F0 điều trị tại nhà: 5 sai lầm khi dùng thuốc nhiều bệnh nhân hay mắc

Thứ 3, 11.01.2022 | 14:42:36
1,102 lượt xem

Hà Nội hiện có hơn 36.000 F0 điều trị tại nhà. Vì lo lắng nhiều bệnh nhân tự ý mua thuốc kháng virus xách tay trên mạng hoặc tự uống thuốc kháng viêm mà không lường hết được hậu quả.

Với số ca mắc mới Covid-19 tăng cao trong thời gian qua, TP Hà Nội hiện đứng vị trí thứ 5 về số ca mắc cộng dồn với khoảng 71.000 ca. Trong đó, khoảng 30.000 trường hợp đã khỏi bệnh, còn lại hơn 4.000 trường hợp đang được điều trị tại bệnh viện, khoảng 17% ở mức độ nặng, nguy kịch, 14% ở mức độ trung bình. Ngoài ra, có hơn 36.000 F0 đang điều trị tại nhà. 

Y tế cơ sở đang bị quá tải, vì thế nhiều trường hợp F0 không được cán bộ y tế tiếp cận ngay. Vì lo lắng, một số tự đặt mua các thuốc kháng virus không rõ nguồn gốc hoặc uống thuốc kháng viêm khi không có chỉ định của bác sĩ. Điều này giống như "con dao 2 lưỡi". 

F0 điều trị tại nhà: 5 sai lầm khi dùng thuốc nhiều bệnh nhân hay mắc - 1

Hiện nay phần lớn F0 tại TP Hà Nội đủ điều kiện điều trị tại nhà (Ảnh minh họa: Mạnh Quân)

Dưới đây là một số sai lầm thường gặp khi dùng thuốc của các F0 khi điều trị tại nhà: 

Thứ nhất, tự uống thuốc nhất là thuốc kháng virus

Bác sĩ Nguyễn Hoàng Hiệp, khoa Huyết học, Bệnh viện Quân y 103, thành viên nhóm Bác sĩ quân y hỗ trợ chăm sóc F0 tại nhà cho biết khi biết bản thân mắc Covid-19, hầu như ai cũng có tâm lý lo lắng, tự lên mạng mua các thuốc kháng virus của Nga, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ… về uống. Đây đều là các thuốc không rõ nguồn gốc, chất lượng, hàng xách tay nên dù bệnh nhân có chỉ định dùng hoạt chất đó nhưng không rõ nguồn gốc nên bác sĩ cũng không thể tư vấn dùng. 

Thứ 2, bệnh nhân uống sai hướng dẫn sử dụng thuốc kháng virus

Theo BS Hiệp, điều này mang lại hiệu quả không tốt, thậm chí quá liều có thể dẫn đến ngộ độc với các biểu hiện như đau đầu, chóng mặt…

"Cá biệt có trường hợp mới chỉ là F1 đã mua thuốc kháng virus xách tay để dùng. Thuốc kháng virus phải dùng đúng chỉ định mới có tác dụng, không thể dùng như thuốc bổ được", BS Hiệp nói. 

Thứ 3, tự uống theo đơn thuốc trên mạng

Nhiều bệnh nhân khi chưa tiếp xúc được với nhân viên y tế thì lo lắng, thấy trên mạng có đơn thuốc thì mua dùng theo. Hậu quả nhiều khi tình trạng bệnh nhẹ, không cần dùng nhưng đã dùng thuốc dành cho người bệnh mức độ nặng, cụ thể dùng là cả thuốc corticoid, kháng đông, kháng sinh rất mạnh, BS Hiệp cho biết. 

Lấy ví dụ với corticoid được chỉ định dùng ở giai đoạn sau khi bệnh diễn tiến ở mức độ nặng. Ở giai đoạn đầu khi virus đang nhân lên thì tuyệt đối không được dùng. Lý do là nếu dùng sẽ khiến virus càng dễ nhân lên. Corticoid là nhóm thuốc làm giảm miễn dịch, giảm sự đề kháng của cơ thể.

Tương tự bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga, thành viên nhóm Bác sĩ quân y hỗ trợ chăm sóc F0 tại nhà cũng cảnh báo rất nhiều F0 dùng thuốc kháng viêm corticoid quá sớm. Thực trạng này xảy ra ở khoảng 20% F0 gọi điện tư vấn bác sĩ. Điều này có thể làm bệnh nặng hơn, virus nhân lên nhiều hơn. 

Thứ 4, đôi khi bệnh ở mức độ nặng nhưng bệnh nhân vẫn ở nhà

Một số bệnh nhân không tự nhận biết được mức độ bệnh nặng hơn nên vẫn ở nhà. Trong tình trạng phải dùng thuốc cho giai đoạn nặng hơn thì vẫn dùng thuốc nhẹ. Một số thậm chí bị sốt không dùng thuốc vì nghĩ sốt là bình thường, là cơ chế để cơ thể tự bảo vệ. 

Thứ 5, dùng sai chỉ định với thuốc kháng virus

Theo BS Hiệp, có bệnh nhân dùng thuốc kháng virus không đúng ngày, thuốc chỉ phát huy tác dụng trong 5-7 ngày đầu, đến ngày thứ 10 vẫn uống thì vừa không hiệu quả mà vừa lãng phí.

Hay có người bệnh đã chuyển nặng mà vẫn dùng thuốc kháng virus thì không hiệu quả. Thuốc chỉ dành cho bệnh nhân ở mức độ nhẹ.  


Theo dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/suc-khoe/f0-dieu-tri-tai-nha-5-sai-lam-khi-dung-thuoc-nhieu-benh-nhan-hay-mac-20220110180528314.htm

  • Từ khóa