Thị trường cà-phê tìm thấy cơ hội trong khó khăn

Thứ 6, 03.12.2021 | 15:35:10
313 lượt xem

2021 là năm bùng nổ của thị trường hàng hóa, từ nông sản, dầu thô đến các mặt hàng kim loại đều trải qua những giai đoạn tăng nóng và neo ở mức giá cao nhất trong vòng nhiều năm. Không nhận được nhiều sự chú ý của các nhà đầu tư như nhóm nông sản, hay dầu thô, nhưng các mặt hàng cà-phê cũng là một điểm sáng của thị trường cà-phê trong năm vừa qua.

Ảnh minh họa. (Ảnh: Reuters)

Chỉ trong vòng một năm, giá Arabica đã tăng gần gấp đôi lên 5.142 USD/tấn, còn giá Robusta cũng tăng gần 70% lên 2.314 USD/tấn. Giá cả 2 mặt hàng cà-phê đều đang ở mức cao nhất trong vòng 10 năm. Đà tăng của thị trường đã kéo dài từ tháng 4 đến nay và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, bởi các yếu tố hỗ trợ cho giá vẫn có thể sẽ duy trì sang tới năm sau.

Thị trường cà-phê tìm thấy cơ hội trong khó khăn -0 

Thời tiết và dịch bệnh thúc đẩy giá cà-phê

Giữa 2 mặt hàng cà-phê, thị trường Arabica thường nhận được nhiều sự chú ý hơn bởi đây là loại cà-phê chiếm tới 70% nhu cầu tiêu thụ trên toàn cầu. Do đó, các nhân tố tác động lên nguồn cung Arabica thường được coi là chất xúc tác của cả hai thị trường cà-phê. Và một trong số những yếu tố có tác động mạnh nhất chính là các tin tức về sản lượng và nguồn cung ở Brazil, nước có sản lượng Arabica lớn nhất thế giới.

Trong cả năm vừa qua, những khu vực trồng cà-phê chính ở Brazil như Minas Gerais, Sao Paulo, hay Parana đều trải qua những đợt hạn hán và sương giá khắc nghiệt, tàn phá tiềm năng của mùa vụ năm nay, và cả những năm sắp tới. Mức tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE US đã liên tục giảm về 1,78 triệu bao, mức thấp nhất kể từ cuối tháng 1 năm nay.

Bên cạnh những lo ngại về sản lượng do yếu tố thời tiết, chuỗi cung ứng trên toàn cầu vẫn ở trong tình trạng bị đình trệ kể từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện và vẫn chưa có dấu hiệu có thể khôi phục lại. Các công ty sản xuất và các nhà xuất khẩu cà-phê đã phải liên tục tìm cách để ứng phó với tình trạng thiếu hụt container và giá cước vận tải không ngừng leo thang. Chỉ số thuê tàu hàng khô BDI Index, một thước đo về giá cước vận tải trên toàn cầu, dù đã giảm từ mức đỉnh hồi tháng 10, nhưng vẫn cao hơn 2,5 lần so một năm trước đây.

Thị trường cà-phê tìm thấy cơ hội trong khó khăn -0 

Những đứt gãy trong chuỗi cung ứng không chỉ làm chậm trễ các hoạt động sản xuất và các vận chuyển trong nước, mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến tiềm lực xuất khẩu cà-phê của nước ta. Theo ước tính mới nhất từ Tổng cục Thống kê, xuất khẩu cà-phê trong tháng 11 của cả nước đạt 78.000 tấn; lũy kế xuất khẩu 11 tháng đạt 1,36 triệu tấn, thấp hơn 7,7% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu tăng 12,6% lên 2,6 tỷ USD nhờ sự gia tăng mạnh mẽ của giá cà-phê thế giới.

Thị trường cà-phê tìm thấy cơ hội trong khó khăn -0 

Cơ hội mở ra với các nhà sản xuất cà-phê Việt Nam

Cuộc khủng hoảng về chuỗi cung ứng trên toàn cầu có thể còn trầm trọng hơn trong thời gian tới, khi mà biến thể Covid-19 mới, Omicron, đang lây lan mạnh mẽ. Đáng chú ý, Trung Quốc, vốn là tâm điểm giao thương của cả thế giới, có thể tăng cường các biện pháp hạn chế để thực hiện mục tiêu “zero Covid” và điều này sẽ càng đặt ra nhiều thách thức hơn đối với chuỗi cung ứng trên toàn cầu.

Vì thế, trong bối cảnh nguồn cung eo hẹp, xuất khẩu khó khăn, thị trường cà-phê sẽ vẫn còn nhiều dư địa để tăng trưởng trong thời gian tới.

Đáng chú ý, giữa hai mặt hàng cà-phê, giá Robusta, mặt hàng mà Việt Nam là nhà sản xuất lớn nhất thế giới, sẽ có cơ hội tăng mạnh hơn, bởi giá Robusta hiện đang rẻ hơn tới 50% so với giá Arabica. Mức chênh lệch lớn này sẽ là yếu tố hỗ trợ cho giá Robusta, khi mà các nhà rang xay sẽ sử dụng nhiều cà-phê Robusta hơn để thay thế cho cà-phê Arabica, vốn đang có mức giá rất đắt đỏ.

Bên cạnh đó, các đợt bùng phát dịch diễn ra sẽ đẩy mạnh nhu cầu tiêu thụ cà-phê tại nhà, và thúc đẩy nhu cầu sử dụng đối với cà-phê Robusta, vốn là nguyên liệu chính cho các loại cà-phê hòa tan. Hiện nay, giá cà-phê nội địa đang dao động từ 40.700-41.500 đồng/kg.

Sự tăng trưởng của thị trường Robusta thế giới sẽ góp phần khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ cà-phê thế giới, và mở ra thêm nhiều cơ hội đối với các doanh nghiệp xuất khẩu cà-phê của nước ta.


TIÊN PHẠM/nhandan.vn

https://nhandan.vn/nguyen-lieu-cong-nghiep/thi-truong-ca-phe-tim-thay-co-hoi-trong-kho-khan-676665/

  • Từ khóa