Gang thép Thái Nguyên chôn bao nhiêu vốn tại siêu dự án hoen gỉ 15 năm?

Thứ 2, 08.08.2022 | 09:15:30
720 lượt xem

Đến thời điểm 30/6, tổng giá trị đầu tư của dự án đã thực hiện là 6.163,1 tỷ đồng, trong đó, lãi vay vốn hóa là 2.951,7 tỷ đồng. Riêng 6 tháng đầu năm phát sinh thêm 163,7 tỷ đồng.

Giá vốn cao kéo lợi nhuận giảm sốc

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2022 vừa được Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO, mã chứng khoán: TIS) công bố mới đây, việc kinh doanh với giá vốn cao đã ảnh hưởng đáng kể đến kết quả của doanh nghiệp này.

Trong kỳ, doanh thu thuần giảm 10% so với cùng kỳ, đạt 3.190 tỷ đồng trong khi giá vốn hàng bán tăng gần 2% lên 3.143 tỷ đồng, qua đó, kéo giảm lợi nhuận gộp xuống mức 47 tỷ đồng, chỉ bằng 10% cùng kỳ.

Điểm tích cực là doanh thu hoạt động tài chính tăng gần gấp đôi, đạt hơn 10 tỷ đồng, chi phí tài chính giảm 65% so với cùng kỳ còn hơn 35 tỷ đồng. Chi phí bán hàng 14 tỷ đồng, tăng 2,5% song đáng chú ý là chi phí quản lý doanh nghiệp hoàn nhập hơn 11 tỷ đồng. Theo đó, TISCO lãi thuần 19 tỷ đồng trong quý II, giảm hơn 73% so với quý II/2021. Ngoài ra, công ty còn ghi nhận tăng lỗ khác lên 8,5 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 2 tỷ đồng).

Kết quả, quý II năm nay, TISCO lãi chưa đến 11 tỷ đồng trước thuế, bằng 15% cùng kỳ năm ngoái; lãi sau thuế đạt gần 6 tỷ đồng, giảm hơn 90% so với quý II/2021.

Gang thép Thái Nguyên chôn bao nhiêu vốn tại siêu dự án hoen gỉ 15 năm? - 1

Kết quả kinh doanh theo quý của TISCO (Biểu đồ: Mai Chi).

Lũy kế 6 tháng đầu năm, TISCO đạt 6.923 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 5,7% so với cùng kỳ, lãi sau thuế xấp xỉ 35 tỷ đồng, giảm 66%.

Hơn 2.000 tỷ đồng hàng tồn kho và gần 550 tỷ đồng nợ xấu

Tại ngày 30/6, giá trị hàng tồn kho của TISCO còn tới 2.048 tỷ đồng, tăng 613 tỷ đồng so với đầu năm.

TISCO ghi nhận có 549,4 tỷ đồng nợ xấu, đây là các khoản phải thu, cho vay quá hạn thanh toán hoặc chưa quá hạn thanh toán nhưng khó có khả năng thu hồi. TISCO ước tính giá trị có thể thu hồi trong số này 202,6 tỷ đồng.

Trong đó, một số đối tác có khoản nợ xấu lớn là Công ty TNHH TM và DL Trung Dũng cần phải thu 251,9 tỷ đồng, ước tính giá trị thu hồi hơn 104,3 tỷ đồng; Công ty TNHH TM và XD Hà Nam cần phải thu 127,4 tỷ đồng và ước tính thu hồi chỉ 40 tỷ đồng; Công ty TNHH Lưỡng Thổ có nợ xấu gần 50,9 tỷ đồng và khả năng thu hồi khoảng 24,2 tỷ đồng; Công ty TNHH Hồng Trang là đơn vị duy nhất mà TISCO dự tính có thể thu hồi toàn bộ 24,7 tỷ đồng nợ xấu.

Các đối tác như Công ty Jinsu Resources (nợ gần 23,5 tỷ đồng), Công ty Asia Global (nợ gần 14,6 tỷ đồng) không ước tính được khả năng có thể thu hồi.

Theo TISCO, trong số này, tiền phạt, phải thu về lãi trả chậm phát sinh từ các khoản nợ quá hạn nhưng không được ghi nhận doanh thu lên tới 201 tỷ đồng.

Phát sinh tăng thêm hơn 160 tỷ đồng tại "dự án yếu kém"

Tại thời điểm 30/6, tổng chi phí xây dựng cơ bản dở dang của TISCO là 6.184,6 tỷ đồng, trong đó, giá trị chi phí xây dựng cơ bản dở dang nằm tại công trình cải tạo giai đoạn II là 6.163,1 tỷ đồng (chiếm 99,7%), phát sinh tăng thêm 163,7 tỷ đồng so với đầu năm.

Gang thép Thái Nguyên chôn bao nhiêu vốn tại siêu dự án hoen gỉ 15 năm? - 2

Hình ảnh về dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Công ty Gang thép Thái Nguyên (Ảnh: VGP).

TISCO cho biết, doanh nghiệp đang triển khai dự án "Cải tạo và mở rộng sản xuất Công ty gang thép Thái Nguyên - giai đoạn II" với tổng chi phí đầu tư ban đầu là 3.843,7 tỷ đồng và theo dự toán điều chỉnh đã được phê duyệt tổng mức đầu tư mới của dự án là 8.104,9 tỷ đồng (theo hợp đồng đã ký kết với nhà thầu chính Công ty China Metallurgical Group - MCC tại ngày 12/1/2007).

Hiện tại, dự án kéo dài so với dự kiến, Ban lãnh đạo TISCO cùng Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP vẫn đang tiếp tục đàm phán với các nhà thầu và phối hợp với các cơ quan Nhà nước có liên quan để tháo gỡ các khó khăn cho dự án.

Đến thời điểm 30/6, tổng giá trị đầu tư của dự án đã thực hiện là 6.163,1 tỷ đồng, trong đó, lãi vay vốn hóa là 2.951,7 tỷ đồng, chi phí phát sinh chủ yếu trong 6 tháng đầu năm nay là chi phí lãi vay vốn hóa.

Ngày 20/2/2019, Thanh tra Chính phủ đã thông báo kết luận thanh tra về dự án này, các kiến nghị của Thanh tra Chính phủ vẫn đang trong quá trình thực hiện.

Công ty đang có 22,5 tỷ đồng trả trước cho người bán theo dõi tại Ban quản lý dự án (QLDA), bao gồm các khoản trả trước liên quan đến Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên và một số khoản trả trước khác. Ngày 20/2/2019, Thanh tra Chính phủ đã thông báo "Kết luận thanh tra Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty gang thép Thái Nguyên", theo đó, các khoản trả trước cho người bán liên quan đến dự án này có thể thay đổi sau khi các kiến nghị Thanh tra Chính phủ được thực hiện.

Liên quan đến Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2  - Công ty gang thép Thái Nguyên, ngày 31/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến tận nơi để khảo sát, làm việc và bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Đây là dự án đã kéo dài 15 năm chưa hoàn thành, gây lãng phí nguồn lực rất lớn cho Nhà nước và doanh nghiệp, gây bức xúc cho cử tri và nhân dân, được đánh giá là thuộc diện phức tạp, khó xử lý nhất trong số 5 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành công thương.

Theo các báo cáo, vướng mắc chính của dự án liên quan tới tranh chấp giữa chủ đầu tư (Tisco) và nhà thầu về hợp đồng EPC (hợp đồng nhà thầu trọn gói).

Trực tiếp đến khảo sát hiện trường, Thủ tướng bày tỏ sự "xót ruột" và "sốt ruột" khi chứng kiến nhiều hạng mục của dự án bị bỏ hoang, nhiều vật tư, thiết bị đã hư hỏng, gỉ sét, nằm phủ bạt ngoài trời nhiều năm nay.

Theo yêu cầu của Thủ tướng, các cơ quan chức năng và các đơn vị liên quan cần tập trung xử lý dứt điểm việc này trong năm nay, trước mắt phải xây dựng kế hoạch rất cụ thể, chi tiết báo cáo Ban Cán sự Đảng Chính phủ trước ngày 15/8 tới.


Mai Chi/dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/kinh-doanh/gang-thep-thai-nguyen-chon-bao-nhieu-von-tai-sieu-du-an-hoen-gi-15-nam-20220807205548306.htm

  • Từ khóa