Đạo hiếu trong ngày tết rằm tháng 7 của đồng bào các dân tộc Xứ Lạng

Thứ 6, 12.08.2022 | 14:40:47
1,078 lượt xem

Rằm tháng 7 âm lịch là một dịp lễ truyền thống lâu đời của đại đa số đồng bào các dân tộc tỉnh Lạng Sơn. Vào ngày này, bà con có nhiều hoạt động ý nghĩa, bổ ích thể hiện đạo hiếu của con cháu đối với ông bà, cha mẹ. Dù phong tục mỗi nơi, mỗi dân tộc khác nhau nhưng tấm lòng hiếu kính với cha mẹ, tổ tiên trong ngày rằm tháng 7 đều hàm chứa những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp.

Hiện nay, tỉnh Lạng Sơn có 7 dân tộc chính gồm: Nùng, Tày, Kinh, Dao, Hoa, Sán chay, H’Mông. Mỗi dân tộc có phong tục, tập quán, đời sống văn hóa, tín ngưỡng riêng nhưng trải qua quá trình chung sống và giao lưu văn hóa, việc báo hiếu mỗi khi đến tháng 7 âm lịch đã dần trở thành thói quen, nét đẹp của nhân dân các dân tộc Xứ Lạng.

Bà con người Nùng, xã Hải Yến, huyện Cao Lộc làm bánh truyền thống trong ngày rằm tháng 7

Năm nào cũng vậy, từ ngày 13/7 âm lịch, gia đình chị Lăng Thị Lê, dân tộc Nùng, thôn Quảng Trung I, xã Quảng Lạc, thành phố Lạng Sơn cũng tất bật làm bánh gai, bánh chuối để cúng rằm và biếu cha mẹ. Theo quan niệm của đồng bào, rằm tháng 7 là dịp để những người con gái đi lấy chồng về báo hiếu, trả nghĩa cha mẹ đẻ, do vậy đây là một trong những nghi lễ rất quan trọng của dân tộc Nùng. Chị Lê cho biết: Với người Nùng chúng tôi, rằm tháng 7 quan trọng lắm, chỉ sau tết Nguyên đán thôi. Năm nào vợ chồng tôi cũng chuẩn bị đôi vịt, chục bánh để về biếu bố mẹ.

Cùng với đồng bào Nùng, dân tộc Dao Lô Gang ở vùng núi cao Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình đều cúng tổ tiên vào các dịp lễ, tết, trong đó có rằm tháng 7 âm lịch. Người Dao lấy ngày 14 (âm lịch) là ngày chính rằm. Tuy nhiên, bà con không ăn rằm vào mỗi ngày 14, mà rải ra cả tháng. Vào ngày chính rằm, con cháu  tụ họp đông đủ, cùng nhau sửa soạn mâm lễ cúng tưởng nhớ tổ tiên đã che chở trong suốt cả năm. Là một trong những hộ người Dao như vậy, ngay từ đầu tháng 7, gia đình anh Triệu Văn Rào, thôn Nà Mò, xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình đã chọn ngày đẹp để sửa soạn bánh, rượu để thắp hương tổ tiên và biếu cha mẹ. Thời điểm này, những gia đình người Dao thường nhờ thầy cúng chọn ngày đẹp làm cỗ để mời anh em, họ hàng ăn rằm, đây cũng là dịp cả gia đình sum họp, con cái thu xếp công việc về thăm cha mẹ. Anh Rào cho biết: Người Dao chúng tôi bắt đầu ăn rằm tháng 7 từ ngày mùng 1 đến ngày 30/7 (âm lịch), tùy từng gia đình sẽ ăn rằm vào những ngày khác nhau.

Đó chỉ là hai trong số rất nhiều gia đình trên địa bàn tỉnh năm nay tổ chức đón rằm tháng 7 âm lịch. Tết Rằm tháng 7 của các dân tộc ở Lạng Sơn được tổ chức khá chu đáo. Đối với người Tày, Nùng rằm tháng 7 còn là dịp tổ chức lễ “Pây tái” (sang nhà ngoại). Theo đó, con gái, con rể, các cháu ngoại thường gánh đồ lễ, trong đó không thể thiếu đôi vịt béo, thể hiện lòng hiếu thảo, biết ơn cha mẹ, ông bà, tổ tiên bên ngoại. Cũng như người Tày, Nùng, người Sán Chỉ cũng coi rằm tháng 7 là ngày lễ lớn thứ 2 sau Tết Nguyên đán. Dịp này họ thường làm bánh gai dâng lên thắp hương tổ tiên trước, sau đó các thành viên trong gia đình mới được thưởng thức. Cùng có ý nghĩa chung là thờ cúng tổ tiên, gia đình, dòng họ sum họp… nhưng đối với mỗi dân tộc, cách thức tổ chức các nghi lễ, tín ngưỡng lại có sự khác biệt.

Rằm tháng 7 cũng là thời điểm diễn ra đại lễ Vu Lan, đây là một trong những lễ lớn của Phật giáo. Được biết, hiện nay toàn tỉnh có 22 ngôi chùa lớn, nhỏ phân bố tại 11 huyện, thành phố với hơn 30.000 phật tử. Thời điểm từ ngày 1 đến hết ngày 15 tháng 7 âm lịch hằng năm, đại lễ Vu Lan tại các chùa thường được tổ chức rất trang trọng với nhiều hoạt động thiết thực.

Thượng tọa Thích Quảng Truyền, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh cho biết: Chương trình đại lễ Vu lan báo hiếu năm nay được chúng tôi tổ chức với các nghi thức: chiêu hồn, tiếp linh, triệu linh, cúng Phật, nghi lễ bông hồng cài áo… Trong đó, phần nghi lễ bông hồng cài áo được chuẩn bị chu đáo với 3 màu hoa là đỏ, hồng, trắng. Tại buổi lễ, ai còn cha mẹ sẽ được cài lên ngực áo một đóa hoa hồng đỏ thắm. Ai mất cha hoặc mẹ thì nhè nhẹ cài lên ngực mình đóa hồng nhạt, ai mất cả hai đấng sinh thành thì cài lên ngực mình hoa trắng. Qua đây, nhắc nhở tâm tưởng mỗi người tình cảm hiếu lễ, lòng biết ơn hướng về cha mẹ.

Để bảo tồn và phát huy những phong tục, tập quán tốt đẹp của nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh, ông Phan Văn Hòa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Hằng năm, ngành tuyên truyền đến các tầng lớp Nhân dân cũng như đề nghị các đơn vị trực thuộc và phòng văn hóa – thông tin các huyện, thành phố tích cực bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa các dân tộc gắn với việc thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh tại cơ sở, trong đó có các phong tục, tập quán thể hiện đạo hiếu tốt đẹp vào dịp rằm tháng 7.

Có thể thấy, đạo hiếu luôn được đề cao, là cội nguồn văn hóa của mỗi dân tộc. Dù là dân tộc nào, việc giữ gìn nét văn hóa truyền thống này luôn được coi trọng.


TUYẾT MAI - HOÀNG HIẾU/baolangson.vn

https://baolangson.vn/van-hoa/519732-dao-hieu-trong-ngay-tet-ram-thang-7-cua-dong-bao-cac-dan-toc-xu-lang.html

  • Từ khóa