Văn hóa soi đường cho quốc dân đi

Thứ 5, 19.05.2022 | 09:28:30
823 lượt xem

Chủ tịch Hồ Chí Minh được sinh ra trong gia đình nhà nho tại làng Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An – Vùng đất có bề dày và chiều sâu văn hóa. Người đã sớm tiếp thu những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của gia đình, quê hương và đất nước. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã khẳng định: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là một kho tàng đầy của báu, là di sản chứa đựng biết bao giá trị, giá trị đó nói cho cùng là giá trị văn hóa.”

Suốt cuộc đời của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho sự nghiệp phát triển văn hóa, coi đây là ngọn lửa soi đường, dẫn lối cho dân tộc ta đi đến thắng lợi. Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (11/1946), Người đã khẳng định: “Số phận dân ta là ở trong tay dân ta. Văn hóa soi đường cho quốc dân đi. Tôi mong chúng ta đem văn hóa lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự cường và tự chủ” (Báo Cứu quốc số 416 ra ngày 25/11/1946).

Đoàn viên, thanh niên tham quan gian trưng bày ảnh tư liệu về Bác tại Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định. Ảnh: LA MAI

Văn hóa là sức mạnh nội sinh, là nền tảng tinh thần của xã hộị, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội, nên trong tư tưởng Hồ Chí Minh, “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” – Soi đường cho sự phát triển, tiến bộ của xã hội, của mỗi quốc gia, dân tộc trong hành trình xây dựng và phát triển. Văn hóa, theo Người có thể hiểu theo hai nghĩa: nghĩa rộng là trình độ phát triển về tinh thần và vật chất của nhân loại trong mỗi giai đoạn lịch sử nhất định. Nghĩa hẹp, văn hóa là những hoạt động tinh thần của xã hội, gồm những lĩnh vực: giáo dục, khoa học, văn học, nghệ thuật, đạo đức. Văn hóa cũng bao gồm cả văn hóa vật thể và phi vật thể. Nói đến văn hóa là nói đến những gì là tinh hoa, tinh túy nhất được chưng cất, kết tinh, hun đúc thành những giá trị tốt đẹp, cao thượng, đặc sắc nhất; rất nhân văn, nhân ái, nhân tình, tiến bộ.

Để “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” thì nền văn hóa mà chúng ta xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc mà chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần của xã hội. Theo Người: “Vì lẽ sinh tồn cũng như vì mục đích cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về ăn, mặc, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra, nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống đòi hỏi của sự sinh tồn”*.

Hồ Chủ tịch cho rằng văn hóa không thể đứng ngoài mà phải ở trong chính trị, phục vụ nhiệm vụ chính trị và thúc đẩy kinh tế phát triển. Người nhấn mạnh: “Có chính trị mới có văn hóa, xưa kia chính trị bị đàn áp, nền văn hóa của ta vì thế không nẩy sinh được. Nay nước ta đã được độc lập, tinh thần được giải phóng, cần phải có một nền văn hóa hợp với khoa học và hợp với nguyện vọng của dân… Trong công cuộc kiến thiết nước nhà có 4 vấn đề chú ý đến, cùng phải coi trọng ngang nhau, đó là: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội”*

Đoàn viên thanh niên tham quan gian trưng bày chuyên đề “Bác Hồ với Nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn” tại Bảo tàng tỉnh.  Ảnh: LA MAI

Để “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, trong bối cảnh đổi mới, hội nhập toàn diện, đồng hành cùng dân tộc, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nêu quan điểm “Phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần… khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế”. Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là xây dựng là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp với các đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo. Con người không chỉ sống trong môi trường tự nhiên mà còn sống trong môi trường xã hội, môi trường văn hóa.

Phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng (năm 2021), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Yêu cầu khách quan của sự nghiệp cách mạng nước ta là phải tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển nền Văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là “nền tảng tinh thần”, “động lực phát triển” và “soi đường cho quốc dân đi”. Phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng, tạo ra sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện thành công mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI”.

“Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” – Lời hiệu triệu của Người đã khơi dậy ngọn lửa quyết tâm, trở thành động lực tinh thần của toàn dân tộc.

Bước vào thời kỳ mới, tiếp nối tinh thần “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng có ghi: “Phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam; khơi dậy mạnh mẽ khát vọng phát triển của dân tộc, tinh thần yêu nước, tự hào, ý chí tự cường và lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết, đồng thuận xã hội”, để đất nước phát triển không chỉ là tăng trưởng kinh tế bằng mọi cách mà phải đi song hành giữa chính trị, kinh tế và văn hóa. Toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta cùng chung sức, nguyện xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh.

Đúng như Tổng Bí thư Ngyễn Phú Trọng trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc (năm 2021) đã chỉ rõ: “Đây chính là cơ sở nền tảng để nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng; nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, điều hành của Nhà nước nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam trong thời kỳ phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế”

* “Hồ Chí Minh” tuyển tập, NXB QG năm 1990


MAI TÙNG/baolangson.vn

https://baolangson.vn/chinh-tri/500542-van-hoa-soi-duong-cho-quoc-dan-di-2.html

  • Từ khóa