Trả lời bạn xem truyền hình ngày 24/05/2022

Thứ 3, 24.05.2022 | 14:01:21
871 lượt xem

Câu 1. Ông Trần Minh Dũng, trú tại thị trấn Cao Lộc, huyện Cao Lộc hỏi: Pháp luật quy định như thế nào về phạm vi hoạt động của Bộ đội Biên phòng? Việc huy động người, tàu thuyền, phương tiện, thiết bị kỹ thuật dân sự trong thực thi nhiệm vụ biên phòng được quy định như thế nào?

Trả lời:

Phạm vi hoạt động của Bộ đội Biên phòng được quy định tại Điều 16 Luật Biên phòng Việt Nam như sau: 

1. Hoạt động trong khu vực biên giới, cửa khẩu do Bộ Quốc phòng quản lý, địa bàn nội địa để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật.

2. Hoạt động ngoài biên giới theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và quy định của pháp luật Việt Nam trong trường hợp vì mục đích nhân đạo, hòa bình, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, kiểm soát xuất nhập cảnh, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật.

Việc huy động người, tàu thuyền, phương tiện, thiết bị kỹ thuật dân sự trong thực thi nhiệm vụ biên phòng được quy định tại Điều 18 Luật Biên phòng Việt Nam như sau:

1. Trong trường hợp khẩn cấp để bắt giữ người, tàu thuyền, phương tiện vi phạm pháp luật, tìm kiếm, cứu nạn, cấp cứu người bị nạn, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường nghiêm trọng, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng được huy động người, tàu thuyền, phương tiện, thiết bị kỹ thuật dân sự của cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam.

2. Việc huy động quy định tại khoản 1 Điều này phải phù hợp với khả năng thực tế của người, tàu thuyền, phương tiện, thiết bị kỹ thuật dân sự được huy động và phải hoàn trả ngay sau khi tình thế khẩn cấp chấm dứt.

Trường hợp người, tài sản được huy động làm nhiệm vụ mà bị thiệt hại thì được hưởng chế độ, chính sách, đền bù theo quy định tại khoản 3 Điều 7 của Luật này; đơn vị có cán bộ, chiến sĩ huy động có trách nhiệm giải quyết việc đền bù theo quy định của pháp luật.

3. Cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam có trách nhiệm thực hiện việc huy động của Bộ đội Biên phòng.

4. Trong trường hợp khẩn cấp để bắt giữ người, tàu thuyền, phương tiện vi phạm pháp luật, tìm kiếm, cứu nạn, cấp cứu người bị nạn, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường nghiêm trọng, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng được đề nghị tổ chức, cá nhân nước ngoài đang hoạt động ở khu vực biên giới hỗ trợ, giúp đỡ.


Câu 2. Ông Chu Văn Đức, trú tại phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn hỏi: Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp nơi có biên giới quốc gia, nơi không có biên giới quốc gia trong phối hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng được quy định như thế nào?

Trả lời

Để quy định chi tiết về hệ thống tổ chức; chính sách ưu đãi và chế độ đặc thù đối với Bộ đội Biên phòng; phối hợp giữa bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương trong thực thi nhiệm vụ biên phòng, ngày 06/12/2021 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 106/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều Luật Biên phòng Việt Nam.

1. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp nơi có biên giới quốc gia trong phối hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng được quy định tại khoản 3 Điều 26 của Nghị định số 106/2021/NĐ-CP, cụ thể như sau:

a) Lập dự toán trình Hội đồng nhân dân cùng cấp bảo đảm ngân sách từ các nguồn để thực thi nhiệm vụ biên phòng, xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân của địa phương và xây dựng Bộ đội Biên phòng;

b) Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực biên giới; triển khai thực hiện xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân và Ngày biên phòng toàn dân ở khu vực biên giới;

c) Chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, cơ quan liên quan xử lý tình huống an ninh, trật tự ở khu vực biên giới theo quy định của pháp luật; phối hợp với Bộ Quốc phòng xử lý các tình huống quân sự, quốc phòng ở khu vực biên giới;

d) Chủ trì huy động lực lượng, phương tiện tại địa phương thực hiện tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn ở khu vực biên giới theo quy định của pháp luật. Phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan liên quan tổ chức huy động lực lượng, phương tiện dân sự tham gia Phòng, chống, ứng phó, khắc phục sự cố, thiên tai, thảm họa, biến đổi khí hậu, dịch bệnh;

đ) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị Quân đội, Công an xây dựng phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu;

e) Chỉ đạo các cơ quan, lực lượng chức năng thuộc quyền phối hợp với Bộ đội Biên phòng tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, bảo vệ đường biên giới, hệ thống mốc quốc giới, công trình biên giới, cửa khẩu; duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật;

g) Phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ đội Biên phòng thực hiện các chương trình phát triển kinh tế, văn hóa, khoa học, công nghệ, đối ngoại ở khu vực biên giới; thực hiện chính sách hậu phương, quân đội;

h) Tổ chức thực hiện giao đất, cho thuê đất, hỗ trợ về chỗ ở, nhà ở, việc làm và các chính sách khác cho sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng thuộc Bộ đội Biên phòng định cư lâu dài ở khu vực biên giới, hải đảo theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định này.

2. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp nơi không có biên giới quốc gia trong phối hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng được quy định tại Điều 27 của Nghị định số 106/2021/NĐ-CP, cụ thể như sau:

a) Phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ đội Biên phòng, cơ quan, tổ chức có liên quan thực thi nhiệm vụ biên phòng, xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh.

b) Triển khai thực hiện có hiệu quả Ngày biên phòng toàn dân tại địa phương mình.

c) Phối hợp với các cơ quan, đơn vị Quân đội thực hiện chính sách hậu phương quân đội./.

  • Từ khóa