Học phí đại học ồ ạt tăng

Thứ 2, 08.08.2022 | 09:15:47
465 lượt xem

Niềm vui được bước chân vào đại học chưa dứt thì phụ huynh và cả học sinh đối diện với thực tế khó khăn là học phí các trường tăng đột biến

Dù Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã có văn bản đề nghị giữ nguyên mức học phí như năm học 2021-2022 nhưng nhiều trường ĐH vẫn công bố những con số tăng chóng mặt.

Hơn 765 triệu đồng/khóa học

Trường ĐH Luật TP HCM là một trong những trường có mức học phí cao nhất năm học tới.

Theo thông báo của trường, học phí Khóa 47 áp dụng từ năm học 2022-2023 đến 2025-2026 thấp nhất cho hệ đại trà là 151 triệu đồng, dành cho các ngành luật, luật thương mại quốc tế, quản trị kinh doanh. Học phí hệ đại trà của những ngành còn lại ở mức 179 đến 204,7 triệu đồng/khóa. Hệ chất lượng cao ngành quản trị - luật có học phí một khóa là 358,2 triệu đồng. Học phí cao nhất thuộc hệ chất lượng cao ngành luật, giảng dạy bằng tiếng Anh với 765,9 triệu đồng/khóa.

Một trường giảng dạy ngành luật khác là ĐH Luật Hà Nội cũng dự kiến mức thu học phí khá cao so với năm học trước. Theo đó, năm học 2022-2023, đối với chương trình đào tạo đại trà trình độ ĐH, học phí là 2 triệu đồng/tháng - tăng 2,04 lần so với mức 980.000 đồng của năm học 2021-2022. Học phí chương trình đào tạo chất lượng cao là 5 triệu đồng/tháng - tăng 1,65 lần so với mức 3.025.000 đồng của năm học 2021-2022.

Năm học tới, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tính học phí theo tín chỉ. Trừ các ngành đào tạo giảng viên lý luận chính trị được miễn, học phí hệ đại trà dự kiến 440.000 đồng/tín chỉ, hệ chất lượng cao 1,32 triệu đồng/tín chỉ. Hai mức này tăng lần lượt gần 60% và hơn 70% so với học phí năm 2021 (276.000 đồng cho hệ đại trà và 771.000 đồng hệ chất lượng cao).

Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng cho biết năm học 2022-2023 sẽ chính thức điều chỉnh học phí. Cụ thể, mức học phí theo tín chỉ sẽ từ 350.000 đồng - 1 triệu đồng/tín chỉ.

Trường ĐH Kinh tế - ĐHQG Hà Nội dự kiến tăng học phí với sinh viên hệ chính quy lên mức 4,2 triệu đồng/tháng. So với năm học trước, sinh viên năm học sắp tới phải đóng học phí cao hơn 7 triệu đồng. Với các năm học tiếp sau khóa 2022, mỗi năm, học phí của ĐH Kinh tế Hà Nội sẽ tiếp tục tăng 2 triệu đồng so với năm học đầu tiên.

Trong khi đó, Trường ĐH Y Dược TP HCM công bố mức học phí đối với sinh viên của 3 khóa tuyển sinh năm 2020, 2021 và 2022 từ 37 triệu đồng đến 77 triệu đồng/năm học, tùy từng ngành...

Học phí đại học ồ ạt tăng - Ảnh 1.

Nhiều học sinh mơ ước vào trường đại học yêu thích nhưng không phải lúc nào cũng toại nguyện do rào cản học phí.Ảnh: HOÀNG TRIỀU

"Khủng hoảng thừa" và "khủng hoảng thiếu"

PGS-TS Nguyễn Ninh Thụy, Trưởng Ban Kế hoạch Tài chính - ĐHQG TP HCM, thừa nhận khi các trường ĐH công lập tự chủ tăng học phí có thể dẫn đến việc giảm cơ hội được đến trường của các sinh viên khó khăn. Điều này sẽ làm chậm quá trình mở rộng quy mô đào tạo nhân lực trình độ ĐH.

Theo ông Thụy, tăng học phí cũng khiến các ngành khoa học cơ bản có vai trò quan trọng trong định hướng phát triển bền vững của đất nước bị ảnh hưởng. Cùng một mức học phí, sinh viên sẽ ít lựa chọn các ngành khoa học cơ bản mà theo học các ngành mang tính "hot" hơn, bởi cơ hội nghề nghiệp phong phú hơn và thu nhập cao hơn. Xu hướng này có thể là do sự thay đổi nhận thức của xã hội, gia đình và bản thân người học nhưng cũng có thể do mức học phí. Các xu hướng mới này có thể gián tiếp tạo ra "khủng hoảng thừa" và "khủng hoảng thiếu" về nhân lực của một số ngành khoa học cơ bản trong tương lai gần.

Tại hội nghị tự chủ ĐH vừa được tổ chức ở Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh đến việc bảo đảm công bằng cho mọi người trong tiếp cận giáo dục ĐH chất lượng cao. Cho tự chủ, tăng học phí mà không có cơ chế về quỹ học bổng, hỗ trợ của ngân sách nhà nước và các trường thì sẽ mất công bằng. Thực tế, trong khi học phí tăng thì mức vay tín dụng cho sinh viên vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu.

Lý giải về việc tăng học phí ĐH, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho rằng cần nhìn nhận thực chất của vấn đề. Hiện nay, tổng số kinh phí đầu tư tính cho một sinh viên còn rất thấp so với mặt bằng chung của thế giới. Muốn nâng cao chất lượng GD-ĐT, cần nâng cao mức đầu tư cho sinh viên, thông qua việc đầu tư vào cơ sở vật chất, thu hút đội ngũ giảng viên giỏi.

Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, một số trường ĐH trong khu vực có mức chi phí cao gấp hàng chục lần so với chi phí tại các trường ĐH công lập ở Việt Nam. Nếu giữ nguyên mức đầu tư như hiện nay, các trường ĐH trong nước rất khó để cạnh tranh.


Yến Anh/nld.com.vn

https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/hoc-phi-dai-hoc-o-at-tang-20220806201122094.htm 

  • Từ khóa