Tạo động lực mới từ pháp lý, tránh nguy cơ tụt hậu trong lĩnh vực dầu khí

Thứ 3, 16.08.2022 | 08:45:42
734 lượt xem

Những vướng mắc về cơ chế, chính sách đã gây khó khăn cho hoạt động đầu tư tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí trong những năm gần đây. Các doanh nghiệp, chuyên gia, nhà đầu tư đang kỳ vọng rằng Luật Dầu khí (sửa đổi) thực sự khắc phục được bất cập, tạo bước đột phá, góp phần thu hút đầu tư, phát huy được nguồn lực nội tại, tránh nguy cơ bị tụt hậu so với ngành dầu khí thế giới, khai thác hiệu quả tài nguyên quốc gia, đóng góp cho sự phát triển bền vững đất nước.

6 năm chỉ có 2 dự án mới

Theo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam), do những vướng mắc của các quy định hiện hành trong Luật Dầu khí (1993) và các luật có liên quan đến các dự án, công trình dầu khí như Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Xây dựng; Luật Đấu thầu; Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp... mà giai đoạn từ năm 2016 đến nay, ngành dầu khí chỉ có 2 dự án mới về tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí. Đây là điều đáng lo bởi giai đoạn 5 năm trước đó, ngành dầu khí có 27 dự án tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí được triển khai.

Hiện nay, những mỏ dầu khí gần bờ đang ngày càng giảm sản lượng, muốn tìm kiếm, thăm dò các mỏ dầu khí mới trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam thì cần phải đến các vùng nước sâu, xa bờ hơn, chi phí cao hơn. Trong khi đó, những quy định hiện hành khá gò bó, kém hấp dẫn khiến nhà đầu tư không mặn mà với việc triển khai các dự án tìm kiếm, thăm dò dầu khí mới tại vùng biển chủ quyền của Việt Nam. Nếu tình thế này không sớm được tháo gỡ bằng động lực pháp lý, thể chế thì nguy cơ trong tương lai gần ngành dầu khí Việt Nam không còn mỏ để khai thác là khá hiện hữu. Do đó, dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) được coi là niềm hy vọng của ngành dầu khí Việt Nam.

Tạo động lực mới từ pháp lý, tránh nguy cơ tụt hậu trong lĩnh vực dầu khí
Các công trình dầu khí như cột mốc chủ quyền trên biển của Việt Nam. Ảnh: ANH SƠN 

Đến nay, dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) đã nhiều lần được góp ý, bổ sung, chỉnh lý, đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ ba vừa qua và đang đi đến giai đoạn hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét thông qua vào kỳ họp thứ tư vào cuối năm nay. Cho đến nay, dự án luật vẫn còn những vấn đề cần tiếp tục được nghiên cứu, bổ sung, chỉnh lý để thực sự tháo gỡ khó khăn, mang lại động lực cho ngành dầu khí.

Phải phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của Petrovietnam

Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) đã phân định chức năng, nhiệm vụ của Petrovietnam có 2 vai trò: Vai trò thứ nhất là nhà thầu dầu khí, vai trò thứ hai là thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động dầu khí theo ủy quyền của Chính phủ. Nhiều chuyên gia khẳng định, việc phân định và quy định rõ vai trò của Petrovietnam là cần thiết và phản ánh đúng thực tế vị trí và vai trò mà Petrovietnam đảm nhận trong quá trình triển khai và thực hiện hoạt động dầu khí trong nhiều năm qua (bao gồm thời gian trước khi Luật Dầu khí năm 1993 được ban hành).

Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng: “Petrovietnam đại diện vai trò của Nhà nước để thực hiện pháp luật dầu khí, đây là hoạt động do Chính phủ ủy quyền, hoạt động này phục vụ cho hoạt động dầu khí chứ không phải phục vụ cho Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam”. Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Việt Sơn, Vụ trưởng Vụ Dầu khí và Than (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ Công Thương đã cân nhắc kỹ và thể hiện rõ quyền và nghĩa vụ của Petrovietnam (trong vai trò thực hiện chức năng quản lý nhà nước-PV) chỉ liên quan đến thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ giao, chứ không phải thực hiện các nhiệm vụ chung. Còn trong vai trò nhà thầu, Petrovietnam hoàn toàn bình đẳng so với các nhà đầu tư khác.

Một vấn đề liên quan khác cũng rất quan trọng, đó là quy định việc phê duyệt hợp đồng dầu khí. Theo đó, hợp đồng dầu khí là loại hợp đồng đặc biệt, nhằm khai thác nguồn tài nguyên thuộc sở hữu toàn dân mà Chính phủ là đại diện chủ sở hữu, Petrovietnam chỉ thay mặt đại diện chủ sở hữu để ký hợp đồng và thực hiện một số công việc quản lý nhà nước đối với hoạt động dầu khí theo ủy quyền của Chính phủ. Do vậy, Petrovietnam chỉ có thể ký hợp đồng sau khi được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương phê duyệt nội dung hợp đồng. Việc phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ đối với các nội dung của hợp đồng dầu khí được coi là thay thế cho quyết định chủ trương đầu tư.

Cần thêm chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư nước ngoài

Theo đánh giá của TS Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, các chính sách ưu đãi đối với hoạt động dầu khí trong dự thảo luật hiện nay chỉ dừng lại ở thiết kế mức ưu đãi hơn về thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế suất thuế xuất khẩu. Thực tế còn nhiều những chính sách ưu đãi khác có thể nghiên cứu để xem xét nhằm đa dạng hóa các chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư nước ngoài như cơ chế giảm trừ chi phí khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp; hay giảm trừ thuế dựa trên chi phí... những chính sách này thúc đẩy các nhà đầu tư đầu tư vào một số những hoạt động mà nước chủ nhà mong muốn.

Trong quá trình triển khai thực hiện về căn cứ xác định thuế thu nhập doanh nghiệp phù hợp đặc thù của dự án dầu khí còn gặp nhiều vướng mắc. Các chuyên gia cho rằng, trong dự thảo luật cần có thêm định nghĩa cụ thể về chi phí hoạt động dầu khí-là tất cả chi tiêu do nhà thầu thực hiện và gánh chịu theo chương trình công tác và ngân sách đã được phê duyệt để tiến hành hoạt động dầu khí, được xác định và được phép thu hồi phù hợp với các quy định của hợp đồng dầu khí.

Dự thảo luật quy định về xử lý chi phí còn lại chưa được thu hồi của dự án dầu khí đến thời điểm kết thúc hợp đồng. Đây cũng được xem là một trong những chi phí rủi ro của hoạt động dầu khí, tương tự chi phí tìm kiếm thăm dò của dự án tìm kiếm thăm dò dầu khí không thành công. Tuy vấn đề này đã được quy định tại Quy chế tài chính của Petrovietnam, song, việc đưa vào luật là cần thiết nhằm luật hóa quy định này tránh việc chồng chéo, không rõ ràng trong quá trình thực hiện, bảo đảm đồng bộ với Luật Ngân sách nhà nước và các luật khác có liên quan.

Ngoài ra, để tạo điều kiện cho phía nhà thầu có cơ hội nghiên cứu trước những yêu cầu của nước chủ nhà một cách rõ ràng ngay từ đầu và rút ngắn được thời gian đàm phán, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho môi trường đầu tư, việc ban hành hợp đồng mẫu của hợp đồng chia sản phẩm dầu khí cũng là một nội dung cần thiết để làm cơ sở cho việc đàm phán hợp đồng. Về phía nước chủ nhà cũng đồng thời tiết kiệm được thời gian thẩm định và phê duyệt, bảo đảm được tính cạnh tranh và minh bạch trong quá trình lựa chọn nhà thầu do có thể đưa về một mặt bằng chung để đánh giá và lựa chọn.

Một điểm đáng lưu ý khác là dự thảo luật hiện đang quy định ngôn ngữ sử dụng trong hợp đồng là tiếng Việt trong trường hợp tại thời điểm ký hợp đồng nhà thầu được lựa chọn là nhà thầu Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, rất cần thiết có bản hợp đồng dầu khí bằng tiếng Anh, nếu không đây sẽ là một điểm rất khó khăn, lo ngại với nhà đầu tư nước ngoài.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Minh, đại diện Công ty Eni Việt Nam nhận định, nhà đầu tư nước ngoài muốn có 2 ngôn ngữ khi ký kết hợp đồng dầu khí. Có thể hợp đồng dầu khí giữa 2 công ty Việt Nam ký kết với nhau là ngôn ngữ Việt Nam nhưng đến khi công ty nước ngoài muốn tham gia vào, lúc đó phải chỉnh sửa lại rất khó khăn. Còn nếu công ty nước ngoài muốn tham gia vào hợp đồng dầu khí mà hợp đồng chỉ có ngôn ngữ tiếng Việt, hoặc được dịch sang tiếng Anh mà không được các bên ký thì đối tác rất lo ngại.

Theo TS Nguyễn Quốc Thập, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam, quy định bổ sung bản hợp đồng dầu khí bằng tiếng Anh sẽ phù hợp với đặc điểm của lĩnh vực hoạt động dầu khí mang tính quốc tế cao, tạo điều kiện cho các nhà thầu dầu khí tiềm năng tiếp cận với hợp đồng dầu khí trong trường hợp các nhà thầu này mong muốn nhận chuyển nhượng quyền lợi tham gia tại các hợp đồng dầu khí hiện hữu.

Vướng mắc về sự chồng chéo giữa các luật

Bên cạnh việc đề xuất bổ sung thêm các chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư vào ngành dầu khí cho phù hợp với tình hình mới, mong muốn lớn nhất của những doanh nghiệp, nhà đầu tư hoạt động trong lĩnh vực dầu khí là tháo gỡ vướng mắc về sự chồng chéo, bất cập giữa Luật Dầu khí với các luật khác như Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Quản lý và sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (gọi tắt là Luật QLVNN), Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công....

Một ví dụ cụ thể, đến nay, trong dự thảo luật, xung đột giữa Luật Dầu khí với Luật QLVNN trong quy định về chuyển nhượng quyền lợi tham gia, quyền và nghĩa vụ của nhà thầu trong hợp đồng dầu khí vẫn chưa được giải quyết triệt để. Theo quy định của Luật QLVNN, khi chuyển nhượng quyền lợi tham gia, đồng thời với việc tổ chức chào thầu cạnh tranh, Petrovietnam phải mời tổ chức độc lập đánh giá xác định giá trị khởi điểm của tài sản, dự án dầu khí đó. Việc này được đánh giá là không khả thi vì không có tổ chức tư vấn Việt Nam nào có thể thực hiện được, dẫn đến tình trạng một số dự án bị chậm tiến độ nhiều năm so với kế hoạch ban đầu.

Vì vậy, cần thiết có quy định Petrovietnam sẽ là đơn vị trực tiếp lập phương án chuyển nhượng và báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét, phê duyệt trước khi thực hiện. Thực tế, trong trường hợp không quy định nội dung trên vào Luật Dầu khí (vì liên quan đến tài sản dầu khí) mà lựa chọn quy định vào Luật QLVNN, vẫn cần có quy định riêng cho các tài sản dầu khí. Ngoài ra, việc chuyển nhượng dự án, tài sản dầu khí này sẽ áp dụng chung cho Petrovietnam và doanh nghiệp 100% vốn của Petrovietnam, nên trong trường hợp đưa vào Luật QLVNN sẽ phải quy định cho cả đối tượng là doanh nghiệp 100% vốn của Petrovietnam (hiện không phải là đối tượng áp dụng của Luật QLVNN).

Sự phát triển của ngành dầu khí Việt Nam, đặc biệt là lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí không chỉ liên quan đến vấn đề phát triển kinh tế mà còn là một yêu cầu quan trọng để góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền của Việt Nam trên biển. Do đó, hy vọng các vướng mắc về cơ chế, chính sách sẽ kịp thời được nhìn nhận và tháo gỡ, tạo điều kiện để ngành dầu khí tiếp tục khai thác hiệu quả tài nguyên quốc gia, đóng góp cho sự phát triển bền vững của đất nước.


Quỳnh Dương/qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/tao-dong-luc-moi-tu-phap-ly-tranh-nguy-co-tut-hau-trong-linh-vuc-dau-khi-702842

  • Từ khóa