Bắc Sơn: Tăng cường ứng dụng kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp

Thứ 5, 27.08.2020 | 15:44:05
786 lượt xem

Từ năm 2017 đến nay, thông qua các nguồn vốn được hỗ trợ, nông dân huyện Bắc Sơn đã tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp. Từ đó, từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất.

Để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị cây quýt vàng, năm 2017, huyện đã tuyên truyền, vận động người dân trồng, chăm sóc quýt theo quy trình VietGAP. Nhờ đó, chất lượng quả ngày càng được nâng lên, năng suất đạt 18 tấn quả/ha, tăng từ 10 đến 15% so với trước.

Ông Đặng Văn Lương, thôn Hồng Phong 4, xã Chiến Thắng cho biết: Gia đình tôi có 800 cây quýt đang cho thu hoạch. Từ năm 2017, áp dụng quy trình VietGAP, trung bình mỗi cây quýt cho thu từ 50 đến 60 kg quả/cây, tăng 10 kg/cây so với trước. Đặc biệt, quả quýt tròn, đều, mẫu mã đẹp, vị ngọt hơn. Năm 2019, tôi thu được hơn 20 tấn quả, thu nhập gần 600 triệu đồng.

Công nhân Công ty TNHH Du lịch Việt, thị trấn Bắc Sơn chăm sóc cây chanh leo (mô hình sản xuất theo quy trình VietGAP)

Không chỉ riêng cây quýt, từ năm 2017 đến nay, từ nguồn vốn sự nghiệp chương trình nông thôn mới, huyện Bắc Sơn đã dành gần 1,3 tỷ đồng để hỗ trợ vật tư, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc các loại cây ăn quả theo quy trình VietGAP cho người dân. Hiện nay, toàn huyện có trên 200 ha cây ăn quả các loại được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Trong đó, quýt (140 ha); bưởi (19,3 ha); lúa nếp cái hoa vàng (40 ha); chanh leo (5 ha)..

Ông Dương Đình Đường, Chủ tịch UBND xã Bắc Quỳnh cho biết: Từ năm 2018, người dân trong xã bắt đầu áp dụng quy trình VietGAP để sản xuất lúa nếp cái hoa vàng, qua đó năng suất cao hơn, cây hạn chế được sâu bệnh, chất lượng bông lúa tốt hơn. Năm 2019, sản phẩm nếp cái hoa vàng của xã đã được xếp hạng 4 sao cấp tỉnh (Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP). Năm nay, từ nguồn vốn được hỗ trợ, xã sẽ hỗ trợ bà con bao bì sản phẩm, hoàn thiện khâu đóng gói để xuất bán ngoài thị trường.

Song song với việc áp dụng quy trình VietGAP trên các sản phẩm nông nghiệp, từ năm 2017, huyện đã hỗ trợ người dân xây dựng mô hình tưới nước tiết kiệm trên cây ăn quả có múi ở các xã: Đồng Ý, Chiến Thắng, Bắc Quỳnh, Tân Lập… Theo đó, với kinh phí gần 4,5 tỷ đồng (ngân sách Nhà nước và vốn đối ứng của người dân), huyện đã hỗ trợ được gần 70 mô hình tưới nước tiết kiệm cho hơn 100 hộ gia đình với quy mô ứng dụng trên 86 ha cây ăn quả có múi các loại.

Ông Vy Văn Can, thôn Hợp Thành, xã Đồng Ý phấn khởi: Tháng 5/2019, gia đình tôi được hỗ trợ mô hình tưới nước tiết kiệm để phục vụ quy mô tưới từ 0,8 đến 1 ha trồng bưởi. Tôi thấy mô hình tưới tiết kiệm rất hiệu quả, giúp giảm công lao động; cây trồng phát triển ổn định; năng suất cao hơn. Trên cơ sở mô hình được hỗ trợ, tôi đầu tư thêm hệ thống phun sương, máy áp lực, máy bơm nước… Từ đó hiệu quả được nhân lên rất nhiều. Từ khi có hệ thống tưới, tôi chỉ mất từ 2 đến 4 tiếng/1 lần tưới, trong khi so với trước đây tưới thủ công phải mất từ 1 đến 2 ngày. Cùng với đó, nhờ hệ thống tưới đều hơn, hiệu quả hơn, nên năng suất, chất lượng quả cũng được nâng lên rất nhiều. Năm 2019, tôi thu 1,6 vạn quả bưởi, trừ chi phí, thu nhập hơn  300 triệu đồng.

Ông Vi Đình Thiện, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Bắc Sơn cho biết: Trong những năm qua, phòng đã tham mưu cho UBND huyện hỗ trợ người dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp; phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi trâu, bò vỗ béo…; tạo điều kiện cho người dân các xã giao lưu học hỏi kinh nghiệm, tham quan các mô hình sản xuất hiệu quả. Đồng thời, hằng năm duy trì các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật, đào tạo nghề cho bà con. Thời gian tới, phòng tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân ứng dụng khoa học kỹ thuật, mở rộng diện tích các loại cây trồng áp dụng VietGAP; tạo điều kiện để người dân và doanh nghiệp gắn kết, duy trì liên kết bao tiêu, đảm bảo đầu ra cho các sản phẩm nông sản của huyện.

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học- kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp đã mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân. Trong đó, quan trọng nhất là chất lượng các sản phẩm nông sản của huyện ngày càng được nâng lên. Nhờ đó, góp phần nâng cao thu nhập bình quân đầu người của huyện hiện nay lên 44 triệu đồng/người/năm, tăng 21 triệu đồng/người/năm so với năm 2015.


NGUYỄN PHƯƠNG/baolangson

http://baolangson.vn/kinh-te/307692-bac-son-tang-cuong-ung-dung-ky-thuat-trong-san-xuat-nong-nghiep.html

  • Từ khóa