Phản biện xã hội: Góp phần hoàn thiện các chủ trương, chính sách

Thứ 4, 27.10.2021 | 10:00:37
725 lượt xem

Thời gian qua, công tác phản biện xã hội (PBXH) được ủy ban mặt trận Tổ quốc (MTTQ) các cấp trong tỉnh chú trọng tổ chức thực hiện. Qua đó, thiết thực góp phần hoàn thiện các chủ trương, chính sách của Đảng, các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước tại địa phương trước khi ban hành, đảm bảo các chủ trương, chính sách được ban hành đúng đắn, phù hợp với thực tiễn, hợp lòng dân, có sự đồng thuận xã hội cao…

Tại hội thảo PBXH đối với Đồ án quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Mẫu Sơn đến năm 2040 do Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức hồi tháng 12/2019, nhiều chuyên gia, đại diện các sở, ngành, đoàn thể của tỉnh đã đóng góp ý kiến tâm huyết, thể hiện mong muốn sự phát triển dài hạn cho khu du lịch, góp phần nâng cao đời sống Nhân dân địa phương. Ông Nguyễn Duy Đông, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: Trước các ý kiến nêu ra, đại diện nhóm nghiên cứu đồ án đã giải trình, tiếp thu tại hội thảo PBXH. Sau đó, sở đã có văn bản số 45, ngày 28/2/2020 tiếp thu, giải trình từng nội dung, góp phần hoàn thiện đồ án quy hoạch để trình cấp có thẩm quyền xem xét.

Đại biểu nêu ý kiến phản biện tại hội thảo PBXH đối với dự thảo Quyết định của UBND tỉnh về việc phân cấp thực hiện thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp trên địa bàn (do Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ tỉnh tổ chức trong tháng 7/2021)

Cụ thể như: về đề nghị nghiên cứu kỹ đặc trưng tự nhiên, khí hậu, thủy văn khu du lịch Mẫu Sơn được Sở Xây dựng và đơn vị tư vấn tiếp thu tối đa vào nội dung Đồ án quy hoạch. Bên cạnh đó, các công trình kiến trúc kiểu Pháp, các giải pháp chống sét đối với Núi Cha, Núi Mẹ sẽ được nghiên cứu áp dụng cụ thể tại bước lập quy hoạch chi tiết. Việc nghiên cứu thêm sân bay thương mại và điểm du lịch phụ cận sẽ được nghiên cứu trong định hướng phát triển dài hạn, phù hợp với các điều kiện thực tế phát triển kinh tế xã hội khi Khu du lịch quốc gia Mẫu Sơn đã được đầu tư xây dựng và phát triển…

Tương tự, thời gian qua, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) đã tham mưu cho UBND tỉnh soạn thảo các dự thảo văn bản liên quan đến lĩnh vực của ngành, trong đó, nhiều dự thảo đã được Uỷ ban MTTQ tỉnh đưa ra PBXH. Ông Phan Văn Hoà, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL  cho biết: Từ năm 2020 đến nay, có gần 10 dự thảo văn bản do sở tham mưu xây dựng đã được đưa ra phản biện. Qua các cuộc PBXH, chúng tôi nhận được nhiều ý kiến có giá trị từ các chuyên gia, người đứng đầu nhiều sở, ban, ngành và Nhân dân để bổ sung, chỉnh sửa dự thảo văn bản… Nhờ vậy, góp phần đưa các đề án đã, đang và sẽ đưa vào thực tiễn phù hợp, hiệu quả.

Đơn cử, sau khi nhận được các ý kiến phản biện về Đề án bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể quốc gia “Lễ hội Đền Kỳ Cùng – Đền Tả Phủ” thành phố Lạng Sơn, Sở VHTT&DL đã có báo cáo số 142, ngày 24/6/2021 về giải trình, tiếp thu các ý kiến. Ví như, về tên gọi “Nghi lễ đốt pháo”, có ý kiến đề nghị điều chỉnh thành “Nghi lễ tranh cướp đầu pháo”, sở xin tiếp thu và nghiên cứu chỉnh sửa cho phù hợp, đảm bảo theo nguồn gốc giá trị vốn có của nghi lễ này từ xưa đến nay. Đối với các ý kiến về phương hướng, nhiệm vụ, trong quá trình triển khai đề án, sở sẽ nghiên cứu, xem xét, thống nhất lược bỏ những phần chưa có cơ sở khoa học, thực tiễn, thiếu tính khả thi; bổ sung phương hướng, giải pháp, các chương trình, hoạt động, dự án thành phần theo lộ trình…

Đại biểu nêu ý kiến phản biện về chủ truơng đầu tư dự án cải tạo, chỉnh trang khuôn viên hồ Phai Loạn (hội nghị PBXH do Uỷ ban MTTQ thành phố Lạng Sơn tổ chức hồi tháng 1/2021)

Ông Nông Dương Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực Uỷ ban MTTQ tỉnh cho biết: PBXH là một trong những mặt công tác quan trọng của Uỷ ban MTTQ các cấp trên địa bàn, thực hiện theo Luật MTTQ Việt Nam và các quy định hiện hành. Đối tượng PBXH là dự thảo văn bản của cơ quan Nhà nước cùng cấp có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam. PBXH được thực hiện theo nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch, tôn trọng các ý kiến khác nhau nhưng không trái với quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, lợi ích quốc gia, dân tộc.

Cũng theo đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh, để tổ chức tốt các cuộc phản biện, MTTQ xây dựng nội dung, kế hoạch, yêu cầu cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo gửi dự thảo văn bản và thông tin, tài liệu cần thiết, mời các tổ chức thành viên, các chuyên gia hoặc Nhân dân nhận xét, đánh giá, nêu chính kiến, kiến nghị đối với dự thảo văn bản. Các bước, quy trình PBXH được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật; sau phản biện, MTTQ sẽ tập hợp, tổng hợp đầy đủ các ý kiến và đề nghị cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo văn bản giải trình làm rõ những nội dung được phản biện bằng văn bản hoặc thông qua cuộc họp.

Từ năm 2019 đến nay, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã tổ chức PBXH đối với hơn 30 dự thảo các văn bản liên quan trực tiếp đến lợi ích của Nhân dân và sự phát triển của tỉnh. Cùng đó, ban thường trực ủy ban MTTQ cấp huyện, cấp xã đã tổ chức PBXH đối với gần 20 dự thảo các chương trình, kế hoạch, đề án phát triển kinh tế – xã hội của chính quyền cùng cấp. Thông qua các cuộc phản biện, các đại biểu đã đóng góp gần 300 ý kiến đối với dự thảo các văn bản. Sau các cuộc phản biện, MTTQ tổng hợp các ý kiến, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản nghiên cứu, tiếp thu và có báo cáo trở lại để MTTQ nắm, phục vụ công tác tuyên truyền. Được biết, sau các cuộc phản biện, đã có gần 40 dự thảo văn bản được hoàn thiện, ban hành và đưa vào cuộc sống, được các tầng lớp Nhân dân đồng tình, ủng hộ.

Có thể khẳng định, nhờ chú trọng thực hiện và nâng cao chất lượng công tác PBXH, ủy ban MTTQ các cấp tỉnh Lạng Sơn đã tập hợp, huy động được đại diện các tầng lớp Nhân dân tham gia xây dựng, hoàn thiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước tại địa phương trước khi ban hành. Qua đó, tạo sự đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước, góp phần xây dựng hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh…

“Thời gian qua, từ những kết quả PBXH của Uỷ ban MTTQ tỉnh, HĐND tỉnh đã tiếp thu được nhiều điều, hạn chế được những sơ hở, thiếu sót, trước khi tiến hành các bước tiếp theo trong xây dựng các chủ trương, nghị quyết.  Không chỉ cấp tỉnh, uỷ ban MTTQ cấp huyện và cấp xã cũng đã tích cực làm tốt công tác này. Thông qua đó, hệ thống MTTQ trong tỉnh đã thể hiện tinh thần trách nhiệm, tiếng nói, vị trí, vai trò, sự tập hợp bản lĩnh, trí tuệ của các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn đối với các nghị quyết của HĐND và quyết định của UBND cùng cấp…”


Đồng chí Đoàn Thị Hậu, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh  


Để có nhiều ý kiến phản biện chất lượng

Để góp phần nâng cao chất lượng các cuộc PBXH, thời gian qua, các cơ quan, đơn vị và nhiều cá nhân đã chủ động làm tốt công tác chuẩn bị và tích cực tham gia phản biện, thể hiện sự thiết thực, hiệu quả của công tác này.

Bà Đinh Thị Thu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Thực hiện nhiệm vụ mà UBND tỉnh giao, thời gian qua, đơn vị đã tham mưu xây dựng các dự thảo văn bản về chủ trương, chính sách liên quan đến lĩnh vực nông, lâm nghiệp, nông thôn. Trong đó, nhiều dự thảo đã được cấp có thẩm quyền của tỉnh lựa chọn để Uỷ ban MTTQ tỉnh đưa ra PBXH.

Từ tháng 7/2020 đến nay, có 3 dự thảo do sở tham mưu xây dựng đã được Uỷ ban MTTQ tỉnh tổ chức hội nghị PBXH. Gần đây nhất là hội thảo PBXH đối với dự thảo Nghị quyết “Quy định khu vực nội thành của thành phố, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi và chính sách di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn” (tổ chức đầu tháng 10/2021).

Trước các cuộc hội thảo PBXH, sở chuẩn bị tốt các nội dung, tài liệu để Uỷ ban MTTQ tỉnh gửi đến các đại biểu, các chuyên gia về lĩnh vực liên quan nghiên cứu, phản biện. Qua các buổi hội thảo, chúng tôi đã nhận được nhiều góp ý xác đáng của các chuyên gia, đại diện các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh và đã tiếp thu để chỉnh sửa, bổ sung nhằm hoàn thiện dự thảo, trình cấp có thẩm quyền xem xét ban hành.

Ông Mai Xuân Tú, Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ huyện Đình Lập

Thời gian qua, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ huyện đã chủ động đề nghị Thường trực HĐND, UBND huyện cung cấp các dự thảo văn bản để MTTQ huyện lựa chọn phản biện trước khi ban hành. Trong đó, có dự thảo quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, đề án của HĐND và UBND huyện có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, hội viên, đoàn viên trên địa bàn.

Bên cạnh đó,  tôi và các đồng chí trong Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ huyện cũng chủ động xin dự các buổi tập huấn, các hội thảo PBXH do Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ tỉnh tổ chức và tham khảo cách làm ở các huyện. Từ đó, học hỏi kỹ năng, phương pháp tổ chức để triển khai tại huyện mình, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hội thảo PBXH nhằm giúp cấp uỷ, chính quyền địa phương đưa ra các chủ trương, chính sách, các chương trình, dự án đúng đắn, hiệu quả, củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước.

Ông Nông Ngọc Tăng, Trưởng Ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh

Tôi nguyên là Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh nên thời gian qua, tôi được Uỷ ban MTTQ tỉnh mời tham dự phản biện về các chủ trương, chính sách liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn. Trong 5 năm gần đây, tôi được mời tham gia và đóng góp ý kiến phản biện đối với gần 20 dự thảo văn bản của tỉnh.

Trước các cuộc PBXH, tôi dành nhiều thời gian nghiên cứu dự thảo các văn bản được đưa ra phản biện, ngoài ra, tôi còn nghiên cứu các tài liệu khác để đưa ra các ý kiến phản biện đúng, trúng, hiệu quả, được cơ quan tham mưu tiếp thu,  hoàn chỉnh dự thảo các văn bản.  Không chỉ vậy, tôi còn nhìn nhận lại các chủ trương, chính sách trước đây để góp ý cho cơ quan tham mưu rút kinh nghiệm trong quá trình soạn thảo các văn bản, nhằm khắc phục những hạn chế, thiếu sót, đưa ra những quyết sách đúng đắn trong phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh trong tương lai…

HOÀNG HUẤN/baolangson.vn

https://baolangson.vn/chinh-tri/457408-phan-bien-xa-hoi-gop-phan-hoan-thien-cac-chu-truong-chinh-sach.html

  • Từ khóa