Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chủ động các phương án ứng phó với mùa mưa bão

Thứ 4, 17.08.2022 | 14:54:06
655 lượt xem

Lạng Sơn là tỉnh miền núi, biên giới, địa hình khá phức tạp, với nhiều đồi núi dốc. Hằng năm, địa bàn chịu ảnh hưởng của gió lốc, mưa, lũ, sạt lở đất, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân. Cùng với nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, cán bộ, chiến sĩ cơ quan quân sự các cấp trên địa bàn tỉnh luôn là lực lượng nòng cốt tham gia phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn (PCLB – TKCN), khắc phục hậu quả, giảm nhẹ thiên tai.

Theo thống kê của Ban Chỉ huy PCLB – TKCN tỉnh, mỗi năm, Lạng Sơn chịu ảnh hưởng trực tiếp từ 3 – 5 trận bão (áp thấp nhiệt đới). Do địa hình rừng núi, khi mưa to thường xảy ra lũ ống, lũ quét cục bộ, bất ngờ trên các sông, suối và sạt lở đất, đá gây thiệt hại về tài sản của Nhà nước và Nhân dân. Trong năm 2020, thiệt hại do thiên tai gây ra khoảng 67 tỷ đồng; năm 2021 khoảng 10 tỷ 700 triệu đồng; 6 tháng đầu năm 2022, tổng thiệt hại ước tính khoảng 677 tỷ đồng.

Cán bộ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chuẩn bị phương tiện phục vụ công tác phòng, chống lụt bão – tìm kiếm cứu nạn

Thực hiện công văn chỉ đạo của Bộ Tham mưu Quân khu 1 và UBND tỉnh về công tác PCLB – TKCN, giảm nhẹ thiên tai năm 2022, ngày 1/3/2022, Bộ CHQS tỉnh đã ban hành kế hoạch tổ chức hiệp đồng thực hiện nhiệm vụ PCLB – TKCN trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn năm 2022. Đồng thời, cơ quan quân sự các cấp trên địa bàn tỉnh đã tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp về công tác PCLB – TKCN; xây dựng các phương án, kế hoạch phòng, chống lụt bão, ứng phó với thiên tai và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn theo phương châm “4 tại chỗ”.

Thượng tá Nguyễn Vũ Khiêm, Trưởng Ban Tác huấn, Phòng Tham mưu, Bộ CHQS tỉnh cho biết: Là cơ quan thường trực trong công tác PCLB – TKCN, Bộ CHQS tỉnh đã hiệp đồng chặt chẽ với các sở, ban, ngành chức năng, các đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn tỉnh thống nhất phương án, nhiệm vụ, hành động, sử dụng lực lượng, phương tiện của các cơ quan, đơn vị trong PCLB – TKCN, giảm nhẹ thiên tai khi có tình huống xảy ra, đảm bảo xử trí kịp thời, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước và Nhân dân.

Ngay từ đầu năm 2022, Bộ CHQS tỉnh đã ban hành quyết định thành lập 5 tổ lái xuồng cơ động, sẵn sàng làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra trên địa bàn tỉnh. Tổ chức tập huấn nghiệp vụ lái xuồng, TKCN năm 2022 cho 131 đồng chí thuộc lực lượng lái xuồng cao tốc và lực lượng kiêm nhiệm sử dụng thành thạo các phương tiện, trang thiết bị PCLB – TKCN. Đặc biệt, Bộ CHQS tỉnh đã xây dựng và ban hành kế hoạch chi tiết về công tác chuẩn bị người và phương tiện tham gia PCLB – TKCN đảm bảo chặt chẽ. Trong đó, sẵn sàng huy động khoảng 2.235 cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng bộ đội thường trực và dân quân tự vệ. Đồng thời, đã chuẩn bị 34 xuồng các loại, 154 nhà bạt, 1.129 phao cứu sinh, 1.698 áo phao, 7 máy phát điện, 3 máy bơm nước và các trang thiết bị khác đảm bảo phục vụ công tác PCLB – TKCN.

Từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã chịu ảnh hưởng của các dạng hình thái thiên tai. Đặc biệt, từ ngày 10 – 12/5/2022,  có mưa lớn trên diện rộng gây lũ, ngập úng và sạt lở đất trên địa bàn các huyện, thành phố. Ngay sau khi thiên tai xảy ra, Bộ CHQS tỉnh đã chỉ đạo, huy động phương tiện, lực lượng bộ đội, dân quân tự vệ hỗ trợ Nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai. Các cơ quan, đơn vị đã huy động 1.165 cán bộ, chiến sĩ; 6 xuồng siêu nhẹ; 12 bè mảng; 250 phao cưu sinh; 300 áo pháo và 1 máy xúc. Qua đó, các lực lượng đã phối hợp tham gia ứng cứu, sơ tán được 44 hộ, 109 người dân đến nơi an toàn, cứu vớt được 120 vật nuôi các loại và khắc phục hậu quả sạt lở được khoảng 85 m3 đất, đá, giúp Nhân dân ổ định cuộc sống.

Cụ thể, tại thành phố Lạng Sơn là trung tâm của tỉnh Lạng Sơn. Đây là địa bàn có các dòng suối nhỏ, chảy dọc theo quốc lộ 1A cũ, từ xã Quảng Lạc về thành phố và có suối Lao Ly chảy qua đường Bắc Sơn đổ về sông Kỳ Cùng. Nhất là hệ thống sông Kỳ Cùng với chiều dài khoảng 15 km, chảy qua trung tâm thành phố, khi mưa to nước thượng nguồn tràn về dễ gây ra lũ lụt, ngập ứng cục bộ một số vùng thấp. Thượng tá Nguyễn Văn Quyền, Chỉ huy trưởng Ban CHQS thành phố cho biết: Thực biện công tác PCLB – TKCN, giảm nhẹ thiên tai năm 2022, căn cứ vào đặc điểm địa bàn, rút kinh nghiệm qua các năm, cơ quan quân sự thành phố đã xây dựng kế hoạch, tham mưu cho UBND thành phố chỉ đạo thực hiện, chuẩn bị tốt các điều kiện về cơ sở vật chất, con người cho công tác PCLB – TKCN.

Để công tác PCLB – TKCN không bị động, bất ngờ, cơ quan quân sự các cấp trên địa bàn thành phố đã thống kê các tuyến đường, khu phố dễ xảy ra ngập úng. Trên cơ sở đó, Ban Chỉ huy PCLB – TKCN thành phố, các xã, phường xây dựng kế hoạch, tăng cường công tác tuyên truyền, biện pháp phòng ngừa trước mùa mưa bão. Với phương châm 4 tại chỗ, Ban Chỉ huy PCLB – TKCN thành phố đã thông qua các phương án, phân công cụ thể nhiệm vụ cho từng cơ quan, đơn vị lấy lực lượng bộ đội thường trực, công an, dân quân, bảo vệ dân phố, thanh niên làm nòng cốt trong công tác PCLB – TKCN khi có tình huống xảy ra.

Cùng với đó, Bộ CHQS tỉnh chỉ đạo duy trì, thực hiện nghiêm chế độ trực chỉ huy, trực ban, lực lượng, phương tiện trực ứng phó PCLB-TKCN theo đúng quy định; thường xuyên theo dõi, nắm chắc tình hình các vị trí trọng yếu trên địa bàn tỉnh; theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết để chủ động các biện pháp ứng phó, sẵn sàng cơ động thực hiện nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác ứng phó PCLB – TKCN  cho cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân”.

Với tinh thần chủ động, kịp thời, tin rằng công tác PCLB – TKCN của Bộ CHQS tỉnh sẽ đáp ứng kịp thời yêu cầu, nhiệm vụ và là lực lượng nòng cốt, chỗ dựa vững chắc của Nhân dân trong phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai mùa mưa bão.


Theo baolangson.vn

https://baolangson.vn/an-ninh-quoc-phong/520690-bo-chi-huy-quan-su-tinh-chu-dong-cac-phuong-an-ung-pho-voi-mua-mua-bao.html

  • Từ khóa