Doanh nghiệp TPHCM đề xuất nhiều chính sách hỗ trợ để phát triển

Chủ nhật, 10.05.2020 | 10:01:56
575 lượt xem

VOV.VN - Doanh nghiệp cần có cơ chế, chính sách thiết thực, hiệu quả để nhanh chóng bứt phá mạnh mẽ để phát triển lại giai đoạn sau giãn cách xã hội.

Sau khi kết thúc hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp diễn ra sáng nay (9/5), cộng đồng doanh nghiệp tại TPHCM bày tỏ vui mừng trước kết quả tốt trong phòng chống dịch Covid-19 của Chính phủ, đồng thời, kiến nghị các biện pháp hỗ trợ để phục hồi và phát triển kinh tế.

Ông Trương Đình Hoè, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản cho rằng, với phương châm chống dịch hiệu quả của Chính phủ, ngành thuỷ sản trong nước vẫn trụ vững và đứng trước cơ hội lớn để phát triển thị phần do các quốc gia mạnh về thuỷ sản vẫn đang “mắc kẹt” với dịch Covid-19. Doanh nghiệp và người dân tin tưởng vào công tác phòng chống dịch nên đã bắt đầu thả nuôi thuỷ sản, từ đó, hướng tới mục tiêu phục hồi nhanh, phấn đấu kim ngạch xuất khẩu năm nay bằng với năm 2019.

doanh nghiep tphcm de xuat nhieu chinh sach ho tro de phat trien hinh 1
Doanh nghiệp thủy sản phấn đấu kim ngạch xuất khẩu năm nay bằng với năm 2019


Đề xuất biện pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp thuỷ sản bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, ông Hoè cho rằng, trong ngắn hạn, Chính phủ cần xem xét thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường dịch vụ công điện tử để tiết kiệm thời gian, chi phí. Đặc biệt là hỗ trợ doanh nghiệp chuẩn bị điều kiện hạ tầng để đón nhận dịch chuyển đầu tư của nước ngoài từ Trung Quốc sang Việt Nam như: cơ chế xây dựng kho lạnh để trữ hàng, điều chỉnh mức đánh giá rủi ro tín dụng cao đối với nhóm hàng thuỷ sản.

Còn trong dài hạn, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản đề nghị hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu và phát triển thị trường, tăng sức cạnh tranh cho ngành thuỷ sản: “Thúc đẩy và hỗ trợ mạnh cho việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của ngành thuỷ sản, cụ thể là ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào hoạt động nuôi tôm Việt Nam cũng như triển khai sàn giao dịch điện tử về con giống”.

Về lĩnh vực du lịch, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng Giám đốc Công ty Vietravel, cho biết, điểm sáng là Việt Nam được quốc tế đánh giá cao trong phòng chống dịch Covid-19 và đảm bảo môi trường xã hội an toàn. Tuy nhiên, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, để phục hồi trở lại thì ngoài sự cố gắng của bản thân các doanh nghiệp, rất cần sự chung tay góp sức của cả xã hội và các ban ngành. Do đó, ông Kỳ đề nghị tận dụng cơ hội để triển khai ngay chiến dịch truyền thông “Việt Nam – Điểm đến an toàn” để xúc tiến, quảng bá, lôi kéo khách du lịch. Nếu làm tốt điều này, có thể giữ được khách du lịch tới Việt Nam trong quý 4/2020.

Đối với thị trường trong nước, cần tạo ra động lực phát triển du lịch, với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương. Các cơ quan quản lý Nhà nước nên nghiên cứu giảm ngay 50% chi phí tham quan các di tích, danh lam thắng cảnh mà Nhà nước đang quản lý. Việc này sẽ tạo ra cú hích để thu hút khách du lịch. Về cơ chế chính sách, đề nghị tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận được ngay các gói hỗ trợ của Chính phủ.

“Gói hỗ trợ về Bảo hiểm xã hội cho người lao động có thể đưa ngay về đầu mối là các doanh nghiệp, tránh đưa về các địa phương vì vấn đề chuyển dịch lao động trên toàn quốc như hiện nay sẽ rất khó khăn để triển khai đến tay người lao động”, ông Nguyễn Quốc Kỳ nêu ý kiến.

Về phía ngành da giày, ông Trần Văn Khánh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giày TPHCM cho rằng, Chính phủ đã cơ bản tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp trông chờ các chính sách này sớm được triển khai, thực thi, nhất là các chính sách về giãn, giảm thuế, gia han nợ ngân hàng, giảm lãi suất vay, cho vay mới để doanh nghiệp khôi phục sản xuất... Vì sự hỗ trợ này nếu chậm thì càng làm cho doanh nghiệp khó khăn hơn.

“Chính sách cơ chế đã có rồi, doanh nghiệp mong muốn là giải quyết thật nhanh. Chính phủ cần hạn chế nhập khẩu những mặt hàng mà doanh nghiệp mình sản xuất được, kể cả sản phẩm và nguyên liệu. Tái khởi động lại Chương trình Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, ông Trần Văn Khánh kiến nghị.

TPHCM là đầu tàu kinh tế của cả nước, do đó việc thúc đẩy, hỗ trợ để doanh nghiệp phục hồi sản xuất cần được thực hiện ngay. Điều doanh nghiệp cần để phát triển lại giai đoạn sau giãn cách xã hội là có cơ chế, chính sách thiết thực, hiệu quả để nhanh chóng bứt phá mạnh mẽ./.


Lệ Hằng - Duy Phương/VOV-TPHCM

https://vov.vn/kinh-te/doanh-nghiep-tphcm-de-xuat-nhieu-chinh-sach-ho-tro-de-phat-trien-1046810.vov

  • Từ khóa