Bộ trưởng Nội vụ trả lời đề xuất nâng lương cho bác sỹ, giáo viên, quân đội

Thứ 4, 01.03.2023 | 13:42:33
818 lượt xem

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Hải Dương về việc xem xét có chế độ đặc thù nâng lương cho 3 đối tượng là bác sỹ, giáo viên và quân đội nhân dân.

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Hải Dương về việc xem xét có chế độ đặc thù nâng lương cho 3 đối tượng là bác sỹ, giáo viên và quân đội nhân dân.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà vừa có công văn gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương để trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới sau kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Trong đó, cử tri tỉnh Hải Dương kiến nghị xem xét có chế độ đặc thù nâng lương cho 3 đối tượng là bác sỹ, giáo viên và quân đội nhân dân.

Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, chế độ tiền lương, phụ cấp hiện hành được thực hiện từ tháng 10/2004 đến nay, mặc dù đã được điều chỉnh, bổ sung nhiều lần nhưng tiền lương, thu nhập và đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang vẫn còn nhiều khó khăn, trong đó có các đối tượng như ý kiến cử tri Hải Dương nêu.

Bộ trưởng Nội vụ trả lời đề xuất nâng lương cho bác sỹ, giáo viên, quân đội - 1

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà (Ảnh: VGP/Lê Sơn).

Trong bối cảnh tác động bất lợi của nhiều yếu tố ở trong nước và giá cả, lạm phát tăng ở nhiều nước, đặc biệt là ảnh hưởng trực tiếp của dịch bệnh Covid-19 nên chưa có đủ điều kiện để cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang theo yêu cầu của Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị Trung ương 7 Khóa XII.

Đến nay, theo đề nghị của Chính phủ, tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV đã thông qua từ ngày 1/7/2023 nâng mức lương cơ sở từ 1.490.000 đồng/tháng lên 1.800.000 đồng/tháng (tăng thêm 20,8%) để tăng lương cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang trong năm 2023 (trong đó có đội ngũ y tế, giáo viên và quân đội nhân dân).

"Đồng thời, Quốc hội giao Chính phủ khẩn trương nghiên cứu hoàn thiện các nội dung cụ thể của chính sách tiền lương và phụ cấp mới trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định thực hiện vào thời điểm thích hợp sau năm 2023, bảo đảm theo yêu cầu của Nghị quyết số 27-NQ/TW", Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà thông tin với cử tri.

Sẽ khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức dôi dư nghỉ việc

Cử tri tỉnh Tuyên Quang phản ánh, theo quy định tại điểm e, khoản 1, Điều 1 Nghị định số 143/2020 của Chính phủ thì khi cán bộ, công chức, viên chức muốn nghỉ chế độ sớm phải có đánh giá xếp loại ít nhất 1 năm không hoàn thành nhiệm vụ.

"Một số cán bộ có năng lực và sức khỏe tốt, có nguyện vọng nghỉ chế độ sớm, nhưng để nghỉ sớm thì phải đáp ứng điều kiện trên, gây ảnh hưởng đến uy tín cá nhân và tập thể lao động nơi cán bộ đó công tác. Vì vậy, để tạo thuận lợi cho việc tinh giản biên chế, nhất là đối với những trường hợp có nguyện vọng nghỉ chế độ sớm mà không ảnh hưởng tới đánh giá, xếp loại, uy tín đối với cá nhân và tập thể cơ quan công tác, đề nghị sửa đổi các điều kiện nghỉ chế độ theo Nghị định số 108/2014 và Nghị định số 143/2020", cử tri nêu quan điểm.

Cử tri tỉnh Tuyên Quang đề xuất sửa lại quy định như sau: "Có 2 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế, cán bộ, công chức, viên chức có 1 năm được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành nhiệm vụ và 1 năm không hoàn thành nhiệm vụ hoặc cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý".

Trong công văn trả lời Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang, Bộ trưởng Nội vụ nêu rõ, Nghị quyết số 39/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đã đặt ra mục tiêu tinh giản biên chế là nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thu hút những người có đức, có tài vào hoạt động công vụ trong các cơ quan đảng, nhà nước và tổ chức chính trị - xã hội, đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước...

Theo đó, tại Nghị định số 108/2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 113/2018 và Nghị định số 143/2020) đã quy định rõ các trường hợp cần có chính sách để thực hiện tinh giản biên chế (không bao gồm những người có năng lực, có sức khỏe tốt nhưng có nguyện vọng xin nghỉ theo chính sách tinh giản biên chế).

Tuy nhiên, để hoàn thiện chính sách tinh giản biên chế đối với cán bộ, công chức, viên chức dôi dư, đặc biệt trong bối cảnh đẩy mạnh việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo Nghị quyết số 595/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 108, Nghị định số 113 và Nghị định số 143, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương nghiên cứu đề xuất, kiến nghị của cử tri để xác định đối tượng tinh giản biên chế cho phù hợp.

Bộ Nội vụ cho rằng, việc này sẽ tạo điều kiện cho các địa phương kiện toàn tổ chức bộ máy, sắp xếp, bố trí công tác cán bộ, có chính sách ưu đãi, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức dôi dư nghỉ việc ngay, nhằm đẩy nhanh lộ trình sắp xếp các đơn vị hành chính, đặc biệt là cấp xã.


Theo dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/xa-hoi/bo-truong-noi-vu-tra-loi-de-xuat-nang-luong-cho-bac-sy-giao-vien-quan-doi-20230228151950283.htm

  • Từ khóa