Dự án Cát Linh - Hà Đông ì ạch bàn giao, Bộ Tài chính ứng tiền trả nợ vay

Thứ 5, 21.10.2021 | 14:45:31
1,074 lượt xem

Vừa qua, đến kỳ trả nợ gốc khoản vay lại của các Hiệp định vay, Bộ Tài chính đã ứng từ quỹ tích lũy để trả nợ theo cam kết của Chính phủ tại các Hiệp định vay đã ký.

Vì sao đội vốn?

Chính phủ vừa có báo cáo gửi Quốc hội về tình hình triển khai thực hiện các dự án quan trọng quốc gia, trong đó có báo cáo chi tiết về dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông.

Theo báo cáo, tổng mức đầu tư dự án được điều chỉnh tăng từ 8.769,9 tỷ đồng (tương đương 552,86 triệu USD) thành 18.001,5 tỷ đồng (tương đương 868,04 triệu USD), tăng 9.231,6 tỷ đồng (tương đương 315,18 triệu USD).

Dự án Cát Linh - Hà Đông ì ạch bàn giao, Bộ Tài chính ứng tiền trả nợ vay  - 1

Hiện dự án Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thành toàn bộ phần xây dựng, lắp đặt thiết bị và vận hành thử toàn hệ thống theo tiêu chuẩn vào tháng 12/2020. Bộ Giao thông Vận tải đã hoàn thành công tác nghiệm thu tổng thể công trình (Ảnh: M. Quân).

Tổng mức đầu tư điều chỉnh tăng là các nguyên nhân như thay đổi phương án nhà ga từ 2 tầng thành 3 tầng; bổ sung hạng mục xử lý nền đất yếu khu Depot; bổ sung hạng mục đường tránh Quốc lộ 6; điều chỉnh vật liệu vỏ tàu từ thép chịu khí hậu sang thép inox; Bổ sung chi phí đào tạo, chuyển giao công nghệ;

Ngoài ra, việc thay đổi vị trí bãi đúc dầm; kinh phí giải phóng mặt bằng thay đổi (bao gồm cả công trình di dời hạ tầng kỹ thuật); biến động về giá nguyên, nhiên, vật liệu, tỷ giá hối đoái; các chế độ, chính sách trong thời gian thực hiện dự án cũng như các khối lượng, đơn giá chưa tính chính xác được trong bước thiết kế cơ sở… cũng khiến dự án tăng vốn đầu tư.

Để vận hành dự án, theo báo cáo, cần khoảng 681 nhân lực phục vụ, trong đó nhân lực cần đào tạo là 651 người (đào tạo tại Trung Quốc 201 người, đào tạo tại Việt Nam 450 người) và 30 nhân sự không cần đào tạo.

Đến nay, việc đào tạo đã được Tổng thầu thực hiện và cấp chứng chỉ đầy đủ cho các nhân sự được đào tạo theo đúng kế hoạch được phê duyệt. Biên bản nghiệm thu hoàn thành hạng mục đào tạo đã được các bên ký ngày 23/3/2021.

Về công tác nghiệm thu hoàn thành, Chính phủ cho biết dự án đã hoàn thành nghiệm thu tổng thể toàn dự án ngày 24/3/2021 theo tiêu chuẩn và thiết kế, bảo đảm đầy đủ công năng cũng như các chỉ tiêu yêu cầu. Đã được cấp chứng nhận an toàn hệ thống, đủ điều kiện để bàn giao đưa vào vận hành khai thác. Toàn bộ kết quả này đã được báo cáo gửi Hội đồng kiểm tra Nhà nước

Lũy kế giá trị giải ngân tính đến hết kỳ thanh toán 62 (tháng 10 năm nay) là 731,25/868,04 triệu USD, đạt 84,2% (trong đó, vốn nước ngoài 618,019/669,62 triệu USD, đạt khoảng 92,3%; vốn trong nước 149,14/198,42 triệu USD, đạt khoảng 75,2%).

Hiện dự án đã hoàn thành toàn bộ phần xây dựng, lắp đặt thiết bị và vận hành thử toàn hệ thống theo tiêu chuẩn vào tháng 12/2020. Bộ Giao thông Vận tải đã hoàn thành công tác nghiệm thu tổng thể công trình. Trên cơ sở kết quả nghiệm thu các công trình thành phần, nghiệm thu tổng thể công trình, Bộ Giao thông Vận tải đã có báo cáo hoàn thành gửi Hội đồng kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng đề nghị tiến hành kiểm tra và có ý kiến chấp thuận về công tác nghiệm thu Dự án.

Vì sao chậm hoàn thành bàn giao?

Theo báo cáo của Chính phủ, do dự án có quy mô lớn, tính chất phức tạp, lần đầu tiên được thực hiện ở Việt Nam nên quá trình hoàn thiện thủ tục nghiệm thu bàn giao kéo dài.

Cơ quan thường trực Hội đồng nghiệm thu Nhà nước đã thường xuyên tổ chức các buổi kiểm tra, rà soát hồ sơ tài liệu trong quá trình thực hiện dự án; đồng thời đã tiến hành kiểm tra tổng thể hiện trường dự án (ngày 23/7/2021). Dự kiến Hội đồng sẽ tổ chức họp kiểm tra công tác nghiệm thu của Chủ đầu tư trong tháng 10 này.

Sau khi có ý kiến chấp thuận của Hội đồng kiểm tra Nhà nước, Bộ Giao thông vận tải sẽ tiến hành bàn giao dự án cho UBND Thành phố Hà Nội tiếp nhận, vận hành khai thác theo quy định.

Do dự án chậm hoàn thành bàn giao cho UBND TP Hà Nội nên theo báo cáo của Chính phủ, UBND TP Hà Nội chưa tiếp nhận và thực hiện nghĩa vụ trả nợ gốc khoản vay lại theo cơ chế tài chính đã được phê duyệt.

"Vừa qua, đến kỳ trả nợ gốc khoản vay lại của các Hiệp định vay, Bộ Tài chính đã ứng từ quỹ tích lũy để trả nợ theo cam kết của Chính phủ tại các Hiệp định vay đã ký", báo cáo nêu rõ.

Báo cáo cho biết, Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải sớm hoàn thành thủ tục để bàn giao cho Hà Nội làm cơ sở chuyển giao khoản nợ để Thành phố thực hiện trả nợ theo cơ chế tài chính của Dự án.

Đồng thời, theo chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ , Bộ Giao thông Vận tải đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép bổ sung danh mục "Trả nợ gốc các Hiệp định vay của dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông" trong kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ Giao thông Vận tải để trả nợ gốc khoản vay lại của Dự án.

"Với việc chậm tiến độ hoàn thành dự án để bàn giao cho UBND TP Hà Nội đưa vào khai thác sử dụng, các mục tiêu liên quan đến giảm thiểu ùn tắc, tai nạn giao thông, giảm ô nhiễm môi trường, tiết kiệm năng lượng, đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng gia tăng của người dân chưa được giải quyết và gây ra những dư luận không tốt", báo cáo nhấn mạnh.


Nguyễn Mạnh/dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/kinh-doanh/du-an-cat-linh-ha-dong-i-ach-ban-giao-bo-tai-chinh-ung-tien-tra-no-vay-20211021093809957.htm#dt_source=Cate_KinhDoanh&dt_campaign=MainList&dt_medium=1

  • Từ khóa