Việt Nam tăng 2 bậc xếp hạng chỉ số phát triển Chính phủ điện tử năm 2020

Thứ 5, 27.08.2020 | 09:55:45
506 lượt xem

Đó là thông tin được đưa ra tại hội nghị trực tuyến của Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử (CPĐT) với các ban chỉ đạo xây dựng CPĐT, chính quyền điện tử (CQĐT) bộ, ngành, địa phương diễn ra chiều nay (26/8) tại Hà Nội. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về CPĐT chủ trì hội nghị.

Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia về CPĐT.


Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn

Tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn, dự hội nghị có đồng chí Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các thành viên Ban Chỉ đạo CQĐT tỉnh và lãnh đạo một số sở, ban, ngành, doanh nghiệp.

Hội nghị đã đánh giá tình hình phát triển CPĐT và một số cách nghĩ, cách làm mới để thúc đẩy phát triển Chính phủ số.

Theo đó, về kết quả xếp hạng CPĐT năm 2020, Việt Nam tăng 2 bậc, xếp hạng thứ 86/193 quốc gia, 24/47 châu Á và 6/11 Đông Nam Á.

Chỉ số tổng hợp của Việt Nam là 0,6667, cao hơn chỉ số trung bình thế giới và khu vực, thuộc nhóm quốc gia ở mức cao. Trong đó, Việt Nam có cải thiện vượt bậc ở chỉ số Hạ tầng viễn thông (tăng 31 bậc), cải thiện ở chỉ số Nhân lực (tăng 3 bậc). Ngoài ra, Việt Nam được đánh giá cao ở những nỗ lực của ngành thuế khi thực hiện kê khai thuế điện tử, thanh toán điện tử và hải quan điện tử.

Bên cạnh đó, thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 7/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển CPĐT giai đoạn 2019 – 2020, định hướng đến năm 2025, các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện hoàn thành dứt điểm 62/76 nhiệm vụ có thời hạn cụ thể.

Theo đó, tính đến hết tháng 7 năm 2020, 100% các bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 96% quận, huyện, thị xã đã được kết nối Mạng truyền số liệu chuyên dùng; 21 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 55 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP), đạt tỷ lệ 82,61%.

Tỷ lệ trao đổi văn bản dưới dạng điện tử trên toàn quốc đạt 88,53%; Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 4 trung bình cả nước đạt khoảng 15,91%. Có 9 bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 11 tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ DVCTT mức độ 4 trên 30%, trong đó, Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông đạt 100%; 44% bộ, ngành, địa phương đã triển khai bảo vệ 4 lớp, trong đó đã triển khai bảo vệ lớp 2 (SOC) được 49%.

Năm 2020, Chính phủ đề ra chỉ tiêu phấn đấu đạt trên 30% DVCTT mức độ 4; tăng từ 50% lên 100% tỷ lệ cơ quan nhà nước công khai mức độ hài lòng của người dân khi sử dụng DVCTT; 100% bộ, ngành, địa phương có nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu kết nối với nền tảng, tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia và có trung tâm giám sát, điều hành an toàn an ninh mạng.

Tại hội nghị, các đại biểu  chia sẻ kinh nghiệm, cách làm để đẩy nhanh chỉ tiêu cung cấp dịch vụ công mức độ 4, thúc đẩy chuyển đổi số, cải thiện mức độ ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển CPĐT; tiến độ và cam kết kế hoạch triển khai cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai quốc gia…

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Năm 2020 là năm khởi đầu của thập kỷ, trong đó, Chính phủ số được xác định là giải pháp quan trọng nhằm cụ thể hóa mục tiêu phát triển bền vững đặt ra đến năm 2030.

Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai xây dựng CPĐT, nâng cao chỉ số phát triển CPĐT của Việt Nam theo đánh giá của Liên Hợp Quốc; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục đào tạo, y tế; quan tâm đầu tư an toàn an ninh mạng; tập trung hoàn thiện dự thảo Chiến lược phát triển Chính phủ số giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030; triển khai các giải pháp đẩy mạnh thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

 Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, ngành địa phương tiếp tục đẩy nhanh tiến độ cung cấp DVCTT mức độ 4 và tích hợp lên cổng DVCQG, hướng tới cung cấp 100% DVCTT mức độ cao ngay trong năm 2021.

Tỉnh Lạng Sơn đã triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ về việc xây dựng CQĐT, từng bước thiết lập một hệ thống công nghệ thông tin theo hướng tổng thể, đồng bộ, thống nhất sử dụng chung trên toàn tỉnh.

Nhờ đó, năm 2019, Lạng Sơn xếp hạng thứ 26 về chỉ số đánh giá tổng thể mức độ ứng dụng công nghệ thông tin của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Hiện nay, toàn tỉnh có 100% cơ quan nhà nước xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng qua hệ thống quản lý văn bản và điều hành. Lạng Sơn là một trong 11 tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ DVCTT mức độ 4 trên 30 % (593 DVCTT, đạt 33,11%). Lạng Sơn còn triển khai xây dựng nhiều cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác. Đặc biệt, Lạng Sơn luôn nằm trong 10 tỉnh, thành phố có tỷ lệ điện thoại thông minh cài ứng dụng bluezone cao nhất (đến ngày 25/8/2020 đạt tỷ lệ 28,22%, đứng thứ 8/63 tỉnh, thành phố)…


HOÀNG HIẾU – THÙY DUNG/baolangson

http://baolangson.vn/chinh-tri/307631-viet-nam-tang-2-bac-xep-hang-chi-so-phat-trien-chinh-phu-dien-tu-nam-2020.html

  • Từ khóa