Ông Đầm nặng lòng với di sản múa sư tử dân tộc Tày, Nùng

Thứ 3, 07.12.2021 | 17:11:47
1,185 lượt xem

Mang trong mình dòng máu dân tộc Nùng, ông Lâm Văn Đầm (63 tuổi), thôn Nà Tèo, xã Quang Trung, huyện Bình Gia luôn nặng lòng với di sản múa sư tử của dân tộc mình. Hơn 46 năm thực hành và truyền dạy nhiều lớp học trò, ông đã góp phần không nhỏ trong việc giữ gìn, lưu truyền di sản múa sư tử không bị mai một.

Sinh ra và lớn lên tại vùng đất Quang Trung giàu truyền thống văn hóa, nơi dân tộc Tày, Nùng chiếm 90% dân số, thủa thiếu thời, “chàng thanh niên” Lâm Văn Đầm đã được đắm mình trong thế giới đầy màu sắc văn hóa với những câu lượn, câu then, điệu múa sư tử linh thiêng của dân tộc mình. Ông Đầm cho biết: Lúc còn nhỏ, mỗi năm tết đến, tôi lại theo bố và các anh trong làng đi xem múa sư tử ở hội lồng tồng trong và ngoài xã. Do vậy, mỗi âm sắc, điệu múa, trò diễn, các nghi thức hành lễ trong múa sư tử đã ăn sâu vào trong tiềm thức và trở thành niềm đam mê, yêu thích trong tôi.

Ông Lâm Văn Đầm (thứ 3 từ phải sang) giới thiệu về múa sư tử tại gian trưng bày triển lãm chào mừng Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện Bình Gia lần thứ XXIII nhiệm kỳ 2020 – 2025 (tháng 6/2020)

Theo đó, tình yêu với múa sư tử trong ông cứ lớn dần. Năm 1975, khi mới 17 tuổi, ông Đầm chính thức được bố và một số bậc cao niên trong làng truyền dạy tất cả các điệu múa, trò diễn, các quy tắc, lề lối ứng xử trong các nghi thức, nghi lễ, hoạt động múa sư tử truyền thống của dân tộc Tày, Nùng. Từ nghi thức nghi lễ cúng đón, trả sư tử ở bờ suối, miếu thổ công, cách đánh, gõ trống, thanh la, chũm chọe, cách làm đầu sư tử, múa sư tử (múa chào nhau, múa đi đường, múa lên nhà, sư tử xuống đồng, sư tử ra hội…) đến các bài võ cổ truyền của dân tộc, ông đều được truyền dạy.

 Sau khi học, nắm bắt và có khả năng thực hành các điệu múa, trò diễn trong múa sư tử, từ năm 1977 đến nay, ông thường xuyên tham gia trình diễn ở xã, huyện vào các ngày lễ, ngày tết; tham gia các hội thi, hội diễn múa sư tử do huyện, tỉnh tổ chức; giao lưu với các đội múa sư tử khác trong các lễ hội truyền thống tại các huyện: Cao Lộc, Văn Quan, Tràng Định… Đồng thời, ông Đầm trực tiếp chủ trì hàng trăm nghi lễ cúng đón, trả sư tử ở bờ suối, miếu thổ công cho các đội sư tử trên địa bàn xã và các xã lân cận; tham gia cung cấp thông tin, hình ảnh, tài liệu phục vụ cho việc lập hồ sơ múa sư tử đề nghị Bộ  Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đưa vào danh mục di sản văn hóa (DSVH) phi vật thể quốc gia.

Bên cạnh đó, với mong muốn DSVH này không bị mai một, nhiều năm qua, ông Đầm còn tích cực tham gia truyền dạy cho nhiều thế hệ học trò trên địa bàn xã Quang Trung nói riêng và huyện Bình Gia nói chung. Tính đến nay, ông Đầm đã truyền dạy cho 95 học trò. Đặc biệt, năm 2016, ông Đầm được Sở VHTTDL tin tưởng, tín nhiệm mời tham gia truyền dạy múa sư tử cho gần 40 học viên trên địa bàn xã Quang Trung. Ngoài ra, năm 2019, ông Đầm đã tuyên truyền, vận động một số người thành lập Đội múa sư tử thôn Nà Tèo, xã Quang Trung với 8 thành viên, thường xuyên phục vụ tại các lễ hội truyền thống của xã, của huyện.

Với những đóng góp tiêu biểu trên, năm 2020, ông Đầm vinh dự là cá nhân duy nhất của huyện Bình Gia được Hội đồng xét tặng cấp tỉnh hoàn thiện, chuyển hồ sơ về Hội đồng chuyên ngành cấp Bộ VHTTDL để triển khai thực hiện các quy trình thủ tục tiếp theo trình Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước thẩm định hoàn chỉnh hồ sơ, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, trình Chủ tịch nước quyết định phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực DSVH phi vật thể lần thứ ba năm 2021 với loại hình “Nghệ thuật trình diễn dân gian”.


Đức Tâm/baolangson.vn

https://baolangson.vn/van-hoa/466387-ong-dam-nang-long-voi-di-san-mua-su-tu-dan-toc-tay-nung.html

  • Từ khóa