Tăng cường quản lý rủi ro khi cho vay lại vốn vay nước ngoài

Thứ 7, 21.11.2020 | 14:46:10
499 lượt xem

Tính đến cuối năm 2019, danh mục cho vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ bao gồm trên 600 dự án với tổng dư nợ cho vay lại gần 5,4 tỷ USD.

Chỉ tiêu an toàn nợ công được kiểm soát chặt chẽ

Theo Bản tin nợ công số 10 do Bộ Tài chính ban hành tháng 10/2020, các chỉ tiêu nợ năm 2019 đều đảm bảo trong giới hạn được Quốc hội quyết định: nợ công so với tổng sản phẩm quốc nội tới năm 2019 là 55% GDP, nợ Chính phủ/GDP dưới 48%, nợ nước ngoài quốc gia dưới 47,1%, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ/thu ngân sách dưới 17,4%.

Đại diện Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho hay, công tác quản lý nợ công được tăng cường, các chỉ tiêu an toàn nợ được kiểm soát chặt chẽ, nằm trong giới hạn trần nợ công được Quốc hội phê chuẩn và giảm dần qua các năm trong giai đoạn 2016 -2019 (từ 61% năm 2015 còn 55% năm 2019), góp phần tăng dư địa chính sách tài khóa, đảm bảo an toàn nợ công và an ninh tài chính.

Các chỉ tiêu nợ năm 2019 đều đảm bảo trong giới hạn được Quốc hội đưa ra (Ảnh minh họa: KT)

Các chỉ tiêu nợ năm 2019 đều đảm bảo trong giới hạn được Quốc hội đưa ra (Ảnh minh họa: KT)

Tính đến 31/12/2019, trên cơ sở tổng hợp số liệu từ các cơ quan cho vay lại cho thấy, trên 600 dự án sử dụng nguồn vốn vay lại. Tổng số dư nợ cho vay lại (không bao gồm cho vay lại chính quyền địa phương) là 124.338 nghìn tỷ đồng, tương đương 5,4 tỷ USD.

Chính phủ ưu tiên cấp bảo lãnh chính phủ và cho vay lại cho các lĩnh vực có khả năng hoàn vốn cho cơ sở hạ tầng, năng lượng, công nghiệp, phát triển hạ tầng đô thị, cấp nước... và các lĩnh vực đang có chủ trương xã hội hóa như dạy nghề, đào tạo đại học, bệnh viện...

Theo ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, kể từ khi Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Quản lý nợ công năm 2017, đến nay hệ thống văn bản pháp luật về quản lý nợ công tại Việt Nam từ luật, nghị định và các thông tư hướng dẫn cơ bản đã hoàn thành.

“Với việc Việt Nam kiên định theo đuổi mục tiêu củng cố tài khóa, quản lý chặt chẽ nghĩa vụ nợ dự phòng của ngân sách từ hoạt động cấp bảo lãnh Chính phủ và vay nước ngoài về cho vay lại, các chỉ tiêu an toàn nợ công được kiểm soát chặt chẽ, nằm trong giới hạn trần nợ được Quốc hội phê chuẩn và giảm dần qua các năm, góp phần bồi đắp dư địa chính sách tài khóa để ứng phó hiệu quả với các cú sốc vĩ mô như Việt Nam đối mặt trong năm 2020”, ông Trương Hùng Long nhấn mạnh.

Tăng cường năng lực quản lý rủi ro đóng vai trò quan trọng

Theo ông Trương Hùng Long, hiện nay, các nhà tài trợ nước ngoài đã điều chỉnh chính sách hợp tác với Việt Nam theo hướng chuyển dần từ cung cấp ODA sang các khoản vay với điều kiện kém ưu đãi hơn, chi phí huy động vốn một số khoản vay tăng gấp đôi so với trước đây làm gia tăng nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của Chính phủ.

Trong 5 năm tới, các khoản vay ODA sẽ giảm dần, tiến đến kết thúc, dẫn đến thiếu hụt nguồn vốn vay dài hạn, ưu đãi cho đầu tư. Thay vào đó, Chính phủ cần huy động các khoản vay mới với điều kiện kém ưu đãi hơn nhiều, sát với thị trường để bù đắp thiếu hụt cho cân đối ngân sách, đầu tư công trung hạn, cũng như cho vay lại đối với các địa phương, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập.

Ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính

Ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính

Đối với vốn vay được Chính phủ bảo lãnh, trong thời gian tới, Việt Nam tiếp tục thực hiện chủ trương hạn chế cấp bảo lãnh chính phủ cho các khoản vay mới.

“Chúng tôi nhận thức được rằng các khoản bảo lãnh Chính phủ có vai trò rất quan trọng giúp các tập đoàn, doanh nghiệp thực hiện các dự án thiết yếu, trọng điểm quốc gia có khả năng tiếp cận nguồn vốn thương mại lớn với quy mô lớn và chi phí vay ưu đãi hơn”, ông Trương Hùng Long nói.

Do đó, đại diện Bộ Tài chính cho rằng, yêu cầu đặt ra là cần có cơ cấu nợ hợp lý, cân đối giữa chi phí và rủi ro, giữa nghĩa vụ nợ trực tiếp và nghĩa vụ nợ dự phòng của Chính phủ phù hợp với yêu cầu phát triển cũng như năng lực quản lý của Việt Nam.

Theo đánh giá của ông Francois Painchaud, Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam, Việt Nam đã khá thành công trong những quyết sách vừa qua trong ứng phó Covid-19, duy trì tăng trưởng kinh tế. Những biện pháp về chính sách, đặc biệt là chính sách tài khóa giúp Việt Nam đạt những kết quả trong thời gian qua.

“Việc tăng cường năng lực quản lý rủi ro đóng vai trò rất quan trọng, đặc biệt liên quan đến đảm bảo rủi ro tài khóa trong hoạt động bảo lãnh, cho vay lại của Chính phủ để giúp Việt Nam tiếp tục đạt kết quả tích cực trong các biện pháp chính sách”, ông Francois Painchaud khuyến nghị.

Chuyên gia đến từ IMF cho rằng, bảo lãnh và cho vay lại có những rủi ro tương tự như nhau, nhưng hình thức khác nhau nên cần được quản lý một cách phù hợp. Bộ Tài chính có thể thu nhận nhiều lợi ích từ việc xây dựng năng lực như đánh giá các đề xuất bảo lãnh/cho vay lại; đánh giá và lượng hóa các rủi ro đi kèm tại thời điểm bảo lãnh và cập nhật trong suốt thời hạn bảo lãnh, giám sát thực hiện bảo lãnh/cho vay lại. Đồng thời, cải thiện theo dõi hồ sơ và công khai thông tin sẽ giúp tăng cường tính minh bạch và tạo thuận lợi hơn cho việc quản lý.

Trong năm 2019 và năm 2020, thực hiện Chỉ thị 31/CT-TTg của Thủ tướng về việc chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong việc chấp hành pháp luật về ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính đã chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương, địa phương kiểm soát chặt chẽ các khoản vay; hạn chế tối đa việc cấp bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay mới, các hoạt động bảo lãnh cho doanh nghiệp nhà nước vay vốn nước ngoài. Bộ Tài chính khẳng định, việc hạn chế cấp bảo lãnh Chính phủ cho các dự án mới đã dẫn đến tổng dư nợ được Chính phủ bảo lãnh có xu hướng giảm dần./.


Cẩm Tú/VOV.VN

https://vov.vn/kinh-te/tang-cuong-quan-ly-rui-ro-khi-cho-vay-lai-von-vay-nuoc-ngoai-818936.vov

  • Từ khóa