) ký tên và đóng dấu xác nhận của cơ quan lập. Biên bản được lập thành hai bản, một bản lưu tại cơ quan lập, một bản giao cá nhân hoặc tổ chức tạm thời nuôi dưỡng trẻ.

  Sau khi đã lập biên bản, Ủy ban nhân dân cấp xã tiến hành niêm yết tại trụ sở Ủy ban nhân dân trong 7 ngày liên tục về việc trẻ bị bỏ rơi. Hết thời hạn niêm yết, nếu không có thông tin về cha, mẹ đẻ của trẻ, Ủy ban nhân dân cấp xã thông báo cho cá nhân hoặc tổ chức đang tạm thời nuôi dưỡng trẻ để tiến hành đăng ký khai sinh cho trẻ. Cá nhân hoặc tổ chức đang tạm thời nuôi dưỡng trẻ có trách nhiệm khai sinh cho trẻ em. Thủ tục đăng ký khai sinh được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 16 của Luật Hộ tịch. Họ, chữ đệm, tên của trẻ được xác định theo quy định của pháp luật dân sự. Nếu không có cơ sở để xác định ngày, tháng, năm sinh và nơi sinh của trẻ thì lấy ngày, tháng phát hiện trẻ bị bỏ rơi là ngày, tháng sinh; căn cứ thể trạng của trẻ để xác định năm sinh; nơi sinh là nơi phát hiện trẻ bị bỏ rơi; quê quán được xác định theo nơi sinh; quốc tịch của trẻ là quốc tịch Việt Nam. Phần khai về cha, mẹ và dân tộc của trẻ trong Giấy khai sinh và Sổ hộ tịch để trống; trong Sổ hộ tịch ghi rõ “Trẻ bị bỏ rơi”.

Đối với đăng ký khai sinh cho trẻ chưa xác định được cha, mẹ

 Ủy ban nhân dân cấp xã nơi trẻ đang cư trú có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ chưa xác định được cha, mẹ. Trường hợp chưa xác định được cha thì khi đăng ký khai sinh họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của con được xác định theo họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của mẹ; phần ghi về cha trong Sổ hộ tịch và Giấy khai sinh của trẻ để trống.

 Nếu vào thời điểm đăng ký khai sinh người cha yêu cầu làm thủ tục nhận con theo quy định tại khoản 1 Điều 25 của Luật Hộ tịch thì Ủy ban nhân dân kết hợp giải quyết việc nhận con và đăng ký khai sinh; nội dung đăng ký khai sinh được xác định theo quy định tại khoản 1 Điều 4 của Nghị định số 123/2015/NĐ-CP. Trường hợp trẻ chưa xác định được mẹ mà khi đăng ký khai sinh cha yêu cầu làm thủ tục nhận con thì giải quyết theo quy định tại khoản 3 Điều 15 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP; phần khai về mẹ trong Sổ hộ tịch và Giấy khai sinh của trẻ em để trống.

 Thủ tục đăng ký khai sinh cho trẻ không thuộc diện bị bỏ rơi, chưa xác định được cha và mẹ được thực hiện như quy định tại khoản 3 Điều 14 của Nghị định số 123/2015/NĐ-CP; trong Sổ hộ tịch ghi rõ “Trẻ chưa xác định được cha, mẹ”.

 Đối với đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh ra do mang thai hộ

 Người yêu cầu đăng ký khai sinh nộp giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều 16 của Luật Hộ tịch và văn bản xác nhận của cơ sở y tế đã thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản cho việc mang thai hộ. Phần khai về cha, mẹ của trẻ được xác định theo cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ. Thủ tục đăng ký khai sinh được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 16 của Luật Hộ tịch; nội dung đăng ký khai sinh được xác định theo quy định tại khoản 1 Điều 4 của Nghị định này.

 Nghị định 123/2015/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2016. Đối với hồ sơ yêu cầu đăng ký hộ tịch được cơ quan đăng ký hộ tịch (bao gồm đăng ký khai sinh) tiếp nhận trước ngày 01 tháng 01 năm 2016 mà chưa giải quyết xong thì tiếp tục được giải quyết theo quy định của Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch và Nghị định số 126/2014/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hôn nhân và gia đình./.

  • Từ khóa