Gửi tiền tiết kiệm qua tổ tiết kiệm và vay vốn: Tạo thói quen “tiết kiệm để chi tiêu”

Thứ 3, 02.06.2020 | 14:29:31
677 lượt xem

Những năm qua, việc người nghèo gửi tiền tiết kiệm qua tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) đã có những chuyển biến tích cực. Người dân đã có ý thức tiết kiệm với số tiền nhỏ, tối thiểu là 20 nghìn đồng/người/tháng. Qua đó, giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác nâng cao ý thức tiết kiệm, có điều kiện trả nợ, trả lãi, giảm gánh nặng khi đến thời hạn hoàn trả vốn vay.

Thời gian qua, gia đình ông Hoàng Đình Binh, thôn Nà Nhì, xã Đồng Ý, huyện Bắc Sơn luôn thực hiện tốt việc trả lãi và gửi tiền tiết kiệm thông qua tổ TK&VV. Ông Binh cho biết: “Năm 2015, gia đình tôi vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) để phát triển chăn nuôi trâu. Nhờ chăn nuôi hiệu quả nên gia đình tôi đã trả hết nợ món vay đó. Đến năm 2018, gia đình tôi tiếp tục vay 12 triệu đồng từ chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn để xây dựng công trình nước sạch và công trình vệ sinh. Nhờ gửi tiết kiệm qua tổ TK&VV với số tiền 500 nghìn đồng/tháng, ít thì gửi 200 nghìn đồng/tháng nên đến thời điểm hiện tại, tôi đã trả gốc được 8 triệu đồng mặc dù chưa đến thời hạn trả gốc”.

Tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn (bên phải) hướng dẫn tổ viên gửi tiền tiết kiệm qua tổ

Cũng như ông Binh, với ý thức dành dụm và tích lũy, 55 tổ viên trong tổ TK&VV thôn Nà Nhì đã tham gia hình thức này với tổng số dư tiền gửi tiết kiệm là 246 triệu đồng. Ông Lương Đình Thắng, Tổ trưởng Tổ TK&VV thôn Nà Nhì cho biết: Khi có chủ trương huy động tiết kiệm qua tổ TK&VV, tổ đã bàn bạc và thống nhất triển khai đến các tổ viên tham gia gửi tiết kiệm tùy vào điều kiện từng gia đình. Hằng tháng, tất cả các tổ viên đều gửi tiết kiệm qua tổ, người thấp nhất là 20 nghìn đồng/tháng, nhiều tổ viên gửi mức 200 nghìn đồng đến 2 triệu đồng/tháng. Từ đó, các tổ viên có một khoản tiết kiệm, những lúc khó khăn có thể rút hoặc chuyển sang trả lãi, trả gốc.

Chủ trương huy động tiền gửi tiết kiệm thông qua tổ TK&VV được NHCSXH thực hiện từ năm 2009 và đến nay đã đạt được kết quả thiết thực. Hiện toàn tỉnh có 2.515 tổ TK&VV, với 68.334 hộ vay vốn, tổng số dư tiền gửi là 83,4 tỷ đồng (tăng 21 tỷ đồng so với năm 2017), bình quân 37,7 triệu đồng/tổ. Trong đó, có 74.938 hộ tham gia gửi tiết kiệm, chiếm 109% hộ vay vốn (nhận thấy ý nghĩa của chương trình nên nhiều hội viên của các tổ chức hội, đoàn thể mặc dù không vay vốn cũng tham gia gửi tiền tiết kiệm qua tổ TK&VV). Một số huyện có số dư tiền gửi tiết kiệm lớn như: Hữu Lũng 13,5 tỷ đồng; Lộc Bình 10,1 tỷ đồng; Bắc Sơn 10 tỷ đồng…

Ông Phạm Mạnh Hà, Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh cho biết: Thời gian đầu, việc triển khai gặp khó khăn vì các tổ viên nghĩ gửi tiết kiệm phải có số tiền lớn, trong khi họ là người nghèo, đối tượng chính sách, cuộc sống còn nhiều khó khăn, thu nhập không ổn định nên ngại tham gia. Từ đó, chi nhánh chỉ đạo phòng giao dịch các huyện phối hợp với các tổ chức hội nhận ủy thác và các tổ trưởng tổ TK&VV tuyên truyền trong ngày giao dịch cố định hằng tháng, qua các buổi tập huấn, họp  thôn về lợi ích, ý nghĩa của chương trình. Đồng thời giao chỉ tiêu nhận tiền gửi tiết kiệm cho từng tổ TK&VV…

Theo đó, chủ trương huy động tiền gửi tiết kiệm thông qua các tổ TK&VV được triển khai theo hình thức tự nguyện, mức tiền gửi tiết kiệm, thời gian gửi ở các tổ TK&VV khác nhau, tùy theo quy ước của các tổ, tối thiểu là 20 nghìn đồng/người/tháng và tối đa là 2 triệu đồng/người/tháng, tất cả đều được công khai, minh bạch. Để công tác huy động tiền gửi tiết kiệm hiệu quả, hằng năm, các tổ trưởng tổ TK&VV đều được tham gia các lớp tập huấn và hướng dẫn quản lý sổ sách, nhận tiền gửi tiết kiệm.

Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh cho biết thêm: Việc gửi tiết kiệm thông qua tổ TK&VV đã từng bước để người nghèo có thói quen dành tiền tiết kiệm để tạo vốn. Bởi với số tiền gửi rất nhỏ hằng tháng nhưng các hộ sẽ có một tài khoản để chuyển khoản trả nợ, trả lãi cho ngân hàng khi gặp khó khăn. Nhờ có nguồn tiền tiết kiệm này, việc người dân trả nợ gốc, lãi đúng kỳ hạn tăng lên theo từng năm, tỷ lệ thu lãi bình quân hằng năm đều đạt 99%; nợ quá hạn luôn ở mức cho phép, hiện nay, nợ quá hạn chỉ chiếm 0,07% tổng dư nợ. Số tiền huy động được còn tăng cường nguồn vốn cho vay, đáp ứng nhu cầu về vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Nhờ đó, từ đầu năm 2020 đến nay, toàn tỉnh đã có trên 5.500 hộ được vay với doanh số cho vay gần 350 tỷ đồng để phát triển kinh tế (trong đó có nguồn vốn huy động qua các tổ TK&VV).


KIM HUYÊN/baolangson.vn

http://baolangson.vn/kinh-te/290510-gui-tien-tiet-kiem-qua-to-tiet-kiem-va-vay-von-tao-thoi-quen-tiet-kiem-de-chi-tieu.html

  • Từ khóa