Tập thể dục để cùng sống mạnh khỏe, hạnh phúc

Chủ nhật, 28.11.2021 | 00:00:00
1,075 lượt xem

Việt Nam thuộc nhóm nước có tỷ lệ người tham gia vận động thấp, do vậy, việc khuyến khích người dân, nhà nhà chăm chỉ tập luyện thể dục thể thao (TDTT) mỗi ngày có ý nghĩa rất lớn trong việc góp phần cải thiện sức khỏe, nhất là trong bối cảnh chung sống an toàn với dịch Covid-19. Đây chính là mục tiêu của dự án “Nào cùng tập ngay! Vì một Việt Nam khỏe mạnh, hạnh phúc”.

"Danh hiệu" nhóm 10 nước lười vận động nhất hành tinh

Dự án “Nào cùng tập ngay! Vì một Việt Nam khỏe mạnh, hạnh phúc” do Ủy ban Olympic Việt Nam và Tổng cục TDTT triển khai, nhằm xây dựng ý thức luyện tập TDTT đều đặn giúp nâng cao sức khỏe cộng đồng theo thông điệp “5T thể thao”.

Để hiện thực hóa khẩu hiệu kêu gọi người dân tập thể dục, tăng cường sức khỏe nhằm chung sống an toàn với dịch bệnh, điệu nhảy trên nền sản phẩm âm nhạc “Nào cùng một vòng Việt Nam” do nhạc sĩ OnlyC sáng tác, ca sĩ Phạm Đình Thái Ngân thể hiện đã ra mắt công chúng.

MV thu hút nhiều vận động viên (VĐV), tuyển thủ quốc gia góp mặt, qua đó góp phần lan tỏa năng lượng tích cực nhờ việc tập luyện TDTT hằng ngày. Người hâm mộ, người dân luyện tập thể thao cùng MV ca nhạc “Nào cùng một vòng Việt Nam” có sự góp mặt của tuyển thủ quốc gia Đỗ Duy Mạnh (bóng đá), Châu Tuyết Vân (taekwondo), Hoàng Xuân Vinh (bắn súng), Quách Công Lịch, Quách Thị Lan, Nguyễn Thị Oanh (điền kinh), cựu danh thủ bóng đá Lê Thế Thọ, gia đình bà Lê Thị Hoàng Yến (Phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT)... Theo đó, các thành viên trong gia đình, cơ quan, đơn vị không chỉ tập mà còn cổ vũ bạn bè, đồng nghiệp, người thân tập TDTT cùng nhau vì một Việt Nam khỏe mạnh, hạnh phúc.

Tập thể dục để cùng sống mạnh khỏe, hạnh phúc
Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân và phát động Giải chạy Báo Hànộimới mở rộng lần thứ 47-Vì hòa bình năm 2021. Ảnh chụp 24-4-2021. 
Ảnh: QUÝ LƯỢNG. 

Trò chuyện cùng chúng tôi, huấn luyện viên đội tuyển bắn súng quốc gia Hoàng Xuân Vinh cho hay: “Khi được mời tham gia MV “Nào cùng một vòng Việt Nam”, tôi đã nhận lời ngay. MV rất vui nhộn, các động tác dễ tập, dễ nhớ. Cá nhân tôi biết rõ lợi ích của việc tập luyện TDTT thường xuyên. Lợi ích của việc chạy bộ, đạp xe, bơi, chơi bóng bàn, cầu lông ai cũng thấy rõ. Với VĐV, chỉ cần không luyện tập 2-3 ngày là người khác ngay. Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc tập TDTT thường xuyên. Cá nhân tôi cảm thấy lo lắng khi người thân, bạn bè lười luyện tập thể thao, ngại vận động”. Tâm sự của nhà vô địch Olympic Hoàng Xuân Vinh cũng chính là những điều trăn trở, suy nghĩ của lãnh đạo Tổng cục TDTT, Ủy ban Olympic quốc gia.

Khảo sát do Tổng cục Thống kê và Viện Dinh dưỡng Quốc gia thực hiện trong giai đoạn 2019-2020, ở tất cả các vùng sinh thái Việt Nam cho kết quả khích lệ khi nam thanh niên Việt Nam có chiều cao trung bình 168,1cm; nữ có chiều cao trung bình 156,2cm. Tính trong khu vực Đông Nam Á, nam, nữ thanh niên Việt Nam xếp tốp 4 về chiều cao, sau Singapore, Malaysia và Thái Lan.

Tuy nhiên, báo cáo của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) năm 2020 xếp Việt Nam vào nhóm 10 nước lười vận động nhất hành tinh. Việc lười vận động cũng xuất phát từ thực tế công tác giáo dục thể chất trong nhà trường trước đây không được chú trọng nên không hình thành được thói quen vận động ngay từ khi còn ngồi học ở giảng đường với học sinh, sinh viên.

Thói quen này “bám” theo nhiều người kể cả khi đã trưởng thành. Ngại đi bộ, lười vận động là bệnh dân văn phòng hay mắc phải, trong khi khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới mỗi người nên đi bộ 10.000 bước/ngày. Nhiều quốc gia ở châu Âu và Mỹ đã công nhận việc một người đi bộ 10.000 bước/ngày là “con số kỳ diệu” cho sức khỏe.

Thể dục, thể thao đẩy lùi bệnh tật

Vui mừng vì chiều cao của nam, nữ thanh niên nước nhà được cải thiện trong những năm qua nhưng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cũng đưa ra thông tin: Chiều cao không hoàn toàn do gen mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như dinh dưỡng, môi trường, tâm lý, vận động.

Nghiên cứu về các yếu tố ảnh hưởng đến chiều cao của Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho thấy, có 23% là yếu tố di truyền, 25% do tâm lý và môi trường sống, 20% rèn luyện thể lực, còn chế độ dinh dưỡng chiếm đến 32%. Nguyên nhân chính khiến thanh niên nước nhà gặp hạn chế trong việc phát triển chiều cao là do chế độ dinh dưỡng và quá trình tập TDTT, vận động chưa hợp lý.

Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, GS, TS Lê Ngọc Thành, Hiệu trưởng Trường Đại học Y dược (Đại học Quốc gia Hà Nội), một trong những chuyên gia về phẫu thuật tim mạch và lồng ngực hàng đầu Việt Nam cho hay: “Vận động thể lực đầy đủ sẽ giảm 30% nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân; giảm từ 20 đến 40% nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư đại trực tràng và ung thư vú ở phụ nữ; giảm nguy cơ mắc trầm cảm, phòng ngừa bệnh loãng xương, cải thiện trí nhớ và giúp kiểm soát cân nặng. Trò chuyện với sinh viên, tôi thường khuyên các em tích cực vận động, tập thể dục; có điều kiện thì hãy gắng tìm lấy một môn thể thao phù hợp để chơi. Khi tôi hỏi về MV “Nào cùng một vòng Việt Nam”, có khá nhiều người thân, đồng nghiệp và các bạn sinh viên biết đến. Tất nhiên, biết là một chuyện, còn có tập, kiên trì tập, tập đều đặn hay không lại là việc khác”.

Tập thể dục để cùng sống mạnh khỏe, hạnh phúc
Luyện tập chạy bộ ở huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi; ảnh chụp tháng 7-2020. Ảnh: HỒNG VĨNH 

Nói về việc lười vận động, ngại tập TDTT, GS, TS Lê Ngọc Thành khuyến cáo: “Tôi có thể khẳng định luôn chất lượng cuộc sống sẽ bị ảnh hưởng. Lười vận động dẫn đến đau xương khớp, vai gáy. Thậm chí, lười vận động còn là nguyên nhân gây ra stress, căng thẳng, nguy hại tới hệ tim mạch. Nếu một người lười đi bộ, không chịu chạy nhảy, nhiều tuần không chơi thể thao sẽ dẫn tới quá trình trao đổi chất của cơ thể bị trì hoãn. Vận động càng ít, tuần hoàn máu càng chậm, điều này đồng nghĩa với nguy cơ mắc các vấn đề về sức khỏe ngày càng cao, như béo phì, đột quỵ... Trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, người dân có thể đi bộ trong nhà, vận động, tập thể dục nơi công sở”.

Nhận thấy tầm quan trọng của việc rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại, tại Đại hội đại biểu Ủy ban Olympic Việt Nam khóa VI (nhiệm kỳ 2021-2026) vừa qua, các đại biểu đã nhất trí với một số mục tiêu, phương hướng và nhiệm vụ trọng tâm, như: Đẩy mạnh phát triển phong trào TDTT cho mọi người, phong trào Olympic trên địa bàn cả nước, phấn đấu chỉ tiêu số người luyện tập TDTT thường xuyên đạt khoảng 36%, số gia đình tập luyện TDTT đạt khoảng 27%...

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam nhiệm kỳ 2021-2026 khẳng định: “Đại hội Ủy ban Olympic Việt Nam khóa VI đã đặt vấn đề thể thao quần chúng là cơ sở nền tảng, tập trung triển khai sâu rộng thông qua hoạt động của các liên đoàn, hiệp hội; cụ thể hóa Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, để thực hiện tư tưởng dân cường-nước thịnh của Người”.

Thông điệp “5T thể thao” gồm: Tập đều đặn-tạo thói quen tập thể dục thường xuyên; tập đầy đủ-luyện tập tối thiểu 30 phút/lần, tối đa 2 lần/ngày; tập khoa học-tham khảo 12 nhóm bài tập của Tổng cục TDTT và chọn các môn thể thao phù hợp; tập đúng lúc-bắt đầu tập sau khi ăn tối thiểu 30 phút; tập cùng nhau-cổ vũ người thân và bạn bè cùng tập luyện. 


KHOA MINH/qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/the-thao/trong-nuoc/tap-the-duc-de-cung-song-manh-khoe-hanh-phuc-678806

  • Từ khóa