Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm và làm việc tại tỉnh Cà Mau

Thứ 5, 26.11.2020 | 08:31:46
675 lượt xem

Tiếp tục chuyến thăm và làm việc tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, ngày 25/11, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và đoàn công tác của Quốc hội đã đến khảo sát tình hình sạt lở tại xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển.

Chủ tịch Quốc hội cũng thăm tặng quà cho các em học sinh ở ấp Hợp Tác Xã, xã Tân Hưng, huyện Cái Nước; thăm và làm việc với lãnh đạo Cụm khí - điện - đạm Cà Mau, Công ty Cổ phần chế biến và Dịch vụ thủy sản Cà Mau.

Thăm và khảo sát tình hình sạt lở tại xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, trước diễn biến phức tạp do biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, tình hình sạt lở dẫn đến mất rừng phòng hộ xung yếu do chịu tác động bất lợi từ sóng biển và triều cường dâng cao. Do đó, công tác phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển được xem là nhiệm vụ thường xuyên của các cấp, các ngành, đặc biệt là chính quyền địa phương, cùng sự tham gia của tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân. Do đó, tỉnh Cà Mau cần tăng cường công tác thông tin, truyền thông, tập huấn chuyên đề để nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chổng sạt lở bờ sông, bờ biển.

Chủ tịch Quốc hội tặng quà cho học sinh xã Đất Mũi.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, tỉnh cũng cần hỗ trợ, phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng cơ sở dữ liệu liên quan đến sạt lở bờ sông, bờ biển thuộc phạm vi của tỉnh. Bên cạnh đó, tăng cường quản lý chặt chẽ các hoạt động ven sông, ven biển có nguy cơ làm tăng rủi ro về sạt lở đất. Hiện đại hóa công tác quan trắc, tiếp tục xây dựng các công trình phòng, chống, khắc phục sạt lở; nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, vật liệu mới phù hợp với điều kiên cụ thể của từng khu vực; huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực cho công tác phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển.

Tại xã Đất Mũi, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã dâng hương Quốc tổ tại Đền thờ Lạc Long Quân, trao học bổng cho học sinh nghèo khó khăn xã Đất Mũi.

Cũng trong sáng nay, Chủ tịch Quốc hội thăm và tặng quà, trao học bổng cho học sinh là con em các hộ nghèo tại địa phương; đại diện một số doanh nghiệp đã trao biểu trưng xây 20 căn nhà đại đoàn kết cho tỉnh Cà Mau; trao máy tính, quỹ học bổng. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ mong muốn thầy và trò các trường học ở đây nỗ lực, cố gắng vượt qua khó khăn để hoàn thành tốt việc dạy và học.

Chủ tịch Quốc hội thăm Cụm khí điện đạm Cà Mau.

Thăm và làm việc với lãnh đạo Cụm khí - điện - đạm Cà Mau, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao Tập đoàn dầu khí dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng đã vượt qua thách thức, để duy trì sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt là trong bối cảnh đất nươc có nhiều khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, sắp tới ngoài việc xem xét, cho ý kiến đưa vào chương trình sửa đổi Luật dầu khí, tại phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội sắp tới sẽ bàn đến và trình ra kỳ họp thứ 11 về chính sách thuế đối với các nhà máy sản xuất phân bón nói chung, trong đó có phân bón của dầu khí; đồng thời đề nghị, tập đoàn báo cáo giải trình cụ thể về việc thay đổi chính sách thuế, theo nguyên tắc phải đảm bảo người nông dân mua phân bón chất lượng cao, giá cả hợp lý.

Trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân mong muốn: “Tập đoàn Dầu khí tiếp tục với đà này vượt qua khó khăn, hoàn thành những chỉ tiêu lớn mà nhà nước đã giao cho ngành. Nhiệm vụ của ngành dầu khí không chỉ đơn thuần làm kinh tế kinh tế mà là một hoạt động kinh tế rất khó khăn, phức tạp trên thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Do đó nhiệm vụ này gắn với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền về mặt kinh tế, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của quốc gia, không đơn thuần là việc khai thác dầu, khí. Nên đây là một nhiệm vụ rất đặc biệt”.

Chủ tịch Quốc hội thăm Công ty Cổ phần chế biến và Dịch vụ thủy sản Cà Mau.

Thăm và làm việc với Công ty Cổ phần chế biến và Dịch vụ thủy sản Cà Mau, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, việc Việt Nam tham gia vào các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam, nhưng cũng là thách thức, bởi các nước sẽ áp dụng hàng rào kỹ thuật hay phòng vệ thương mại để đảm bảo những ưu đãi về thuế suất, thuế quan. Vì vậy, các doanh nghiệp cũng cần phải tuân thủ theo quy định của quốc tế.

Bên cạnh đó, các bộ ngành chức năng tuyên truyền, quản lý việc người dân đi đánh bắt cá trên biển theo đúng quy định. Địa phương nạo vét luồng lạch, tạo điều kiện để người dân nuôi trồng thủy hải sản. Về phía các ngân hàng, chủ trương chính sách tài khóa chặt chẽ, nhưng chính sách tiền tệ cần linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp. Về phần mình, Quốc hội sẽ xem xét để điều chỉnh các quy định pháp luật sao cho phù hợp với tình hình thực tiễn./.


Lê Tuyết/VOV.VN

https://vov.vn/chinh-tri/chu-tich-quoc-hoi-nguyen-thi-kim-ngan-tham-va-lam-viec-tai-tinh-ca-mau-820080.vov

  • Từ khóa