Trả lời bạn xem truyền hình ngày 28/12/2021

Thứ 2, 03.01.2022 | 10:07:02
942 lượt xem

Câu 1. Ông Ngô Minh Đức trú tại thị trấn Hữu Lũng, huyện Hữu Lũng, hỏi: Pháp luật có quy định như thế nào về xử lý hành vi tổ chức, môi giới cho người xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép?

Trả lời:

Tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép là hành vi cố ý, trực tiếp xâm phạm đến trật tự quản lý hành chính trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh, và cư trú ở Việt Nam. Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh là cơ quan chuyên trách thuộc Bộ Công an làm nhiệm vụ quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (Khoản 15 Điều 3, Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam).

Theo quy định tại Điều 348, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về “Tội tổ chức, môi giới cho người xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép”.

Cụ thể, người nào vì vụ lợi mà tổ chức hoặc môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Phạt tù từ 05 năm đến 10 năm nếu lợi dụng chức vụ, quyền hạn; phạm tội 02 lần trở lên; đối với từ 05 người đến 10 người; có tính chất chuyên nghiệp; thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; tái phạm nguy hiểm.

Hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Ngoài ra, tại Điều 17 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn, xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội, phòng cháy, chữa cháy, phòng chống bạo lực gia đình, nếu có đủ cơ sở xác định trong nhóm người trên có hành vi tẩy, xóa, sửa chữa hoặc làm sai lệch hình thức, nội dung ghi trong hộ chiếu hoặc giấy tờ khác có giá trị thay hộ chiếu, thị thực, thẻ tạm trú và thẻ thường trú, sử dụng hộ chiếu hoặc các giấy tờ khác có giá trị thay hộ chiếu của người khác để nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh thì có thể phạt tiền tới 5.000.000 đồng.

Câu 2. Bà Lê Thanh Thảo, trú tại phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn hỏi: Tôi thấy hiện nay ở một số nơi vẫn còn có tục lệ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, vậy hành vi tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống bị xử lý như thế nào theo quy định của pháp luật?

Trả lời:

Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014: Tảo hôn là việc lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định (nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên); Hôn nhân cận huyết thống là việc kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ (cha mẹ với con; ông bà với cháu) và giữa những người có họ trong phạm vi ba đời (những người cùng một gốc sinh ra gồm cha mẹ là đời thứ nhất; anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha là đời thứ hai; anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì là đời thứ ba).

Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức, phong tục, truyền thống tốt đẹp của dân tộc mà tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống còn khiến chất lượng dân số suy giảm, suy thoái nòi giống, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực và là một trong những lực cản đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, tiến bộ xã hội. Để ngăn chặn và xử lý đối với các hành vi này pháp luật quy định chế tài xử lý như sau:

I. Xử phạt hành chính: Nghị định 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã, quy định mức xử phạt đối với hành vi tảo hôn, tổ chức tảo hôn như sau:

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn.

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đủ tuổi kết hôn mặc dù đã có bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án.

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

- Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ hoặc giữa những người có họ trong phạm vi ba đời;

- Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi;

II. Xử lý hình sự:

1. Đối với hành vi tổ chức tảo hôn:

Điều 183 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định tội tổ chức tảo hôn như sau: “Người nào tổ chức việc lấy vợ, lấy chồng cho những người chưa đến tuổi kết hôn, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm.”

2. Đối với hành vi kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ:

Điều 184 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định tội loạn luân như sau “Người nào giao cấu với người mà biết rõ người đó cùng dòng máu về trực hệ, là anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm”.

Ngoài các quy định trên, người có hành vi kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người dưới 16 tuổi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi hoặc Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi quy định tại các Điều 142; 145 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

  • Từ khóa