Trả lời bạn xem truyền hình ngày 19/04/2022

Thứ 3, 19.04.2022 | 10:15:47
913 lượt xem

Câu 1. Ông Vũ Ngọc Minh, trú tại xã thị trấn Cao Lộc, huyện Cao Lộc hỏi: Trường hợp nào người sử dụng đất không phải nộp tiền sử dụng đất khi cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất?

Trả lời

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (GCNQSDĐ) là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất. Tiền sử dụng đất là số tiền mà người sử dụng đất phải trả cho nhà nước khi được nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất. Theo quy định của pháp luật về đất đai (cụ thể là Luật Đất đai năm 2013, Nghị định 45/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về thu tiền sử dụng đất), khi yêu cầu cấp GCNQSDĐ, người sử dụng đất không phải nộp tiền sử dụng đất trong những trường hợp sau:

1. Cấp GCNQSDĐ cho người sử dụng đất có giấy tờ về quyền sử dụng đất

Căn cứ khoản 1 Điều 100 Luật Đất đai 2013, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ổn định mà có một trong các loại giấy tờ sau đây thì được cấp sổ đỏ và không phải nộp tiền sử dụng đất:

- Những giấy tờ về quyền được sử dụng đất trước ngày 15/10/1993 do cơ quan có thẩm quyền cấp trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp hoặc có tên trong Sổ đăng ký ruộng đất, Sổ địa chính trước ngày 15/10/1993;

- Giấy tờ hợp pháp về thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất; giấy tờ giao nhà tình nghĩa, nhà tình thương gắn liền với đất;

- Giấy tờ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua bán nhà ở gắn liền với đất ở trước ngày 15/10/1993 được UBND cấp xã xác nhận là đã sử dụng trước ngày 15/10/1993;

- Giấy tờ thanh lý, hóa giá nhà ở gắn liền với đất ở; giấy tờ mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước theo quy định của pháp luật;

- Giấy tờ về quyền sử dụng đất do cơ quan có thẩm quyền thuộc chế độ cũ cấp cho người sử dụng đất;

- Các loại giấy tờ khác được xác lập trước ngày 15/10/1993 theo quy định của Chính phủ.

2. Cấp GCNQSDĐ cho người sử dụng đất có giấy tờ về quyền sử dụng đất mang tên người khác

Theo khoản 2 Điều 100 Luật Đất đai 2013, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không phải nộp tiền sử dụng đất khi có một trong các loại giấy tờ trên mà trên giấy tờ đó ghi tên người khác, kèm theo giấy tờ về việc chuyển quyền sử dụng đất có chữ ký của các bên có liên quan, nhưng đến trước ngày 01/7/2014 chưa thực hiện thủ tục chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật và đất đó không có tranh chấp.

3. Cấp GCNQSD Đ cho người sử dụng đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất

Theo khoản 1 Điều 101 Luật Đất đai 2013, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất trước ngày 01/7/2014 mà không có các giấy tờ tại khoản 1 Điều 100 Luật Đất đai 2013 thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và không phải nộp tiền sử dụng đất khi có các điều kiện sau:

- Có hộ khẩu thường trú tại địa phương.

- Trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

- Được UBND cấp xã nơi có đất xác nhận là người đã sử dụng đất ổn định, không có tranh chấp.

4. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất có nhà ở, công trình xây dựng khác từ trước ngày 15/10/1993

Theo Điều 6 Nghị định 45/2014/NĐ-CP, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất có nhà ở, công trình xây dựng khác từ trước ngày 15/10/1993; tại thời điểm bắt đầu sử dụng đất không có một trong các hành vi vi phạm theo quy định tại Điều 22 Nghị định 43/2014/NĐ-CP được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không thu tiền sử dụng đất trong trường hợp sau đây:

- Trường hợp đất có nhà ở thì người sử dụng đất không phải nộp tiền sử dụng đất đối với diện tích đất ở đang sử dụng trong hạn mức công nhận đất ở cho mỗi hộ gia đình, cá nhân (phần vượt quá hạn mức vẫn phải đóng tiền sử dụng đất)

- Trường hợp sử dụng đất có công trình xây dựng không phải là nhà ở, nếu được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp như hình thức được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất với thời hạn sử dụng lâu dài thì không phải nộp tiền sử dụng đất.

5. Giao đất không đúng thẩm quyền trước 01/7/2014

- Theo điểm a khoản 1 Điều 8 Nghị định 45/2014/NĐ-CP, người sử dụng đất có nhà ở từ trước ngày 15/10/1993 và có giấy tờ chứng minh về việc đã nộp tiền cho cơ quan, tổ chức để được sử dụng đất thì khi được cấp Giấy chứng nhận không phải nộp tiền sử dụng đất.

- Theo điểm b khoản 1 Điều 8 Nghị định 45/2014/NĐ-CP trường hợp sử dụng đất có nhà ở ổn định trong khoảng thời gian từ ngày 15/10/1993 đến trước ngày 01/7/2004 và có giấy tờ chứng minh đã nộp tiền để được sử dụng đất mà giấy tờ chứng minh đã nộp tiền để được sử dụng đất theo đúng mức thu quy định của pháp luật đất đai năm 1993 thì không thu tiền sử dụng đất.

6. Đã nộp tiền sử dụng đất để được sử dụng đất

- Theo khoản 3 Điều 100 Luật Đất đai 2013, hộ gia đình, cá nhân được sử dụng đất theo bản án hoặc quyết định của TAND, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án, văn bản công nhận kết quả hòa giải thành, quyết định giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã được thi hành thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, nếu trước đây đã nộp tiền sử dụng đất thì không phải nộp tiền sử dụng đất.

- Theo khoản 4 Điều 100 Luật Đất đai 2013, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất từ ngày 15/10/1993 đến ngày 01/7/2014 mà chưa được cấp Giấy chứng nhận thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, nếu trước đây đã nộp tiền sử dụng đất thì không phải nộp tiền sử dụng đất.

Câu 2. Ông Lê Văn Toàn, trú tại thị trấn Văn Quan, huyện Văn Quan hỏi: Thủ tục giám định sức khỏe để nhận trợ cấp tuất hàng tháng?

Trả lời

Trợ cấp tuất hằng tháng là một khoản thu nhập cố định góp phần đảm bảo cuộc sống cho thân nhân người lao động. Căn cứ khoản 2 Điều 67 Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014, khi người lao động mất, những thân nhân sau đây sẽ cần làm thủ tục giám định sức khỏe để được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng:

- Con từ đủ 18 tuổi trở lên.

- Vợ dưới 55 tuổi, chồng dưới 60 tuổi không có thu nhập hoặc có nhưng thu nhập hằng tháng thấp hơn mức lương cơ sở.

- Cha, mẹ đẻ; cha, mẹ đẻ của vợ hoặc chồng; thành viên khác trong gia đình mà người tham gia BHXH đang có nghĩa vụ nuôi dưỡng dưới 60 tuổi đối với nam, dưới 55 tuổi đối với nữ mà không có thu nhập hoặc có thu nhập hằng tháng nhưng thấp hơn mức lương cơ sở.

Những đối tượng nói trên sau khi giám định sức khỏe mà xác định được mức độ suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên sẽ được xem xét giải quyết hưởng trợ cấp tuất hằng tháng.

Thủ tục giám định sức khỏe để nhận trợ cấp tuất hàng tháng

Căn cứ Thông tư số 56/2017/TT-BYT và Quyết định số 2968/QĐ-BYT ngày 16/5/2018, thủ tục giám định sức khỏe để thân nhân người lao động có thể được nhận trợ cấp tuất hằng tháng được hướng dẫn như sau:

* Hồ sơ khám giám định:

Theo khoản 4 Điều 5 Thông tư 56/2017/TT-BYT, hồ sơ khám giám định sức khỏe gồm:

- Giấy đề nghị khám giám định theo mẫu tại Phụ lục 2 của Thông tư 56/2017: Trong đó phải có xác nhận về tình trạng nhân thân của Ủy ban nhân dân hoặc công an cấp xã nơi cư trú.

- Bản chính hoặc bản sao hợp lệ của một hoặc các giấy tờ khám, điều trị bệnh, tật sau: Tóm tắt hồ sơ bệnh án; Giấy xác nhận khuyết tật; Giấy ra viện; Sổ khám bệnh; Biên bản giám định bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động (người đã được khám giám định bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động).

- Một trong các giấy tờ chứng minh nhân thân sau đây: Chứng minh nhân dân còn hiệu lực; Thẻ Căn cước công dân còn hiệu lực; Hộ chiếu còn hiệu lực; Không có các giấy tờ trên: Phải có Giấy xác nhận của Công an cấp xã có dán ảnh, đóng giáp lai trên ảnh và được cấp trong không quá 03 tháng tính đến thời điểm đề nghị khám giám định.

* Nơi nộp hồ sơ: Hội đồng giám định y khoa tỉnh nơi cư trú.

* Thủ tục khám giám định:

Bước 1: Nộp hồ sơ khám giám định.

Thân nhân của người lao động chủ động lập, hoàn chỉnh hồ sơ khám giám định và gửi 01 bộ hồ sơ đến Hội đồng Giám định y khoa cấp tỉnh để đề nghị khám giám định để hưởng trợ cấp tuất hàng tháng.

Cách thức nộp hồ sơ: Trực tiếp hoặc qua bưu điện.

Bước 2: Tiến hành khám giám định.

Cơ quan thường trực Hội đồng giám định y khoa thực hiện xem xét và tổ chức khám giám định theo đúng thời gian quy định của pháp luật.

Trường hợp không khám giám định, trong 10 ngày làm việc, Hội đồng Giám định y khoa cấp tỉnh phải trả lời bằng văn bản cho cá nhân yêu cầu giám định biết rõ lý do và chịu trách nhiệm về việc không tổ chức khám giám định.

Bước 3: Nhận Biên bản giám định y khoa

Trong 10 ngày làm việc kể từ khi có kết luận giám định, cơ quan thường trực Hội đồng Giám định y khoa sẽ phát hành Biên bản giám định y khoa.

* Chi phí khám giám định:

Chi phí khám giám định thực hiện theo Thông tư 243/2016/BTC như sau:

- Khám lâm sàng phục vụ giám định y khoa: 1.150.000 đồng/trường hợp.

- Khám cận lâm sàng phục vụ giám định y khoa: Tùy theo chỉ định thực tế của bác sĩ.

Sau khi đã có Biên bản giám định, thân nhân người lao động tự mình hoàn thiện hồ sơ hoặc gửi cho doanh nghiệp (trường hợp người lao động đang đóng BHXH mà bị chết) để làm thủ tục hưởng trợ cấp tuất hằng tháng./.

  • Từ khóa