Từ việc ông Phạm Phú Quốc có hai quốc tịch: Cần tăng cường cơ chế giám sát

Thứ 6, 28.08.2020 | 08:58:00
566 lượt xem

Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm VP Quốc hội cho rằng, cần tăng cường cơ chế giám sát từ việc ông Phạm Phú Quốc có hai quốc tịch.

Chỉ cần bỏ ra 2,5 triệu USD (gần 60 tỷ VNĐ), hàng chục chính trị gia với khối tài sản kếch xù đáng ngờ trên khắp thế giới đã mua hộ chiếu CH Síp – thành viên khối EU. Điều tra này vừa được đài Al Jazeera là một kênh truyền thông lớn, có sức ảnh hưởng ở Trung Đông công bố, lập tức gây sự chú ý đặc biệt của dư luận. 

Danh sách này có các quan chức, tỷ phú ở một số nước, trong đó có tên ông Phạm Phú Quốc, Đại biểu Quốc hội khóa XIV - Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM. Liệu có gì bất thường trong câu chuyện này. Một Đại biểu Quốc hội Việt Nam có được phép mang hai quốc tịch hay không? Đang tồn tại những lỗ hổng nào trong công tác quản lý cán bộ, nhìn từ sự việc của ông Phạm Phú Quốc. PV VOV có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm VP Quốc hội về vấn đề này.

tu viec ong pham phu quoc co hai quoc tich: can tang cuong co che giam sat hinh 1
Đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc.

PV: Ông suy nghĩ thế nào về tư cách đại biểu Quốc hội của ông Phạm Phú Quốc qua sự việc vừa rồi?

Ông Nguyễn Sĩ Dũng: Quả thật, ông Phạm Phú Quốc đang ở trong một tình thế rất khó khăn và nan giải. Tôi nghĩ trong tình thế như vậy, càng trung thực bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu, không trung thực sẽ mất uy tín. Đối với một đại biểu quốc hội, uy tín có giá trị cao nhất. Bởi anh là người được nhân dân ủy quyền. Khi tổn hại xảy ra rồi thì chẳng có cách gì cứu vãn được cả. Nhưng sự tổn hại sẽ được giảm thiểu nếu anh trung thực.

PV: Ông Phạm Phú Quốc chia sẻ việc nhập quốc tịch CH Síp để tiện đi lại, chăm sóc gia đình. Lời giải thích này liệu có thuyết phục được hay không?

Ông Nguyễn Sĩ Dũng: Về tính toán cá nhân, có lẽ không thể nói thay ông Quốc được. Nhưng ông Quốc hoàn toàn biết được có 1 đại biểu Quốc hội bị miễn nhiệm vì có quốc tịch khác. Như vậy, anh là đại biểu Quốc hội thì không thể không biết điều đó. 

PV: Theo quy định của pháp luật hiện nay, một đại biểu Quốc hội có được mang hai quốc tịch không, thưa ông?

Ông Nguyễn Sĩ Dũng: Tôi đã nghiên cứu về luật liên quan vấn đề này, thì không có quy định rõ ràng nào cho đại biểu Quốc hội phải có 1 quốc tịch hay 2 quốc tịch. Nhưng tiền lệ thì đã có, Quốc hội đã miễn nhiệm 1 đại biểu vì có 2 quốc tịch mà không khai báo.

Vấn đề không chỉ là pháp lý, vấn đề còn là uy tín. Liệu một công dân Việt Nam có sẵn sàng ủy quyền cho một công dân Síp đại diện cho mình ở Quốc hội không? Rõ ràng không ổn đối với các cử tri, về mặt đạo lý là không được. Anh có thể tính toán cá nhân của anh thế nào đó, nhưng khi anh đang làm đại biểu Quốc hội thì anh bị ràng buộc về mặt pháp lý, về mặt đạo đức và về mặt chính trị.

PV: Như vậy ông Phạm Phú Quốc chưa chủ động thông tin về việc có thêm quốc tịch CH Síp kể từ năm 2018. Ông có bình luận gì về trách nhiệm của ông Phạm Phú Quốc và các cơ quan liên đới?

Ông Nguyễn Sĩ Dũng: Trách nhiệm của ông Phạm Phú Quốc đã rõ. Anh biết Quốc hội và cử tri không chấp nhận và báo cáo thì không được chấp nhận. Trách nhiệm của đoàn đại biểu TP HCM và Mặt trận như thế nào? Thú thật là nếu Al Jazeera không tung lên sóng, thì mình cũng không biết. Trách nhiệm của các cơ quan liên đới cũng có, nhưng đặt nặng thì rất khó. Vì các cơ quan đó không phải cơ quan điều tra, hay có nghiệp vụ để điều tra ra việc này. Theo tôi, trách nhiệm chính là trách nhiệm của cá nhân. 

PV: Liệu việc này đã cho thấy những lỗ hổng trong việc quản lý, giám sát cán bộ Đảng viên?

Ông Nguyễn Sĩ Dũng: Quả là như vậy, giám sát tốt nhất là đạo đức giám sát. Còn pháp luật, công an, thanh tra kiểm tra cùng lắm là ngày giám sát 8 tiếng mà chưa chắc đã phát hiện ra được. Ta phải phát huy rất nhiều công cụ giám sát, trong đó đạo đức là quan trọng.

Ta cũng cần phát huy cơ chế giám sát của báo chí, của dư luận xã hội. Nếu phát huy được nhiều cơ chế, nhiều công cụ thì tốt hơn.

PV: Theo ông, đâu là những việc cần làm ngay để chấn chỉnh tình trạng buông lỏng kiểm tra giám sát cán bộ?

Ông Nguyễn Sĩ Dũng: Tôi nghĩ bắt đầu từ việc lựa chọn đại biểu Quốc hội hoặc quan chức. Bây giờ phải có những công cụ đo đếm, định tính chứ không phải định lượng. Cần công cụ đo đếm được hành vi. Chẳng hạn như nếu nói anh trung thành, thì phải cho thấy được bao nhiêu lần anh đã làm những điều gì cho đất nước.

Thứ hai là kiểm tra giám sát phải tăng cường. Phải bắt đầu từ việc phát hiện của người dân, của đồng nghiệp. Ta phải làm thế nào để bảo vệ được những người dám tố cáo. Bên cạnh đó là phát huy sự giám sát của báo chí và mạng xã hội.

PV: Vâng xin cảm ơn ông./.


PV/VOV.VN

https://vov.vn/chinh-tri/tu-viec-ong-pham-phu-quoc-co-hai-quoc-tich-can-tang-cuong-co-che-giam-sat-1088766.vov

  • Từ khóa