Bám sát nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ giao

Thứ 7, 28.03.2020 | 19:43:34
422 lượt xem

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình nhấn mạnh Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật phải bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong thực hiện nhiệm vụ được giao.


Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: VGP/Lê Sơn
            

Phát biểu tại cuộc họp công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thành lập và triển khai nhiệm vụ cấp bách của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật (Tổ công tác) ngày 28/3, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình nhấn mạnh trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra và chỉ đạo thực hiện nhiều chủ trương lớn, chính sách quan trọng nhằm từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường. Đến nay, chúng ta đã có một hệ thống pháp luật tương đối đầy đủ, điều chỉnh toàn diện mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội; chất lượng các văn bản pháp luật, tính thống nhất, đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật dần được hoàn thiện. Kết quả của công tác xây dựng pháp luật góp phần quan trọng vào những thành tựu của sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Bên cạnh những kết quả đạt được, chúng ta cần nghiêm túc nhìn thẳng vào những hạn chế, bất cập của hệ thống pháp luật. Theo đó, hệ thống pháp luật chưa thực sự đồng bộ, thống nhất, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn phát triển; tình trạng pháp luật mâu thuẫn, bất cập, không khả thi, vướng mắc gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, quản lý nhà nước, làm chậm sự phát triển, chậm được phát hiện, cần được khắc phục kịp thời như vấn đề, thủ tục về đất đai, cổ phần hoá, giải ngân vốn đầu tư công…

Để khắc phục những hạn chế nêu trên, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cho rằng cần nâng cao hiệu quả công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, kịp thời sửa đổi, bổ sung.

Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh: “Tôi đề nghị Tổ công tác xác định, thống nhất, nâng cao nhận thức trong xây dựng, rà soát hệ thống pháp luật. Đó là, văn bản quy phạm pháp luật thiếu đồng bộ, thống nhất, mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn sẽ tác động, gây khó khăn, kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với pháp luật, chính sách, ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và tính nghiêm minh của pháp luật”.

Ngay từ đầu nhiệm kỳ của Chính phủ, công tác rà soát, xây dựng và hoàn thiện thể chế luôn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Chính phủ đặc biệt quan tâm, ban hành nhiều nghị quyết, chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ thực hiện công tác rà soát pháp luật nhiều lĩnh vực, trọng tâm là giải quyết, tháo gỡ các rào cản, vướng mắc pháp luật liên quan đến môi trường đầu tư, kinh doanh… Kỳ họp nào Chính phủ cũng dành thời gian nghe các bộ, ngành báo cáo và thảo luận các giải pháp để tháo gỡ khó khan về mặt thể chế. 

Trước diễn biến của tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, khó dự báo, tác động tiêu cực, nghiêm trọng, toàn diện đến kinh tế, xã hội đất nước, đời sống nhân dân, chúng ta đang phải tập trung tối đa nguồn lực cho công tác phòng chống đại dịch, nhanh chóng trở lại quỹ đạo phát triển. Do đó, cần có các biện pháp nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế và tăng tốc khi dịch bệnh qua đi, nhất là rà soát, sửa đổi bổ sung kịp thời các vấn đề về thể chế, chính sách và pháp luật. 

Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành kế hoạch rà soát pháp luật để tổ chức thực hiện toàn diện, đồng bộ, tổng thể, có hệ thống nhiệm vụ rà soát pháp luật; ban hành Quyết định thành lập Tổ công tác về rà soát văn bản quy phạm pháp luật; chỉ đạo rà soát, kiến nghị sửa đổi ngay những văn bản quy phạm pháp luật để ứng phó, giảm thiểu tác động của dịch COVID-19; đồng thời, kịp thời sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm giải phóng nguồn lực tạo điều kiện cho sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội.

Tổ công tác phải có 'sản phẩm' cụ thể ngay, không đề xuất chung chung

Với tinh thần khẩn trương, hành động quyết liệt, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình đề nghị Bộ Tư Pháp, Tổ công tác và các thành viên tập trung triển khai thực hiện ngay các nhiệm vụ cấp bách.

Thứ nhất, Phó Thủ tướng đề nghị kiện toàn tổ chức, ban hành, triển khai kế hoạch của Tổ công tác ngay từ ngày 28/3. Trong đó xác định 2 nhiệm vụ trọng tâm, gồm rà soát chuyên sâu, chuyên đề, lĩnh vực theo nhóm quy định để kiến nghị sửa đổi, bổ sung đồng bộ; rà soát, kiến nghị sửa đổi ngay những văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, cơ quan… để ứng phó, giảm thiểu tác động của dịch COVID-19.

Rà soát tiếp các vấn đề mà VCCI đã nêu, rà soát, đối chiếu lại kiến nghị của VCCI với các bộ, ngành cùng xem xét. Các bộ, ngành thấy vướng mắc và tự đề xuất bên cạnh sự rà soát liên ngành của Tổ công tác.

Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tư pháp, Tổ công tác khẩn trương rà soát, tổng hợp các quy định của pháp luật cụ thể gây cản trở, vướng mắc, khó khăn cho sản xuất kinh doanh để kịp thời ứng phó và giảm thiểu tác động của địch COVID-19 đến nền kinh tế, trong đó cần nhận diện toàn bộ các tác động của đại dịch, nghiên cứu; tập trung rà soát hệ thống pháp luật từng vấn đề thuộc thẩm quyền chỉ đạo, điều hành của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan quản lý nhà nước; đề xuất các nhóm giải pháp chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật để ứng phó toàn diện, đồng bộ và hữu hiệu đối với các tác động của dịch bệnh; kiến nghị các giải pháp chính sách mạnh, hiệu quả, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, khôi phục, phát triển kinh tế, hỗ trợ hoạt động của doanh nghiệp và đời sống nhân dân; bảo đảm giải pháp chính sách có tính dự báo, để Chính phủ có đủ thẩm quyền quyết định, chỉ đạo, thực hiện các giải pháp ứng phó hiệu quả với các tình huống xấu nhất, tình trạng khẩn cấp.

 “Đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, cấp bách cần ưu tiên thực hiện có hiệu quả và kết quả ngay. Tôi đề nghị các đồng chí tập trung tối đa nguồn lực thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ này theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tổ công tác phải có sản phẩm cụ thể như kiến nghị sửa đổi cái gì, như thế nào chứ không nói chung chung”, Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu.

Thứ hai, Tổ công tác bám sát kế hoạch rà soát văn bản quy phạm pháp luật các lĩnh vực đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định thành lập của Thủ tướng Chính phủ, triển khai thực hiện toàn diện, hiệu quả các nhiệm vụ được giao. Trong đó tập trung xác định đúng trọng tâm, phạm vi rà soát văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến các lĩnh vực kinh tế, xã hội, cản trở phát triển, rào cản đối với môi trường đầu tư, gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp và đời sống nhân dân. 

Tổ công tác cần phát hiện bằng được, chỉ ra những mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu đồng bộ của hệ thống pháp luật hiện hành; các kiến nghị, đề xuất cần cụ thể; sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật nhằm khơi dậy các động lực, tạo ra dư địa chính sách cho sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Điều này cần sự tham gia tích cực, có trách nhiệm của các cán bộ giỏi từ các bộ, sự tham vấn các chuyên gia về các kiến nghị chính sách.

Ba là, thành viên Tổ công tác, Bộ Tư pháp - Cơ quan Thường trực, Tổ giúp việc Tổ công tác, xác định đây là một nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện. 

Các thành viên Tổ công tác cần phát huy vai trò, trách nhiệm, chỉ đạo và huy động sự tham gia, giao trách nhiệm cho các cơ quan, đơn vị của bộ, ngành, cơ quan mình trong việc thực hiện rà soát chuyên sâu đối với các chuyên đề, lĩnh vực được phân công theo chức năng, nhiệm vụ và chịu trách nhiệm về kết quả rà soát kiến nghị theo lĩnh vực được phân công; hết sức quan tâm, tập trung nguồn lực, bảo đảm tiến độ thực hiện kế hoạch và đặc biệt là bảo đảm chất lượng của kết quả rà soát theo các quyết định, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Bốn là, về tổ chức thực hiện, trong điều kiện khối lượng công việc lớn, đòi hỏi chuyên môn chuyên sâu, cần kiện toàn tổ chức, phân công trách nhiệm hợp lý, rõ ràng, khả thi, đúng chức năng nhiệm vụ, rõ trách nhiệm; bám sát tiến độ, kế hoạch hoàn thành các công việc với tinh thần hết sức khẩn trương, hiệu quả, kịp thời nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách hiện nay. 

Các thành viên Tổ công tác theo trách nhiệm được phân công huy động các cơ quan, đơn vị chuyên môn các lĩnh vực tại các bộ, cơ quan để triển khai kế hoạch, bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ của Tổ công tác trong thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao. 

Bộ Tư pháp, các bộ, cơ quan liên quan có thành viên tham gia Tổ công tác cần bố trí cán bộ tham gia Tổ giúp việc có năng lực, kinh nghiệm, chuyên môn sâu và đầy đủ nguồn lực cho triển khai thực hiện.


Lê Sơn/chinhphu.vn

http://baochinhphu.vn/Tin-noi-bat/Bam-sat-nhiem-vu-da-duoc-Thu-tuong-Chinh-phu-giao/391246.vgp

  • Từ khóa