Người trẻ thực tài, sao không mạnh dạn bổ nhiệm?

Thứ 6, 20.11.2020 | 16:00:57
479 lượt xem

Nếu họ có tài năng vượt trội, có khả năng làm thay đổi cơ quan, đơn vị, góp phần vào việc hoạch định chính sách thì sao không mạnh dạn sử dụng họ, trao quyền cho họ?

Sau đại hội đảng các cấp, trên toàn quốc, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục sắp xếp và kiện toàn đội ngũ lãnh đạo. Đã có nhiều cuộc luân chuyển, bổ nhiệm, cất nhắc và trong số đó, nhiều kỷ lục đã bị phá vỡ. Nếu như ở Đại hội Đảng trực thuộc Trung ương, Bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất được xác định là ông Lê Quốc Phong, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp 42 tuổi thì mới đây, Bộ Thông tin - Truyền thông đã “mạnh dạn” bổ nhiệm một Thứ trưởng 37 tuổi. Đó là ông Nguyễn Huy Dũng- Thứ trưởng trẻ nhất hiện nay trong Chính phủ.   

Ông Nguyễn Huy Dũng (bên phải) là Thứ trưởng trẻ nhất hiện nay trong Chính phủ 

Ông Nguyễn Huy Dũng (bên phải) là Thứ trưởng trẻ nhất hiện nay trong Chính phủ 

Việc bổ nhiệm tân Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông 37 tuổi - một người được đào tạo bài bản trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, có những sản phẩm thực tiễn góp phần hoạch định chính sách trong thời đại 4.0, được kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá trong công tác cán bộ.

Trẻ hóa cán bộ là xu hướng tất yếu, là đòi hỏi của thực tiễn. Trước những diễn biến nhanh chóng, khó lường, những thách thức truyền thống và phi truyền thống, chúng ta đang cần một đội ngũ cán bộ kế cận vừa có tài năng, vừa có bản lĩnh. Dứt khoát, họ phải được đào tạo bài bản, bắt nhịp nhanh với xu hướng mới.

Không phải ngẫu nhiên, ở nhiệm kỳ 2020-2025, có 27 Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy thuộc thế hệ 7X, chiếm 43% số cán bộ lãnh đạo cao nhất ở các địa phương. Nhiều người được điều động đến công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Đó là môi trường tốt nhất để họ rèn luyện, cống hiến và thể hiện tài năng. Dù không sinh ra và trưởng thành trong thời chiến nhưng Trung ương đã mạnh dạn, tin tưởng họ, trao cho họ cơ hội để rèn luyện trong điều kiện hòa bình mà ở đó, nhiều nhiệm vụ, nhiều thử thách có khi còn khó khăn hơn thời chiến.

Ngay tại diễn đàn Quốc hội vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Người có tài phải được sử dụng, đề bạt”. Người tài không chỉ làm trong khu vực Nhà nước mà có thể trong lĩnh vực kinh tế ngoài Nhà nước nhưng Nhà nước phải tìm cách thu hút nhiều người tài vào quản trị đất nước.

Gần đây, khi góp ý vào Dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Nguyễn Phương Nga nói rằng, các cơ quan Nhà nước cần có chính sách thu hút nhân tài bởi đang có hiện tượng chảy máu chất xám trong các cơ quan của Đảng và chính quyền. Bà Nga thẳng thắn nói rằng: “Đã là cán bộ giỏi thì ở đâu cũng có thể đóng góp, nhưng khi cần nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền của Đảng thì phải có người giỏi, có chính sách khuyến khích, thu hút nhân tài".

Thu hút người tài vào cơ quan Nhà nước, nhất định không thể tuần tự theo kiểu “sống lâu lên lão làng”. Nếu họ có tài năng vượt trội, có khả năng làm thay đổi cơ quan, đơn vị, góp phần vào việc hoạch định chính sách thì sao không mạnh dạn sử dụng họ, trao quyền cho họ?. Thực tế, không ít du học sinh, sau một thời gian được tuyển dụng vào cơ quan Nhà nước đã phải dứt áo ra đi vì những ý tưởng sáng tạo, đột phá của họ không được chấp nhận. Thậm chí, có người còn bị coi là “trứng khôn hơn vịt”. Nếu ở đó không có những người lãnh đạo thật sự đề cao tinh thần “dám nghĩ, dám làm” thì việc dứt áo ra đi của người trẻ, người tài là tất yếu.

Suy đi cũng phải xét lại. Thời gian qua, không ít người trẻ được bổ nhiệm “đúng quy trình” nhưng dư luận vẫn thấy nghi ngại. Nếu người giới thiệu mà tâm không sáng, trí lu mờ thì mọi quy trình cũng chỉ là hình thức. Việc chọn “nhầm” người vẫn diễn ra như thường và hậu quả là những cán bộ trẻ chưa kịp cống hiến đã “kịp” hưởng thụ, lộng quyền, lạm quyền dẫn đến vi phạm kỷ luật đảng, vi phạm pháp luật Nhà nước.

Cũng bởi vậy, khi đề cập công tác cán bộ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nói rằng: Phải làm sao lựa chọn được những cán bộ vừa có phẩm chất đạo đức tốt, trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân, vừa có trí tuệ, tầm nhìn, tư duy chiến lược, có cả đức và tài. Người lãnh đạo cao nhất đất nước cũng nhấn mạnh yếu tố “công tâm, khách quan” khi giới thiệu, bổ nhiệm cán bộ.

Mạnh dạn sử dụng và trao quyền cho người trẻ nếu họ thực tài. Và người giới thiệu thực sự công tâm, khách quan, đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân, lợi ích dòng họ, lợi ích nhóm, thì khi đó, dư luận mới yên tâm về một đội ngũ cán bộ kế cận xứng đáng./.


Giáng Hương/VOV.VN

https://vov.vn/chinh-tri/nguoi-tre-thuc-tai-sao-khong-manh-dan-bo-nhiem-818680.vov

  • Từ khóa