Hoà Cư: Hiệu quả trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Thứ 5, 14.10.2021 | 15:14:11
718 lượt xem

Những năm qua, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Hoà Cư, huyện Cao Lộc đã tích cực chuyển đổi diện tích đất canh tác kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn. Hướng đi này góp phần nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập cho người dân.

Hoà Cư có đặc điểm địa hình đồi núi nhấp nhô, người dân chủ yếu phát triển kinh tế nông nghiệp và đồi rừng. Tuy nhiên, một số diện tích trồng lúa là các chân ruộng thụt, ruộng bậc thang khó chủ động nước nên hiệu quả kinh tế thấp. Trước thực tế đó, cấp uỷ, chính quyền xã đã căn cứ vào điểu kiện tự nhiên của xã để xác định các loại cây ăn quả (hồng, mận), sen lấy củ là những cây trồng chủ lực, phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng của xã. Từ đó, UBND xã tập trung tuyên truyền, vận động, hướng dẫn bà con nông dân chuyền đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang sản xuất các loại cây trồng này.

Người dân thôn Bản Lành, xã Hoà Cư thu hoạch hồng

Là hộ tiên phong chuyển đổi cây trồng tại thôn Bản Lành, hiện gia đình ông Hoàng Văn Bình có 2 ha cây ăn quả, trung bình một năm cho thu nhập gần 100 triệu đồng. Vừa nhanh tay thu hoạch hồng, anh Bình cho biết: Nhận thấy trồng lúa trên những chân ruộng một vụ (ruộng bậc thang) kém hiệu quả, lại không chủ động được nước nên từ năm 2011, gia đình tôi đã chuyển đổi toàn bộ diện tích sang trồng các loại cây ăn quả như: hồng Bảo Lâm, mận. Hiện nay, các loại cây ăn quả này đã cho thu hoạch, trung bình mỗi năm, gia đình tôi thu hoạch được khoảng 3 tấn hồng, 5 tấn mận, thu nhập đạt gần 100 triệu đồng.

Không chỉ hộ ông Bình, gia đình anh Tô Văn Ngân, thôn Kéo Cặp cũng là một trong những hộ điển hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng có hiệu quả. Anh Ngân cho biết: Gia đình tôi có trên 2 sào ruộng thụt, canh tác lúa kém hiệu quả. Năm 2015, tôi đã quyết định thay trồng lúa bằng trồng sen lấy củ. Cây sen có ưu điểm là không tốn công chăm sóc, thời gian trồng cho đến lúc thu hoạch ngắn (khoảng 5 tháng). Hiện nay, mỗi vụ sen, gia đình tôi thu hoạch được gần 4 tạ, với giá trung bình từ 40.000 đến 50.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, tôi thu về 12 triệu đồng/vụ, cao gấp 3 đến 4 lần so với trồng lúa.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ năm 2010, UBND xã Hòa Cư đã có chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng để nâng cao hiệu quả kinh tế và từ năm 2015, chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã trở thành phong trào trên địa bàn. Ông Hoàng Văn Lương, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã cho biết: Để tạo điều kiện cho người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả, UBND xã đã phối hợp với các phòng, đơn vị chuyên môn của huyện tổ chức tập huấn lồng ghép chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân. Tính từ năm 2015 đến nay, UBND xã đã phối hợp tổ chức được 36 lớp cho hơn 1.000 lượt người tham gia.

Bên cạnh đó, UBND xã đã sử dụng hiệu quả nguồn vốn từ các chương trình để hỗ trợ bà con, đặc biệt là hộ nghèo, hộ cận nghèo có điều kiện để phát triển sản xuất. Riêng từ năm 2020 đến nay, từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, trên địa bàn xã đã có 69 hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ 14.430 kg phân bón với kinh phí 173 triệu đồng. Ngoài ra, xã còn chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác, hướng dẫn người dân vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mở rộng sản xuất. Đơn cử, từ đầu năm 2021 đến nay, toàn xã có 35 hộ dân được vay vốn với dư nợ 1,1 tỷ đồng, nâng tổng dư nợ toàn xã hiện nay lên 7,6 tỷ đồng.

Nhờ sự định hướng của UBND xã cùng với sự tích cực, chủ động của người dân, hiện nay, toàn xã đã chuyển đổi được 30 ha đất vườn tạp, ruộng bậc thang sang trồng các loại cây ăn quả, nâng tổng diện tích cây ăn quả toàn xã lên 140 ha (tăng 70 ha so với năm 2015), mỗi năm giá trị đem lại trên 7 tỷ đồng. Đặc biệt, tháng 8/2021, sản phầm hồng Bảo Lâm của xã đã được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) 3 sao cấp tỉnh, góp phần nâng cao giá trị, mở rộng thị trường tiêu thụ cho bà con nông dân. Bên cạnh việc phát triển cây ăn quả, người dân còn tận dụng các diện tích chân ruộng thụt trồng lúa kém hiệu quả sang trồng sen lấy củ với diện tích 12 ha.

Ông Nguyễn Văn Hanh, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho biết: Mặc dù Hoà Cư là xã vùng III còn nhiều khó khăn, tuy nhiên, cấp uỷ, chính quyền xã đã tích cực vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng có hiệu quả nhất trên địa bàn huyện. Qua đó, không chỉ góp phần nâng cao thu nhập người dân mà còn góp phần trong sự phát triển kinh tế – xã hội chung của huyện.

Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đời sống của người dân xã Hoà Cư ngày càng nâng lên, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã xuống còn 11,16 % năm 2020 (giảm 27,66 % so với năm 2016), thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn hiện đạt 36 triệu đồng/người/năm.


HỒ DUNG/baolangson.vn

https://baolangson.vn/kinh-te/nong-nghiep/454742-hoa-cu-hieu-qua-trong-chuyen-doi-co-cau-cay-trong.html

  • Từ khóa